Phát triển các tuyến xe buýt nhanh để giảm ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn

Sau gần một tuần đưa vào hoạt động, tuyến xe buýt nhanh đầu tiên (BRT) của Hà Nội, lộ trình Kim Mã - Yên Nghĩa bước đầu nhận được sự ủng hộ của người dân. Bên cạnh đó, cũng xuất hiện một số ý kiến phản ánh những bức xúc của chủ các phương tiện giao thông cá nhân trước một số thay đổi về công tác tổ chức giao thông trên tuyến đường BRT đi qua.

Xe buýt nhanh mới đưa vào hoạt động đã thu hút được nhiều hành khách.

Tuy nhiên, với chủ trương ưu tiên phát triển giao thông công cộng, TP Hà Nội nỗ lực tạo điều kiện cho xe buýt nhanh hoạt động hiệu quả, nhằm xây dựng thói quen đi lại văn minh, góp phần giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn.

Đồng chí Nguyễn Thủy, Giám đốc Xí nghiệp Xe buýt nhanh BRT Hà Nội (Tổng công ty Vận tải Hà Nội) cho biết: Trong ngày đầu tiên đưa vào hoạt động, BRT chạy 264 lượt (đạt 100% kế hoạch), vận chuyển 8.317 hành khách, trong đó có cả người đi xe lăn, bình quân đạt hơn 30 khách/lượt xe. Các điểm chờ có lượng khách cao là: Kim Mã, Yên Nghĩa, Hoàng Đạo Thúy, Thành Công và Giảng Võ. Ngày thứ hai, BRT thực hiện được 358 lượt xe với số lượng hành khách tăng đáng kể (10.433 hành khách, đạt 125,4% kế hoạch).

Đáng chú ý, ca 1 của tuyến buýt này hoạt động trong khoảng thời gian từ 5 giờ đến 14 giờ, bao gồm cả khung giờ cao điểm buổi sáng, việc đi lại rất khó khăn, nhưng BRT vẫn không phải bỏ một lượt xe nào. Tuy nhiên, còn rất nhiều phương tiện đi lấn làn đường, thậm chí có người còn đỗ dừng phương tiện trong làn đường ưu tiên gây khó khăn cho BRT hoạt động. Thông qua công tác tuyên truyền, những ngày sau tình trạng này đã được cải thiện, các chủ phương tiện, nhất là ô-tô con đã chấp hành quy định về đường ưu tiên cho xe buýt nhanh.

Bác Nguyễn Văn Hải nhà ở Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính chia sẻ: “Tôi thấy BRT là phương tiện an toàn, văn minh và thân thiện với người sử dụng. Xe chỉ đi bên trái đường. Ngồi trong nhà chờ, xe đến đúng điểm đón, thì cửa lên xuống của xe mở cùng với cửa nhà chờ, có thanh dẫn ngang làm cho khách ra vào phương tiện rất dễ dàng, thuận lợi. Cả nhà chờ và xe đều rất sạch, đẹp. Mong rằng BRT bảo đảm được tần suất hoạt động đúng như thiết kế (từ 5 đến 15 phút/lượt), có thêm tuyến mới và tạo được sự kết nối thuận tiện với các tuyến buýt thường khác”.

Như vậy, đối với người sử dụng phương tiện vận tải công cộng, BRT đã bước đầu tạo được cảm tình và đang từng bước thu hút người sử dụng. Song đối với người sử dụng các phương tiện giao thông khác, việc chấp nhận BRT không phải là điều dễ dàng. Lộ trình đi của xe bắt đầu từ Bến xe Kim Mã qua các tuyến đường Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương - Tố Hữu - Lê Trọng Tấn - Quang Trung (Hà Đông) - Ba La - quốc lộ 6 - Bến xe Yên Nghĩa và ngược lại (tổng chiều dài quãng đường là 14,7 km). Đây là trục đường hướng tâm, có mật độ phương tiện cao, thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông vào các giờ cao điểm. Vậy mà loại xe này đòi hỏi phải có làn đường dành riêng, đồng nghĩa với việc giảm diện tích lưu thông của các phương tiện khác.

Bên cạnh đó, công tác tổ chức giao thông cũng được điều chỉnh theo hướng ưu tiên cho hướng xe buýt nhanh chạy, hạn chế các phương tiện rẽ trái và cấm đi trên hai cầu vượt trong giờ cao điểm… Ngay trong những ngày chạy thử nghiệm, tại một số tuyến đường đã xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài với cảnh tượng BRT bị bao vây bởi các phương tiện khác. Đây là điều không bất ngờ bởi các tuyến đường nêu trên vốn đã quá tải, nay có thêm 20 chiếc xe buýt với hơn 350 lượt xe chạy/ngày, mà lại chạy trên làn đường riêng ưu tiên. Từ đó dẫn tới có nhiều ý kiến chưa ủng hộ buýt nhanh hoặc góp ý cần tổ chức cho các phương tiện đi chung làn đường.

Về vấn đề này, đồng chí Vũ Hà, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư phát triển giao thông đô thị Hà Nội cho biết, khi chọn tuyến đường cho BRT chạy là đã có sự nghiên cứu kỹ. Các tuyến đường này bảo đảm được yêu cầu về hạ tầng, đồng thời sau này còn kết nối với hai tuyến đường sắt đô thị đang triển khai. Xe buýt nhanh chỉ phát huy hiệu quả khi có làn đường dành riêng để bảo đảm được tần suất hoạt động như thiết kế. Vì vậy, công tác tổ chức giao thông đã được khảo sát và xây dựng trên cơ sở ưu tiên cho hoạt động của phương tiện này. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, Ban Quản lý sẽ cùng cơ quan chức năng tiếp tục rà soát để có sự điều chỉnh phương án tổ chức giao thông cho phù hợp. Thí dụ như điều chỉnh chu kỳ đèn giao thông, tổ chức phương án rẽ trái cho các phương tiện khác, bổ sung biển báo hiệu, chỉ dẫn…

Phát triển vận tải hành khách công cộng tại các đô thị lớn như Hà Nội là chủ trương đúng đắn nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, nhất là các phương tiện vận chuyển khối lượng lớn, tốc độ nhanh như BRT, đường sắt đô thị… Đây cũng là xu thế phát triển tất yếu của các đô thị hiện đại trên thế giới. Thực tế cho thấy không nguồn lực nào, quỹ đất nào có đủ để đầu tư một hệ thống hạ tầng đáp ứng được số lượng phương tiện giao thông cá nhân liên tục tăng nhanh như ở Hà Nội hiện nay.

Theo các chuyên gia của Viện Chiến lược và Phát triển giao thông đô thị, nếu chúng ta cứ để các phương tiện giao thông cá nhân phát triển tự phát như hiện nay thì đến năm 2020, thành phố sẽ ùn tắc nghiêm trọng, bởi diện tích chiếm dụng của phương tiện gấp ba lần so với diện tích mặt đường, riêng khu vực trung tâm thành phố sẽ gấp 4,5 lần. Đến năm 2025 và 2030, các tuyến đường trong khu vực nội đô sẽ bị quá tải gấp 7,5 lần và 10,5 lần, lúc đó các phương tiện tham gia giao thông sẽ không thể di chuyển được nữa. Vì vậy, cùng với đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, phát triển vận tải hành khách công cộng là việc cần làm ngay.

Hiện, một tuyến BRT chưa thể giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông trong nội đô, song đây là bước đột phá về phát triển vận tải hành khách công cộng và cả về nhận thức trong tham gia giao thông của người dân. Khi chúng ta tạo điều kiện cho phương tiện mới này hoạt động thuận lợi, kết nối hiệu quả với các phương tiện khác là tiền đề quan trọng để người dân dần từ bỏ phương tiện cá nhân.

Tiến sĩ Đinh Thị Thanh Bình, Giảng viên Trường đại học Giao thông vận tải góp ý, cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển các tuyến BRT khác kết nối các tuyến đường sắt đô thị, cho đến khi chất lượng giao thông công cộng ở mức đạt yêu cầu, thì phương tiện cá nhân sẽ tự triệt tiêu. Vì vậy, thành phố cần quyết tâm mục tiêu và thực hiện các biện pháp kiên quyết, thì mới giải quyết được vấn đề còn lại. Trong đó, công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh hơn nữa nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của người tham gia giao thông. Nếu không bài toán giao thông vẫn mãi là một vòng luẩn quẩn.

 

Theo Báo Nhân Dân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới