Khắc sâu công ơn các liệt sỹ Thanh niên xung phong đã hy sinh tại ngã ba Cò Nòi lịch sử trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng, Nhà nước, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và tỉnh Sơn La đã quy hoạch “Ngã ba Cò Nòi”, địa danh lịch sử trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Năm 2000, tỉnh Sơn La khởi công xây dựng Đài tưởng niệm liệt sĩ TNXP Ngã ba Cò Nòi.
Lực lượng chức năng tổ chức tuyên truyền, vận động người dân trả lại mặt bằng để xây dựng Di tích lịch sử ngã ba Cò Nòi.
Năm 2019, để mở rộng, tôn tạo Di tích lịch sử ngã ba Cò Nòi, UBND tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch xây dựng Di tích lịch sử ngã ba Cò Nòi. Theo đó, UBND huyện Mai Sơn đã tiến hành giai đoạn 1 Dự án xây dựng Khu tưởng niệm tâm linh thuộc Di tích lịch sử ngã ba Cò Nòi.
Tuy nhiên, quá trình giải phóng mặt bằng và xây dựng khu di tích gặp nhiều khó khăn, do có một số hộ dân lấn chiếm mặt bằng khu di tích để sử dụng vào mục đích riêng; cũng có hộ dân không nhất trí phương án đền bù của huyện Mai Sơn; một cá nhân xây dựng công trình trái phép trên đất quy hoạch khu di tích, khi bị cưỡng chế không chấp hành tháo dỡ công trình vi phạm.
Điển hình là hộ ông Lò Văn Dũng, xây dựng nhà trên đất nông nghiệp, vi phạm trật tự xây dựng, đã bị chính quyền địa phương xử lý nhiều lần. UBND tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành biện pháp khắc phục hậu quả (tháo dỡ công trình vi phạm) vào ngày 7/4/2021. Quá trình thực hiện quyết định cưỡng chế, gia đình ông Dũng đã huy động nhiều người thân đến cản trở lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ, đồng thời dùng điện thoại di động quay clip phát trực tiếp trên mạng xã hội Facebook với lời lẽ xuyên tạc, bôi nhọ chính quyền và lực lượng chức năng, làm cho một bộ phận cộng đồng mạng xã hội hiểu sai sự thật, bản chất vụ việc.
Trước thực trạng lấn chiếm Di tích và nhằm phản bác những suy nghĩ lệch lạc của một bộ phận người dân về Di tích quan trọng này, Công an huyện Mai Sơn đã phối hợp với UBND xã Cò Nòi và các ban, ngành, đoàn thể của huyện tổ chức tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu được giá trị, ý nghĩa lịch sử của Di tích. Đồng thời, tổ chức nhiều cuộc đối thoại với từng hộ để họ chấp hành việc di dời, tháo dỡ công trình xây dựng trái phép, trả lại mặt bằng xây dựng di tích. Sau một thời gian tiến hành nhiều biện pháp, đến nay, hầu hết các hộ dân tại khu di tích đã chấp hành phương án đền bù giải phóng mặt bằng, tháo dỡ công trình xây dựng trái phép và không lấn chiếm di tích sử dụng vào mục đích riêng.
Hiện nay, UBND huyện Mai Sơn đang tiếp tục triển khai giải phóng mặt bằng giai đoạn 2, thu hồi cơ bản diện tích đất đã quy hoạch, ảnh hưởng đến các hộ dân đang sinh sống tại khu vực di tích. Để tạo được sự đồng thuận của nhân dân, đảm bảo thi công đúng tiến độ, lực lượng công an và cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường tuyên truyền ý nghĩa của dự án. Vận động các hộ dân liên quan tự giác chấp hành giải phóng mặt bằng. Lực lượng chức năng sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi cản trở, chống đối, xuyên tạc, đăng tin sai sự thật về chủ trương xây dựng Di tích trên mạng xã hội, gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội.
Minh Phong, Đức Thắng (Công an tỉnh)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!