Thời gian qua, mặc dù các cấp, các ngành, địa phương và lực lượng Cảnh sát môi trường Công an Sơn La đã quyết liệt vào cuộc phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm nhưng, tuy nhiên, vấn đề này vẫn còn tiềm ẩn phức tạp, diễn ra ở nhiều địa bàn, lĩnh vực, từ khâu sơ chế, chế biến, kinh doanh đến tiêu thụ thực phẩm.
Trước đó, ngày 5/1/2023, tại khu vực xã Tông Lạnh, huyện Thuận Châu, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 5, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã phát hiện 1 trường hợp đang vận chuyển sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ, phát hiện 2 thùng xốp và 2 bao tải, bên trong có chứa 400kg nội tạng động vật đã bốc mùi hôi thối. Lái xe Lò Văn Trường, trú tại bản Công Mường, xã Tông Lạnh, huyện Thuận Châu, không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của lô hàng trên, lực lượng chức năng đã ra quyết định tịch thu, tiêu hủy toàn bộ số hàng trên và xử phạt vi phạm hành chính mức phạt 5,5 triệu đồng.
Sau đó, ngày 8/1/2023, Tổ tuần tra kiểm soát Công an huyện Mai Sơn phát hiện ông Phạm Lưu Huỳnh, trú tại Tổ 3, phường Chiềng Sinh, có hành vi “Vận chuyển, kinh doanh hàng hóa có dấu hiệu bị làm giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ ”, thu giữ 11 thùng caton bên trong chứa tổng số 940 hộp mứt tết ghi nhãn hiệu “Cơ sở mứt kẹo Ngọc Diệp; địa chỉ Hoàn Kiếm, Hà Nội ”.
Căn cứ khai nhận của ông Phạm Lưu Huỳnh, Công an huyện Mai Sơn chủ trì phối hợp cùng Công an huyện Sông Mã tiến hành kiểm tra, xác minh tại cửa hàng tạp hóa “Nam Ngát” do ông Luyện Văn Nam, trú tại bản Khương Tiên, xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã làm chủ có 4 nhân công đang thực hiện hành vi đóng gói các loại bánh, kẹo, mứt rời không rõ nguồn gốc xuất xứ vào các phôi, bìa vỏ hộp mứt tết và dán nhãn hiệu “Cơ sở mứt kẹo Ngọc Diệp; địa chỉ Hoàn Kiếm, Hà Nội” rồi đóng gói, dập ghim thành các hộp mứt tết để bán đổ cho các xe hàng đem đi tiêu thụ tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Tang vật thu giữ tại xưởng là 797 hộp bánh mứt kẹo đã được đóng hộp thành phẩm; 430 kg bánh, kẹo, mứt rời chưa kịp đóng hộp thành phẩm; gần 10.000 phôi vỏ, bìa hộp mứt tết chưa đóng hộp thành phẩm; 4 ghim kẹp và một số sổ sách liên quan. Công an huyện Mai Sơn đã xử lý theo quy định của pháp luật.
Đây chỉ là 2 trong số nhiều vụ việc bị lực lượng chức năng phát hiện, xử lý. Thượng tá Ngô Đăng Tùng, Phó Trưởng phòng Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh, cho biết: Do nhu cầu xã hội tăng cao và mục tiêu lợi nhuận, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra tình trạng sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật không theo khuyến cáo của nhà sản xuất; sử dụng hóa chất, phụ gia thực phẩm, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, quá hạn sử dụng trong chế biến, bảo quản thực phẩm; vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không qua kiểm dịch từ các địa phương khác và từ biên giới vào địa bàn tỉnh tiêu thụ; hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, không kiểm dịch thú y…
Các đối tượng hoạt động ngụy trang dưới nhiều hình thức để đối phó, sử dụng nhiều loại phương tiện vận chuyển ở các khung giờ khác nhau, gây ra nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh, phát hiện xử lý. Bên cạnh đó, các đối tượng lợi dụng lao động chưa có việc làm và thu nhập ổn định để chuyển nguồn thực phẩm không đảm bảo vào các vùng sâu, xa tiêu thụ.
Bên cạnh đó, đơn vị đẩy mạnh công tác phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm; mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm vào các dịp lễ, Tết Nguyên đán, Tết trung thu và các kế hoạch đấu tranh chuyên đề khác gắn với sự kiện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội quan trọng của đất nước, của tỉnh. Tăng cường công tác phối hợp với các ngành liên quan tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Từ năm 2020 đến nay, đơn vị đã tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn thực phẩm tại 16 trường học; tổ chức 15 cuộc tuyên truyền pháp luật an toàn thực phẩm tại 7 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Lực lượng Cảnh sát môi trường Công an Sơn La chủ trì và phối hợp phát hiện, xử lý 510 vụ việc, 510 đối tượng, tổng số tiền xử phạt hơn 1,4 tỷ đồng.
Tuy nhiên, các vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm đã phát hiện chỉ mới dừng ở mức độ xử phạt vi phạm hành chính, chưa có vụ việc bị khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự, chưa tạo được tính răn đe, phòng ngừa vi phạm.
Để bảo vệ sức khỏe người dân, kiềm chế mức độ gia tăng của tội phạm và vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, lực lượng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh tăng cường công tác phòng ngừa, kịp thời nắm bắt tình hình, phối hợp với các ngành liên quan đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm. Tập trung phát hiện, đấu tranh các vụ vi phạm nghiêm trọng, có dấu hiệu tội phạm chuyển cơ quan điều tra xem xét khởi tố theo quy định của pháp luật.
Đấu tranh phòng, chống vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm là trách nhiệm của mỗi cá nhân và cả cộng đồng. Mỗi người tiêu dùng cần thận trọng hơn trong việc lựa chọn thực phẩm an toàn, chủ động cung cấp thông tin, phát hiện, tố giác kịp thời những vi phạm về an toàn thực phẩm để bảo vệ quyền lợi và sự an toàn cho chính mình.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!