Huyện Yên Châu hiện có 6.488 hộ chăn nuôi gia trại, 40 hộ chăn nuôi trang trại, với hơn 9.700 con gia súc và 415.000 con gia cầm. Thời gian qua, huyện chú trọng đẩy mạnh chăn nuôi gắn với triển khai nhiều giải pháp xử lý các chất thải chăn nuôi, góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường.
Khí gas từ công trình khí sinh học được người dân bản Chiềng Kim, xã Chiềng Sàng sử dụng thay thế gas công nghiệp.
Trước đây, người dân trên địa bàn thường thả rông hoặc bán chăn thả gia súc; chất thải chăn nuôi xả trực tiếp ra ao, sông, cống, rãnh... gây ô nhiễm môi trường; chưa tận dụng được chất thải chăn nuôi làm phân bón hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp. Trước thực tế trên, huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường trong chăn nuôi; hướng dẫn việc xây dựng chuồng trại chăn nuôi khoa học, cách xa khu dân cư, quy mô phù hợp với số lượng đàn vật nuôi. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn người dân xử lý chất thải chăn nuôi bằng men sinh học, đệm lót sinh học, xây hầm khí sinh học biogas. Hằng năm, các xã tổ chức ký cam kết với các hộ chăn nuôi không để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Huyện đã thành lập các đoàn công tác kiểm tra định kỳ, đột xuất, kịp thời nhắc nhở và xử lý vi phạm đối với các hộ xả trực tiếp chất thải chăn nuôi ra môi trường...
Điểm nổi bật trong thực hiện chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện, đó là nhiều hộ chăn nuôi quy mô lớn đã chủ động xây dựng hầm khí sinh học biogas xử lý chất thải. Đây là mô hình của Dự án hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp (LCASP) do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hỗ trợ triển khai từ năm 2013 đến tháng 6/2020. Các hộ tham gia Dự án được hỗ trợ từ 3 đến 5 triệu đồng/công trình. Hầm khí sinh học có nhiều ưu điểm vượt trội như: Tận dụng làm phân hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp; sử dụng làm nguyên liệu đốt và đặc biệt là giảm thiểu thấp nhất tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi. Từ năm 2013 đến nay, toàn huyện được hỗ trợ xây 587 hầm biogas cho các hộ chăn nuôi. Riêng 2 hộ chăn nuôi quy mô lớn ở xã Lóng Phiêng còn được đầu tư 2 máy tách phân, nhằm xử lý chất thải chăn nuôi hiệu quả.
Mỗi năm nuôi từ 20-30 con lợn thương phẩm, trước đây gia đình ông Nguyễn Văn Thìn, bản Chiềng Kim (Chiềng Sàng) đã xây dựng bể gạch chứa chất thải chăn nuôi. Tuy nhiên, lượng chất thải lớn, không được xử lý kịp thời, nên có mùi hôi thối, ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình và các hộ lân cận. Ông Thìn cho biết: Chi phí xây dựng hầm biogas hết hơn 13 triệu đồng, dự án hỗ trợ 5 triệu đồng. Công trình đưa vào sử dụng được 7 tháng, chất thải chăn nuôi đã được xử lý. Ngoài ra, tận dụng nguồn khí đốt dồi dào từ hầm khí sinh học, tôi đã thiết kế 2 bếp nấu phục vụ sinh hoạt gia đình và một bếp nấu cám cho đàn lợn; nguồn nước thải qua xử lý sử dụng tưới cho diện tích rau màu và cây ăn quả, nhờ vậy đã giảm được một khoản chi phí mua chất đốt và nước tưới tiêu.
Còn gia đình anh Đào Văn Hách, bản Chiềng Thi (Chiềng Pằn) chăn nuôi từ 70-80 con lợn/năm, vì vậy gia đình đã xây dựng chuồng chăn nuôi cách xa khu nhà ở, xây dựng hầm khí sinh học biogas để xử lý chất thải chăn nuôi. Anh Hách chia sẻ: Để đảm bảo đàn vật nuôi phát triển, tôi chú trọng việc xử lý chất thải chăn nuôi; thường xuyên vệ sinh chuồng sạch sẽ, phun khử trùng 1 tuần/lần... Trung bình một năm tôi xuất bán 8 tấn thịt lợn hơi, thu nhập khoảng 560 triệu đồng/năm. Ngoài ra, từ chất thải chăn nuôi đã qua xử lý, gia đình tôi sử dụng làm phân bón cho 1 ha cây ăn quả.
Thời gian tới, huyện Yên Châu tiếp tục vận động, khuyến khích các hộ dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, gắn với chú trọng xử lý chất thải chăn nuôi; tận dụng hiệu quả chất thải chăn nuôi đã qua xử lý để phục vụ sản xuất nông nghiệp... Hướng tới phát triển nền nông nghiệp sạch, an toàn.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!