Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 19 vụ án giết người, do 20 đối tượng gây ra, làm chết 14 người, bị thương 14 người. Tình hình tội phạm giết người trên địa bàn tỉnh tiềm ẩn nhiều yếu tố diễn biến phức tạp, tính chất, mức độ, gây hậu quả nghiêm trọng.
Cơ quan Công an lấy lời khai đối tượng giết người Lò Mạnh Cường (dấu X) trú tại bản Lù, xã Chiềng Lương, huyện Mai Sơn.
Thượng tá Nguyễn Trường Giang, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh, cho biết: Qua điều tra các vụ án giết người, nhận thấy các đối tượng phạm tội đều là nam giới, trình độ văn hóa và nhận thức pháp luật còn thấp, chủ yếu ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; đa dạng thành phần độ tuổi, phạm tội lần đầu hoặc chưa có tiền án, tiền sự. Các vụ giết người xảy ra chủ yếu xuất phát từ những mâu thuẫn trong sinh hoạt gia đình đối tượng giết người thân, mâu thuẫn bột phát, nhất thời nảy sinh sau khi sử dụng rượu bia, chất kích thích, từ những va chạm trong lời nói, cử chỉ giữa các nhóm thanh niên trong khi đi chơi dẫn đến kích động gây ra án mạng. Ngoài ra, nguyên nhân của một số vụ giết người cướp tài sản do đối tượng nghiện chất ma túy, nợ nần.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chỉ đạo tăng cường các biện pháp phòng ngừa tội phạm giết người, Phòng Cảnh sát hình sự đã tham mưu với Công an tỉnh trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch chỉ đạo các sở, ngành, đoàn thể triển khai các biện pháp phòng ngừa tội phạm giết người địa bàn tỉnh; tham mưu Ban Giám đốc Công an tỉnh ban hành kế hoạch, công văn, chỉ đạo các phòng nghiệp vụ và Công an các huyện, thành phố tăng cường thực hiện các biện pháp phòng ngừa tội phạm giết người.
Lực lượng Cảnh sát hình sự và các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh, Công an các huyện, thành phố làm tốt công tác nghiệp vụ cơ bản, nắm tình hình, quản lý đối tượng thuộc diện quản lý theo pháp luật, nghiệp vụ, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm giết người, cố ý gây thương tích, kịp thời phát hiện, tố giác tội phạm; nắm di biến động đối tượng hình sự, gọi hỏi, răn đe các đối tượng côn đồ, hung hãn, đối tượng có tiền án, tiền sự, các nhóm đối tượng thanh, thiếu niên hư... nhằm phòng ngừa, ngăn chặn các vụ án giết người xảy ra; tập trung đấu tranh, trấn áp các nhóm tội phạm, không để các băng nhóm hoạt động côn đồ, sử dụng bạo lực, vũ khí để gây án. Từ năm 2021 đến nay, lực lượng Công an đã điều tra, khám phá 19 vụ, 20 đối tượng giết người, đạt tỷ lệ 100%.
Tuy nhiên, còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, nhất là tình trạng giết người do các mâu thuẫn phát sinh kéo dài không được giải quyết kịp thời hay giết người do người bị tâm thần, giết người do mâu thuẫn bột phát... có tính chất ngày càng nghiêm trọng. Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh đã ban hành Công văn đề nghị các thành viên Ban chỉ đạo, các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố vào cuộc, nâng cao vai trò, trách nhiệm trong thực hiện các biện pháp phòng ngừa tội phạm giết người, nhằm giải quyết căn cơ nguyên nhân điều kiện của loại tội phạm này.
Các cấp, các ngành cần thực hiện tốt công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm giết người, với mục tiêu chủ động phòng ngừa là cơ bản, đi đôi với việc xử lý triệt để các vụ án giết người; đa dạng hóa các hình thức truyền thông, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân về phương thức thủ đoạn, hậu quả tác hại của loại tội phạm giết người. Gắn trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức xã hội nhất là các mô hình tự quản ở cơ sở với việc kịp thời phát hiện, giải quyết ngay những mâu thuẫn, vướng mắc trong nội bộ nhân dân, trong các hộ gia đình, khu dân cư. Đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm; nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện, giải quyết triệt để mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân không để mâu thuẫn kéo dài. Tăng cường xét xử lưu động, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc tuyên truyền, giáo dục, răn đe, phòng ngừa.
Trong cuộc sống và công việc, ứng xử, mỗi người dân cần kiềm chế nóng giận, kiểm soát cảm xúc khi gặp mâu thuẫn, xích mích và chấp hành nghiêm pháp luật, tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm; gia đình, nhà trường và xã hội tăng cường quản lý, giáo dục các thành viên có lối sống văn hóa, chấp hành pháp luật... góp phần đem lại cuộc sống bình an, hạnh phúc cho mỗi người, mỗi gia đình và toàn xã hội.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!