Trước tình hình tội phạm trên lĩnh vực tài chính, tiền tệ xảy ra phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản của Nhà nước, tổ chức và công dân, Phòng An ninh kinh tế, Công an tỉnh đã triển khai quyết liệt nhiều biện pháp đấu tranh, ngăn chặn các loại tội phạm trên lĩnh vực kinh tế, tài chính, tiền tệ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Toàn tỉnh hiện có 12 ngân hàng và 8 tổ chức tín dụng. Với vai trò là đơn vị chủ trì tham mưu cho Công an tỉnh trong đảm bảo an ninh kinh tế lĩnh vực tài chính, tiền tệ, đầu tư trên địa bàn tỉnh, Phòng An ninh kinh tế đã tham mưu Đảng ủy Công an tỉnh ban hành nhiều kế hoạch, công văn trong công tác bảo đảm an ninh lĩnh vực tài chính, tiền tệ, đầu tư; tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố chỉ đạo quản lý chặt chẽ lĩnh vực tài chính, tiền tệ và đầu tư, kịp thời phát hiện, kiến nghị xử lý các sai phạm. Hằng năm, Phòng ký quy chế phối hợp với các đơn vị có liên quan trong công tác đảm bảo an ninh kinh tế lĩnh vực tài chính, tiền tệ, đầu tư; tổ chức các cuộc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ, đầu tư; tổ chức các lớp tập huấn công tác nghiệp vụ bảo vệ cho lực lượng bảo vệ tại các đơn vị hoạt động trong lĩnh tài chính, tiền tệ, đầu tư.
Qua đánh giá, những năm gần đây, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc các quy định và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về lãi suất; áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay, chia sẻ khó khăn với khách hàng, đảm bảo an toàn tài chính, hoạt động của tổ chức tín dụng. Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn tình trạng cán bộ, nhân viên lợi dụng danh nghĩa cán bộ ngân hàng để chiếm đoạt tài sản, vay mượn tiền của nhiều người gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, hoạt động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn.
Nguyên nhân tình trạng trên chủ yếu là do cấp ủy, lãnh đạo một số cơ quan, tổ chức kinh tế, tài chính, tiền tệ chưa nhận thức đúng đắn, đầy đủ vị trí, tầm quan trọng của công tác đảm bảo an ninh kinh tế, tài chính, tiền tệ, còn chủ quan, sơ hở, mất cảnh giác; đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, nhân viên bị suy thoái, xuống cấp, móc nối thông đồng với đối tượng bên ngoài để thực hiện hành vi phạm tội.
Thượng tá Nguyễn Trung Kiên, Trưởng phòng An ninh kinh tế, Công an tỉnh, cho biết: Trước tình hình trên, đơn vị đã tăng cường nắm tình hình; tập trung phát hiện những cán bộ, đảng viên tại các tổ chức ngân hàng, tín dụng có lối sống thực dụng, biểu hiện quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực để đấu tranh, xử lý theo các quy định. Tăng cường bảo vệ bí mật Nhà nước, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức cũng như ý thức trách nhiệm của các ngành, các cấp và của cán bộ, công nhân viên tại các tổ chức ngân hàng, tín dụng.
Cùng với đó, Phòng An ninh kinh tế đã chủ động tham mưu lãnh đạo các cấp về các giải pháp khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong quản lý kinh tế, bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống tài chính, tiền tệ. Cụ thể, tại một số chương trình, dự án tài chính vi mô sử dụng nguồn vốn vay không hoàn lại của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài thực hiện trên địa bàn tỉnh từ những năm 2000, sau khi dự án kết thúc, các nguồn tiền này không được xử lý theo quy định. Đến nay, nguồn tiền của các chương trình, dự án được giao cho Hội LHPN tiếp quản và duy trì hoạt động cho vay, có lãi suất, thậm chí còn thực hiện huy động vốn, mở rộng phạm vi hoạt động. Tuy nhiên, việc huy động vốn và cho vay với số lượng lớn, trong khi mô hình quản lý của các tổ chức này không chặt chẽ, không có chuyên môn về tài chính, tiềm ẩn nguy cơ “vỡ nợ”, hoạt động “tín dụng đen”.
Trên thực tế đã xảy ra sai phạm tại chương trình tín dụng tiết kiệm Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Phù Yên. Qua công tác nghiệp vụ, Công an huyện Phù Yên phát hiện, xử lý trường hợp bà Đinh Thị Vịnh, hội viên chi hội phụ nữ bản Nà Khằm, xã Gia Phù, huyện Phù Yên về tội danh “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” do có hành vi lập khống hồ sơ vay vốn để tiếp tục cho các cá nhân khác vay lại nhưng không có khả năng trả nợ với số tiền trên 300 triệu đồng.
Hoặc qua công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động tín dụng nội bộ của các HTX trên địa bàn tỉnh, các văn bản quy phạm pháp luật quy định về hoạt động tín dụng nội bộ HTX còn nhiều sơ hở, gây khó khăn cho cơ quan quản lý Nhà nước, cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của cá nhân, tổ chức trên địa bàn, tiềm ẩn nguy cơ gây nợ xấu, mất an ninh tài chính, tiền tệ.
Trước những thực trạng trên, Phòng An ninh kinh tế đã tham mưu Công an tỉnh có văn bản đề xuất Cục An ninh kinh tế, Bộ Công an kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt nam và các ngành liên quan nghiên cứu, thống nhất ban hành các văn bản quy phạm pháp luật cụ thể để đưa hoạt động “tín dụng nội bộ hợp tác xã” thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và góp phần thực hiện đầy đủ các quyền của Hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã, đảm bảo tình hình an ninh tài chính tiền tệ, an ninh trật tự tại địa phương.
Dự báo trong thời gian tới, loại tội phạm trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, tiền tệ tiếp tục diễn biến phức tạp. Phòng An ninh kinh tế đang tập trung triển khai thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, nâng cao trình độ năng lực, bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành, phòng ngừa, phát hiện đấu tranh có hiệu quả đối với loại tội phạm này. Chủ động nắm tình hình việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách về kinh tế, tài chính, tiền tệ, kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót để tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở ngành có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!