Do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh nên nhu cầu sử dụng các loại hàng hóa phục vụ hỗ trợ điều trị bệnh ngày càng tăng cao. Trong thời điểm này, một số cá nhân, doanh nghiệp đã lợi dụng tình hình để kinh doanh hàng lậu, hàng không có xuất xứ rõ ràng.
Trước tình hình trên, lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Công an Sơn La đã chủ động xây dựng kế hoạch đấu tranh với loại tội phạm này. Đồng thời, làm tốt công tác phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm. Đại úy Trần Mạnh Quyết, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Công an tỉnh, cho biết: Thủ đoạn hiện nay của một số cơ sở là kinh doanh hàng hóa nhập lậu không rõ nguồn gốc, xuất xứ; xé lẻ hàng hóa, trà trộn với hàng hóa khác, sử dụng hóa đơn chứng từ để hợp pháp hàng hóa nhập lậu, sử dụng hóa đơn khống, quay vòng hóa đơn, ghi tên hàng hóa chung chung trên hóa đơn, sản phẩm nước ngoài thay nhãn mác của cơ sở sản xuất trong nước.
Lực lượng công an và quản lý thị trường Sơn La phối hợp kiểm tra các cơ sở kinh doanh.
Ảnh: Cao Thiên (CTV)
Trong năm 2021, lực lượng công an Sơn La đã phối hợp với các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý 76 vụ, 79 đối tượng có hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng cấm. Đợt ra quân cao điểm tấn công trấn áp tội phạm dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần vừa qua, cơ quan công an đã phát hiện xử lý 1 vụ kinh doanh hàng giả; 4 vụ kinh doanh hàng lậu; 180 vụ vi phạm về kinh doanh, niêm yết giá, không có chứng nhận đăng ký kinh doanh, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ...
Không chỉ có mặt hàng kit test lậu, mà việc kinh doanh các loại thuốc đặc trị Covid-19 hiện nay cũng đang diễn ra trên thị trường với nhiều chủng loại và nguồn gốc khác nhau. Cuối tháng 2 vừa qua, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Công an Sơn La đã phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 2, Cục Quản lý thị trường Sơn La phát hiện quầy thuốc Thùy Linh, tiểu khu 5, thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn, đang bày bán 30 hộp thuốc nhãn hiệu Areplivir và Arbidol xuất xứ nước ngoài, với giá 480.000 đồng/hộp, chủ nhà thuốc Thùy Linh không xuất trình được bất kỳ loại giấy tờ nào liên quan đến nguồn gốc, xuất xứ của số thuốc nêu trên. Lực lượng Công an Sơn La và Đội Quản lý thị trường số 2 đã tiến hành lập biên bản và thu giữ số thuốc trên để xác minh làm rõ, đồng thời xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Theo nhận định của ngành chức năng, nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng trong tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn cao, nên tình hình buôn lậu, buôn bán vận chuyển hàng lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là các sản phẩm điều trị Covid-19 tiềm ẩn phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi hơn. Do vậy, thời gian tới, lực lượng liên ngành phối hợp chặt chẽ với địa phương xây dựng phương án, giao nhiệm vụ cụ thể trong kiểm tra tại địa bàn; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; không để hình thành các đường dây, điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Ông Nguyễn Việt Hoàn, Đội Quản lý thị trường số 1, cho biết: Thời gian tới, Đội tiếp tục tăng cường phối hợp với lực lượng công an thực hiện tuần tra, kiểm soát việc kinh doanh các mặt hàng phục vụ điều trị bệnh Covid-19. Ngoài mặt hàng thuốc, chúng tôi sẽ kiểm tra thêm các mặt hàng lương thực, thực phẩm, xăng dầu... tránh việc lợi dụng dịch Covid-19 để đầu cơ, tăng giá, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, gây bức xúc trong nhân dân.
Cùng với sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng, thiết nghĩ, nhân dân nên mua bộ xét nghiệm, thuốc điều trị Covid-19 tại các cửa hàng kinh doanh thuốc uy tín, có đăng ký kinh doanh hợp pháp để bảo đảm chất lượng. Khi phát hiện hành vi bán hàng giả, hàng kém chất lượng, cần báo ngay cho cơ quan chức năng để có biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời.
Trung Hiếu (CTV)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!