Trong hành trình gìn giữ bình yên ở địa bàn cơ sở, nhiều cán bộ, chiến sĩ Công an ở tỉnh Sơn La đã tình nguyện đến những địa bàn vùng cao biên giới. Họ đã dành trọn tuổi thanh xuân, vượt núi, băng rừng, bám bản để bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân. Sự hy sinh lặng thầm của họ đã góp phần làm sáng lên hình ảnh người chiến sĩ công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ.
Người con của Phiêng Khoài
Nhắc đến Trung tá Lừ Hồng Vinh, Trưởng Công an xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu hầu như người dân nơi đây ai cũng biết. Gắn bó với mảnh đất này từ năm 2015, trong mắt nhân dân nơi đây, anh không chỉ là chiến sĩ công an mà còn như người con, người em thân thiết.

Phiêng Khoài có hơn 20 km đường biên giới giáp với huyện Xiềng Khọ, tỉnh Hủa Phăn (nước CHDCND Lào), nhiều năm là điểm nóng về tệ nạn ma túy. Bằng sự kiên trì, sát dân, gần dân, anh Vinh và đồng đội đã tham mưu cho chính quyền địa phương, cùng phối hợp với bộ đội biên phòng triển khai nhiều biện pháp, giữ vững an ninh trật tự vùng biên giới. Ở công an xã Phiêng Khoài, những cuộc giao ban không hẹn giờ, mà hoàn toàn phụ thuộc vào thực tiễn công việc. Các chiến sỹ không có giờ hành chính, tất cả đều lên đường khi dân cần, khi có việc nóng cần kịp thời giải quyết.
Là “điểm nóng” về ma túy, công tác bảo đảm an ninh trật tự chưa bao giờ là dễ dàng. Nhiều người từng một thời vướng vào tệ nạn, chấp hành án phạt tù, nay mãn hạn trở về địa phương, họ mang theo ánh mắt dè dặt, tâm thế ngần ngại và cả sự lạc lõng giữa cộng đồng. Trung tá Vinh và đồng đội đã đi từng nhà, vận động, thuyết phục, giúp đỡ từng người lầm lỡ hòa nhập trở lại với cuộc sống đời thường.
Trung tá vinh, chia sẻ: Ở địa bàn từng bị ma túy bủa vây, không giúp họ vượt qua mặc cảm thì họ dễ tái phạm, nói với họ không phải bằng lý lẽ pháp luật khô khan, mà bằng những lời khuyên chân tình, hướng dẫn làm ăn, giới thiệu việc làm, phải kéo họ về với đời sống lương thiện thì mới giữ được sự bình yên lâu dài.

Câu chuyện của anh Lê Đại Đồng, người từng nghiện ma túy, nay là chủ một trang trại chăn nuôi và vườn mận 2 ha tại bản Kim Chung 2, là minh chứng rõ ràng cho hành trình “hồi sinh” mà anh Lừ Hồng Vinh và lực lượng công an xã đồng hành cùng người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng.
Anh Đồng xúc động kể: Một năm chìm trong ma túy, gia đình nghèo đói, nhưng các chiến sĩ công an xã không bỏ rơi tôi. Các anh ấy thuyết phục tôi đi cai nghiện, rồi tìm mọi cách giúp tôi vay vốn, khởi nghiệp lại từ đầu, định hướng trồng trọt chăn nuôi, giờ kinh tế ổn định, con cái được học hành. Tôi biết ơn các anh rất nhiều.
Tình nguyện ở lại vùng biên
Không sinh ra ở Sơn La, nhưng Thượng úy Trần Nam Sơn, Công an xã Nậm Lạnh, huyện Sốp Cộp, lại chọn nơi đây để gửi gắm những năm tháng thanh xuân. Là người Hà Nội, năm 2020, đặt chân đến Nậm Lạnh, anh đã phải vượt qua giai đoạn khó khăn đầu để hòa đồng với người dân nơi đây. Không chỉ vậy, một bước dấn thân tiếp, như một quyết định dũng cảm, là đưa vợ con lên Sốp Cộp sinh sống và làm việc. Dù nhà vẫn phải đi thuê, nhưng căn nhà nhỏ của gia đình Nam Sơn giữa miền biên giới vẫn đầy ắp tiếng cười.
Thượng úy Trần Nam Sơn, Công an xã Nậm Lạnh, chia sẻ: Thời điểm tôi lên trên này nhận công tác một mình, không đưa vợ con lên, cảm giác mình không được yên tâm. Đường xá xa xôi, không thể về thường xuyên nên tôi quyết định đưa cả vợ con lên trên này. Có vợ con bên cạnh, tôi càng muốn gắn bó lâu dài với vùng biên.

Nậm Lạnh có 8,5km đường biên giới tiếp giáp với nước CHDCND Lào, với nhiều đồng bào dân tộc cùng sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo cao, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp về ANTT… Được phân công làm nhiệm vụ phòng chống tội phạm, Thượng úy Trần Nam Sơn đã tích cực cùng chỉ huy Công an xã tham mưu cho địa phương nhiều giải pháp đấu tranh, phòng ngừa tội phạm, tệ nạn xã hội. Ở Nậm Lạnh, công an xã đã giúp dân hiểu thế nào là tội phạm và mỗi loại tội phạm sẽ hoạt động ra sao, để nhân dân hiểu dân phòng ngừa, giữ gìn an ninh trật tự.
Hơn 4 năm gắn bó với Nậm Lạnh, bám dân, bám bản, anh cùng đồng đội luôn sẵn sàng đến những nơi phức tạp đê giải quyết các vụ việc. Nam Sơn cũng là một trong những “người hòa giải” mát tay cho nhiều vụ việc khiến kiện phức tạp.
Điển hình như vụ việc tranh chấp đất đai kéo dài từ năm 2016 giữa nhân dân bản Kéo Vai và bản Púng Tòng. Đầu năm 2024, Trần Nam Sơn được cử tham gia tổ công tác của huyện, của xã tham gia giải quyết vụ việc này. Dù không phải là người bản địa nhưng phương châm “trăm cái lý không bằng một tí cái tình” của anh và tổ công tác giúp dân bản hai bên đồng thuận, từ đó vụ tranh chấp đất được giải quyết ổn thỏa.
Cuối năm 2024, trong chuyên án truy bắt đối tượng buôn bán chân gấu và ma túy, Sơn cùng đồng đội bị đối tượng rút súng dọa bắn. Nhưng với bản lĩnh và nghiệp vụ, anh đã khống chế thành công mà không để ai bị thương. Anh Sơn kể: Đi đánh án ở vùng này, nguy hiểm luôn rình rập, lần suýt bị bắn, tôi mới thấm thía hết sự hiểm nguy. Nhưng điều khiến tôi không thể rời bỏ vùng đất này, là ánh mắt của người dân khi họ nói: Có công an, chúng tôi thấy yên tâm hơn!

Điểm tựa vững chắc vùng biên
Sơn La có hơn 274km đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Hủa Phăn và Luông Pha Bang (nước CHDCND Lào). Trong đó, có 17 xã biên giới thuộc 6 huyện, thị xã gồm: Sốp Cộp, Sông Mã, Mai Sơn, Yên Châu, Mộc Châu và Vân Hồ, đều là địa bàn hiểm trở, nhiều thách thức về an ninh trật tự.
Ở nơi khó khăn ấy, các anh phải đối mặt với vô vàn khó khăn: Băng rừng lội suối giữa đêm mưa rét buốt; là những ngày ăn tạm gói mì dưới gầm lán nương, uống nước khe cầm hơi trên đường tuần tra; là những tháng xa gia đình, vợ con, sống giữa núi rừng cách trở, thiếu thốn vật chất, luôn đối mặt với nguy cơ rình rập từ tội phạm ma túy, các loại tà đạo, buôn lậu, di cư trái phép... Dẫu vậy họ vẫn thầm lặng người chọn lối đi khó nhất để giữ lấy cuộc sống bình yên cho bản làng.
Thực hiện chủ trương “Tỉnh toàn diện, xã vững mạnh, bám cơ sở”, năm 2025, Công an tỉnh Sơn La đã ưu tiên bố trí, tăng cường cán bộ tại Công an cấp xã, nhất là ở những địa bàn có diện tích lớn, dân số đông, địa hình phức tạp, vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới. Với mục tiêu bố trí ít nhất 12 cán bộ, chiến sĩ chuyên trách tại mỗi Công an xã; đã có thêm nhiều cán bộ, chiến sĩ được phân công, tăng cường thêm lực lượng có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, góp phần đảm bảo tốt an ninh trật tự, giữ gìn cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân khu vực biên giới.

Thiếu tướng Đặng Trọng Cường, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh, chia sẻ: Trong những năm qua, cán bộ, chiến sĩ công an xã biên giới không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn mà còn “gần dân, hiểu dân”. Tăng cường công tác an sinh xã hội, từ thiện, xây dựng nông thôn mới, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh... Đặc biệt, quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ ổn định đời sống nhân dân, từng bước ổn định đời sống, xóa đói giảm nghèo, tạo thế trận lòng dân vững chắc tại địa bàn cơ sở. Có thể khẳng định, lực lượng công an xã biên giới đang là điểm tựa vững chắc, là “lá chắn thép” ở những nơi gian khó nhất của tỉnh.
Giữa gian khó của địa bàn vùng cao biên giới, cán bộ, chiến sĩ công an xã vẫn lặng lẽ bước tiếp, gắn bó máu thịt với bản làng, trở thành chỗ dựa tin cậy cho đồng bào. Thanh xuân của họ có thể gửi lại nơi biên cương, vì sự bình yên cho quê hương.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!