Trên địa bàn huyện Yên Châu hiện còn trên 41.000 ha rừng, trong đó có 1.896 ha rừng trồng còn lại là rừng tự nhiên. Để thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ, PCCCR, quản lý lâm sản, Hạt Kiểm lâm huyện Yên Châu đã tích cực tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tiến hành nhiều biện pháp nghiệp vụ; phối hợp với các xã cập nhật, theo dõi diễn biến tình trạng rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn.
Rừng tự nhiên ở bản Pá Khôm, xã Mường Lựm được bảo vệ, phát triển tốt.
Trao đổi với ông Dương Hồng Hải, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện, được biết, Hạt đã chỉ đạo lực lượng kiểm lâm phụ trách địa bàn phối hợp với chính quyền các xã, bản thường xuyên tuyên truyền, giáo dục trong đồng bào các dân tộc nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về quản lý, bảo vệ và PCCCR rừng; phổ biến những quy định mới theo Luật Lâm nghiệp 2017 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019); tuyên truyền chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, khai thác lâm sản và xử lý vi phạm pháp luật... Từ đầu năm đến nay, Hạt đã phối hợp tổ chức 15 hội nghị cấp xã, 159 hội nghị cấp bản, thu hút 12.850 lượt người tham gia; ký cam kết bảo vệ rừng giữa 172 trưởng bản với Chủ tịch UBND 15 xã và cam kết giữa 12.520 hộ với các trưởng bản. Bên cạnh đó, kết hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật với xây dựng lực lượng bảo vệ rừng trên địa bàn; Hạt Kiểm lâm tham mưu cho huyện kiện toàn 15 ban chỉ huy bảo vệ rừng, PCCCR cấp xã, với 423 thành viên; xây dựng kế hoạch kiểm tra, đôn đốc công tác quản lý bảo vệ rừng tại cơ sở; thành lập 11 tổ, đội bảo vệ rừng cấp xã, với 130 người và 163 tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng, PCCCR các bản với 2.173 người, lực lượng tham gia chủ yếu là thanh niên từ 18-35 tuổi. Đặc biệt, những tháng cao điểm của mùa khô hanh, đơn vị chủ động thực hiện các nhiệm vụ của cơ quan thường trực PCCCR, huy động lực lượng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các xã, các chủ rừng thực hiện quy định về PCCCR theo phương châm 4 tại chỗ. Công tác tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng được tăng cường, 9 tháng qua, các lực lượng chức năng của huyện đã phát hiện, xử lý 46 vụ vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng (1 vụ khai thác, 21 vụ mua bán, vận chuyển, 5 vụ cất trữ, 1 vụ vi phạm thủ tục trong khai thác, vận chuyển lâm sản và 18 vụ phá rừng trái pháp luật), thu giữ gần 1.200 kg gỗ bách xanh, 42 thớt gỗ, gần 5,4 m³ gỗ quý hiếm nhóm IIa và 5.4 m³ nhóm gỗ thường; xử phạt hành chính 39 vụ, thu nộp ngân sách gần 370 triệu đồng; chuyển hồ sơ 3 vụ sang cơ quan điều tra Công an huyện khởi tố hình sự. Ngoài ra, các xã cũng đã phát hiện 33 vụ phá rừng, gây cháy rừng, cất giữ, vận chuyển lâm sản trái pháp luật, xử phạt hành chính tổng số tiền gần 70 triệu đồng. Cùng với tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, công tác phát triển rừng cũng được huyện quan tâm chỉ đạo, Hạt Kiểm lâm còn phối hợp với các xã, bản, chủ rừng rà soát, xác định diện tích rừng trồng đang trong thời gian đầu tư xây dựng cơ bản, đủ điều kiện nghiệm thu để chăm sóc và lập phương án khắc phục đối với diện tích rừng trồng có tỷ lệ cây sống thấp để triển khai trồng dặm đạt tiêu chuẩn theo mật độ theo quy định.
Pá Khôm (xã Mường Lựm) là một trong những bản còn nhiều diện tích rừng tự nhiên; bản có 40 hộ, 100% là đồng bào dân tộc Mông. Theo Trưởng bản Thào A Giống thì bản hiện còn 153 ha rừng, trong đó có một số loại cây thuộc nhóm gỗ quý hiếm IIa; bản thường xuyên phối hợp với kiểm lâm phụ trách địa bàn tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức của nhân dân trong việc tham gia quản lý, bảo vệ rừng. Nhờ thực hiện tốt chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất làm giảm diện tích cây lương thực ngắn ngày trên đất dốc và triển khai thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, bản đã có thêm điều kiện hỗ trợ bà con sinh kế, từng bước có thu nhập ổn định từ nghề rừng, không còn tình trạng phá rừng làm nương, khai thác lâm sản trái phép, giảm hẳn nạn săn bắn thú rừng hoang dã...
Theo thông tin từ lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Yên Châu, đơn vị đang tiếp tục chỉ đạo kiểm lâm địa bàn thực hiện kiểm tra, khảo sát các điểm biến động; ghi chép, cập nhật tình hình diễn biến tài nguyên rừng kịp thời; triển khai áp dụng công nghệ nghiệp vụ theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp; hướng dẫn các chủ rừng là tổ chức, cộng đồng, hộ gia đình có nhu cầu khai thác lâm sản thực hiện đúng quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản; tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện bảo vệ rừng của các xã, bản và chủ rừng để phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!