Với chỉ số nồng độ cồn trên máy đo của cảnh sát giao thông (CSGT) lên đến 0,622 miligam/1 lít khí thở, tài xế Nguyễn Văn Nam (Thanh Trì, Hà Nội) bị xử phạt hành chính 16 triệu đồng (theo Nghị định 46/2016). Tài xế Nam cho biết, mới uống 02 cốc bia tại một quán nhậu gần đó...
Đây cũng là câu chuyện được rất nhiều bạn đọc quan tâm trong thời gian vừa qua. Nhiều người thắc mắc, với 02 cốc mà chỉ số đo nồng độ cồn cao đến như vậy có hợp lý?
Trước đó, trưa ngày 16/8, thực hiện đợt cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông và trật tự xã hội trong dịp Quốc khách 2/9/2016, Phòng CSGT Công an TP. Hà Nội ra quân kiểm tra xử lý người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia tham gia giao thông. Theo kế hoạch, CSGT trên cả nước sẽ tăng cường hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Trên đường bộ, CSGT sẽ tập trung kiểm tra, xử lý hành vi lái xe sử dụng rượu, bia quá nồng độ cồn quy định; lái xe chạy quá tốc độ; lạng lách, đánh võng, đua xe trái phép; xe khách dừng, đỗ, đón trả khách không đúng quy định...
Đặc biệt, tại các thành phố lớn như: Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và Cần Thơ, Cục CSGT sẽ phối hợp với Công an thành phố tập trung kiểm soát việc lái xe uống rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông ngay gần các nhà hàng, quán rượu, bia vào những khung giờ cao điểm từ 11h-14h và 16h-21h hàng ngày.
khi tiến hành kiểm tra một tài xế lái chiếc xe ô tô di chuyển từ quán bia ra, tổ công tác phát hiện tài xế Lê Văn Nam (SN 1963, ở Thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì, Hà Nội) có dấu hiệu sử dụng bia, rượu trước khi lái xe. Tiến hành đo nồng độ cồn, kết quả tài xế Nam vi phạm ở mức 0,622 miligam/1 lít khí thở, trên xe chở thêm 6 người, ai nấy mặt đỏ tưng bừng. Theo ông Nam trình bày, ông chỉ uống 2 cốc bia tại quán, nhưng không ngờ kết quả đo nồng độ cồn lại cao như vậy. Tại đây, tổ công tác đã tiến hành lập biên bản, xử phạt hành chính đối với tài xế Nam với mức phạt tiền từ 16 – 18 triệu đồng theo Nghị định 46/2016 của Chính phủ.
Liên quan tới sự việc trên, anh Nguyễn Văn Chiến (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: “Uống 02 cốc bia mà nhận mức phạt cao tới như vậy chắc chẳng ai dám uống bia, rượu gì nữa. Trong khi hàng ngày tôi có khá nhiều việc cần sử dụng bia, rượu như là gặp mặt bạn bè, đến đám cưới, đám giỗ. Giờ chắc là nếu đã uống bia, rượu bên ngoài thì chỉ nên đi taxi cho yên tâm. Thế này thì quán bia, nhà hàng lại ế khách dài dài rồi...”
Trong khi đó, anh Trần Tiến Thành (Đống Đa, Hà Nội) lại cho rằng, đã uống bia, rượu thì dù ít hay nhiều cũng không nên lái xe. Uống bia hay rượu trước khi lái xe rất dễ dẫn tới mất kiểm soát khi điều khiển phương tiện. Anh Thành nhận xét: “Người đàn ông bị phạt cho biết đã uống 02 cốc bia trước khi lái xe, nhưng tôi cho rằng, anh này uống nhiều hơn 02 cốc, nếu không máy đo chắc chắn sẽ không báo cao như vậy (mức độ cho phép là dưới 0,25 miligam/1 lít khí thở). Ngoài ra, mức độ thích nghi của mỗi người đối với việc uống bia, uống rượu là rất khác nhau. Ví dụ: Có người chỉ uống có một cốc bia cũng có thể bị say và mất kiểm soát, nếu người đó là người không hay sử dụng bia, rượu, nhưng cũng có những người uống nhiều mà cũng chưa say. Vậy nên, người ta mới có thiết bị đo nồng độ cồn trong khí thở của người đã uống bia, rượu, qua đó căn cứ để làm tiêu chuẩn đánh giá mức độ tỉnh táo khi điều khiển xe của người đã sử dụng bia, rượu. Tôi cho rằng, mức phạt cao như vậy mang tính răn đe, qua đó phần nào hạn chế những tài xế say xỉn mà vẫn cố tình lái xe”.
Thực tế, việc sử dụng rượu, bia không chỉ là thói quen của riêng người Việt Nam mà nó còn là thói quen, thậm chí là văn hóa ở nhiều quốc gia khác trên thế giới. Tuy nhiên, việc sử dụng bia, rượu một cách quá nhiều cũng dẫn tới những hệ quả không tốt cho sức khỏe dẫn đến mất kiểm soát về hành động và khi lái xe thì sẽ không an toàn cho bản thân và người tham gia giao thông.
Theo một số chuyên gia về y tế, lượng cồn trong máu của người khi uống rượu, bia phụ thuộc vào một số yếu tố như: Cân nặng của người uống, tốc độ uống, thời gian uống và nồng độ cồn trong đồ uống. Để người sử dụng bia, rượu có thể ước lượng được lượng cồn vào trong cơ thể, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra một cách tính dùng để ước lượng. Cụ thể, WHO đã đưa ra một đơn vị uống chuẩn chứa 10 gam cồn. Theo đó, một đơn vị uống chuẩn này tương đương với 1 chén rượu mạnh (40 độ, 30 ml); 1 ly rượu vang (13,5 độ, 100 ml); 1 vại bia hơi (330 ml); 2/3 chai hoặc lon bia (330 ml).
Như vậy, để nồng độ cồn giới hạn khoảng 50 miligam/100 mililít máu hoặc dưới 0,25 miligam/lít khí thở (được phép điều khiển xe máy), đàn ông không nên uống quá 2 đơn vị uống chuẩn trong giờ đầu tiên và không uống quá một đơn vị chuẩn nữa trong mỗi giờ sau đó. Với phụ nữ, không nên uống quá một đơn vị và không uống quá một đơn vị uống chuẩn trong mỗi giờ sau đó. Tuy nhiên, các chuyên gia về y tế cũng đưa ra cảnh báo về việc sử dụng bia, rượu ở nam và nữ là khác nhau. Khi cả hai cùng sử dụng một đơn vị uống chuẩn thì cơ thể nữ giới có nồng độ cồn tăng cao hơn. Sở dĩ như vậy là bởi do cơ thể nữ giới có nhiều mô mỡ hơn nam giới.
Trưa ngày 18/8, có mặt tại chốt giao thông ngã ba Đoàn Khuê – Đoàn Hạnh (Long Biên, Hà Nội) với tổ công tác chuyên đề “Kiểm tra nồng độ cồn” của Đội CSGT số 5 Công an TP. Hà Nội. theo ghi nhận của phóng viên, trong quãng thời gian từ 11h30 tới 13h30, các chiến sỹ trong tổ công tác cho tiến hành dừng xe và kiểm tra nồng độ cồn của một số tài xế ô tô tại đây. Tuy nhiên, trong các trường hợp kiểm tra, nồng độ cồn trong khí thở của các tài xế ô tô đều chưa lên tới mức vi phạm, nhưng đối với một số trường hợp của người điều khiển xe máy thì lại có nồng độ cồn cao quá với mức độ cho phép. Các chiến sỹ của tổ đã tiến hành lập biên bản, xử lý các trường hợp vi phạm theo Nghị định 46/2016.
Đề cập đến vấn đề trường hợp tài xế ô tô uống 02 cốc bia nhưng có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép trong cuộc trao đổi cùng Đại úy Đặng Hồng Giang - Phó đội trưởng Đội CSGT số 5 Công an TP. Hà Nội, Đại úy Giang cho biết: Trên thực tế, đã có rất nhiều vụ tai nạn giao thông rất thương tâm xảy ra cũng từ việc người điều khiển phương tiện đã sử dụng bia, rượu nên không làm chủ được tốc độ khi điều khiển phương tiện. Nhiều người tham gia giao thông khi bị xử phạt đều có tâm lý biện minh cho việc mình sử dụng bia, rượu như là: Tiếp khách, đi đám giỗ, đám cưới, hoặc là mình sử dụng rất ít nhưng không hiểu sao nồng độ cồn trong hơi thở vẫn cao. Tuy nhiên, việc nồng độ cồn trong khí thở của mỗi người có vi phạm hay không là do thiết bị đo cung cấp số liệu. Tất cả các thiết bị đo nồng độ cồn chúng tôi sử dụng đều được cơ quan cấp trên cấp và đã được kiểm định bởi những cơ quan chuyên môn, nên kết quả đo là chính xác. Vì vậy, chúng tôi khuyến cáo người tham gia giao thông không nên sử dụng bia, rượu trước khi lái xe, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù uống ít hay nhiều" – Đại úy Đặng Hồng Giang nói./.
Theo Nghị định 46, phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng đối với người điều khiển xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 mlt máu hoặc vượt quá 0,4 mg/l khí thở (theo Điểm a, Khoản 9, Điều 5); hoặc không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ (theo điểm b, Khoản 9, Điều 5).Ngoài ra, người điều khiển xe còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 4 đến 6 tháng (theo Điểm đ, Khoản 12, Điều 5).Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 mg đến 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 mg đến 0,4 mg/l khí thở.Phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng đối với người điều khiển xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 ml/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/l khí thở; hoặc không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ. |
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!