Sự kỳ thị của xã hội, sự tự ti, mặc cảm của bản thân luôn là rào cản cho hành trình tái hòa nhập cộng đồng của những người từng lầm lỡ. Song, với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể, lực lượng công an và sự chung tay của cộng đồng đã giúp nhiều người lầm lỗi tự tin vượt qua mặc cảm, vươn lên trở thành công dân có ích cho xã hội.
Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, hằng năm, Công an tỉnh phối hợp với các cấp, các ngành xây dựng kế hoạch, chủ động nắm bắt điều kiện, hoàn cảnh, diễn biến tư tưởng, tâm lý và nguyện vọng của người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương; xác định nhóm đối tượng theo tính chất, mức độ, phân công các cá nhân, tổ chức, đoàn thể trực tiếp quản lý, giáo dục, giúp đỡ. Đồng thời, đề ra giải pháp phù hợp, vận động cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp chung tay, tạo điều kiện giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương có việc làm, tạo thu nhập ổn định, nhanh chóng hòa nhập cộng đồng.
Lãnh đạo huyện Quỳnh Nhai động viên người lầm lỡ vươn lên trong cuộc sống.
Từ năm 2019 đến nay, các huyện, thành phố đã phối hợp các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tư vấn, giới thiệu việc làm cho trên 500 lượt người tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; tạo điều kiện cho 32 hộ gia đình và cá nhân vay vốn, với số tiền 870 triệu đồng.
Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng duy trì hiệu quả 17.448 "Nhóm liên gia tự quản" về an ninh trật tự, quản lý, giáo dục, theo dõi, giúp đỡ 836 người sau cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng; 2.820 người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá trở về nơi cư trú, giúp đỡ, động viên họ sớm ổn định cuộc sống.
Hơn 200 người nghiện đã cai được nghiện, hơn 100 người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng có cuộc sống ổn định... là kết quả mô hình Câu lạc bộ “Cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng” tại xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu, do Công an và Hội Phụ nữ xã chủ trì.
Ông Dương Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Chiềng Sơn, chia sẻ: Những năm qua, Câu lạc bộ “Cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ những người lầm lỡ hòa nhập cộng đồng” phối hợp tổ chức hơn 500 cuộc tuyên truyền pháp luật, thu hút gần 28.000 lượt người tham gia; cảm hóa, giúp đỡ 353 người từng lầm lỡ trở về cuộc sống đời thường, tham gia phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo...
Anh Phạm Bá Dân có xưởng mộc riêng làm đồ gỗ mỹ nghệ.
Ngượng ngùng khi nhắc lại chuyện cũ, anh Phạm Đức Chín, tiểu khu 2, xã Chiềng Sơn, Mộc Châu nói: Nghiện ma túy đã khiến bao nhiêu của cải trong nhà "đội nón" ra đi; cuộc sống khó khăn, con cái nheo nhóc, gia đình luôn xảy ra mâu thuẫn. Được giúp đỡ, hỗ trợ, động viên của các thành viên CLB, tôi đã cai nghiện thành công, tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp. Hiện nay, thu nhập của gia đình đạt trên 200 triệu đồng/năm, cuộc sống ổn định, con cái được học hành đầy đủ.
Năm 2021, Công an huyện Quỳnh Nhai cũng đã tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành nghị quyết triển khai mô hình “Cuộc vận động toàn dân tham gia quản lý, giáo dục, cảm hóa người lầm lỗi”. Trước khi triển khai, toàn huyện có 862 người lầm lỗi. Sau 1 năm, đã rà soát, đưa 565 người ra khỏi diện quản lý, giáo dục, cảm hoá; hiện đang quản lý, giáo dục, cảm hoá 297 trường hợp.
Anh Phạm Bá Dân, xóm 2, xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai, kể: Những ngày mới tái hòa nhập cộng đồng, tôi không dám ra đường, suốt ngày quanh quẩn trong nhà vì mặc cảm, tự ti. Nhờ sự động viên của gia đình, chính quyền địa phương, tôi quyết tâm làm lại từ đầu, tự mở xưởng mộc. Hiện nay, xưởng của tôi chủ yếu nhận các đơn hàng gia công đồ gỗ mỹ nghệ và sản xuất một số sản phẩm sẵn để xuất bán đi các huyện, thành phố trong tỉnh. Thu nhập trung bình hơn 200 triệu đồng/năm; tạo việc làm 1 lao động chính với thu nhập 15 triệu đồng/tháng và nhiều lao động thời vụ, thu nhập 250 nghìn đồng/người/ngày.
Toàn tỉnh hiện có 2.680 người chấp hành xong án phạt tù, trong đó, còn 1.253 đối tượng tái hòa nhập cộng đồng không có việc làm hoặc việc làm tạm, không ổn định, thiếu vốn để tổ chức sản xuất, tư tưởng tự ti, mặc cảm. Các cấp, các ngành, đoàn thể đã tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân để tránh kỳ thị, phân biệt đối xử với những người lầm lỗi. Đồng thời, hỗ trợ vay vốn, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm; triển khai các biện pháp giáo dục, cảm hóa, giám sát, ngăn chặn không để các đối tượng xấu tiếp cận, lôi kéo tái phạm.
Mô hình kinh tế vườn, ao, chuồng của gia đình anh Phạm Đức Chín, tiểu khu 2, xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu.
Đại tá Vì Quyền Chứ, Phó Giám đốc Công an tỉnh, cho hay: Công an tỉnh đang tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương và tỉnh. Tăng cường các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Đồng thời, chú trọng công tác tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, phòng ngừa tái phạm tội và xây dựng, nhân rộng các mô hình, cá nhân điển hình trong công tác tái hòa nhập cộng đồng; nâng cao chất lượng công tác giáo dục, tư vấn, hướng nghiệp, dạy nghề, cho phạm nhân trong các trại tạm giam, nhà tạm giữ...
Việc hỗ trợ, giúp đỡ, giáo dục người chấp hành án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác phòng, chống tội phạm; là trách nhiệm chung của toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị, trong đó, lực lượng công an đóng vai trò nòng cốt. Song hơn hết, mỗi người dân thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến đối với những người từng lầm lỡ, giúp họ tự tin xây dựng cuộc sống, góp phần hạn chế tình trạng tái phạm, đảm bảo an ninh, trật tự tại địa phương.
Thủy Ngân - Trần Hiền
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!