Giảm 50% chi phí công lao động, giống, thuốc trừ sâu bệnh, phân bón, năng suất lúa lại tăng 10-12%... Đó là những kết quả đạt được trong mô hình thâm canh lúa theo hiệu ứng hàng biên được nông dân ở các xã trên địa bàn huyện Yên Châu nhân rộng trong sản xuất vụ xuân năm nay.
Hội viên phụ nữ xã Chiềng Khoi (Yên Châu) cấy lúa theo mô hình hiệu ứng hàng biên.
Cấy lúa hàng biên là mô hình cấy lúa theo phương pháp cấy thưa theo hàng sông rộng, hàng sông hẹp, từ đó phát huy tối đa hiệu ứng của hàng biên là tận dụng ánh sáng chiếu trực tiếp vào gốc, thân, lá của lúa. Kích thích lúa đẻ nhánh sớm, hạn chế sự phát sinh sâu hại. So với phương pháp cấy lúa truyền thống, cấy lúa hàng biên có các ưu điểm, như: Giảm lượng giống, công chăm sóc, thuốc bảo vệ thực vật; lúa sinh trưởng tốt; bông to, chắc khỏe và năng suất cao hơn... Với ưu điểm đó, sau khi học tập mô hình trồng lúa theo hiệu ứng hàng biên tại huyện Tân Sơn (Phú Thọ), năm 2018, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Yên Châu đã làm mô hình điểm để vận động hội viên phụ nữ trong huyện thực hiện mô thâm canh lúa tại 3 xã: Chiềng Khoi, Chiềng Pằn và Sặp Vạt, với quy mô gần 4.000 m2. Để triển khai thực hiện, Hội đã phối hợp với cán bộ khuyến nông viên cơ sở hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ tham gia mô hình. Đồng thời, tổ chức hội thảo và mời các đồng chí chủ tịch, phó chủ tịch, chi hội trưởng chi hội phụ nữ của các xã trong huyện tham quan đánh giá mô hình. Qua thực tế cho thấy, mô hình thâm canh lúa theo hiệu ứng hàng biên tại 3 xã giảm 30% lượng giống; giảm 20% công làm mạ và công cấy, công chăm sóc; giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật, tiết kiệm 40% phân bón; lúa sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu bệnh, đẻ nhánh nhanh; lúa trổ đều, bông to, chắc hạt... Năng suất lúa tăng từ 10 đến 20% so với cấy lúa truyền thống.
Từ hiệu quả ban đầu của mô hình thí điểm thâm canh lúa theo hiệu ứng hàng biên, vụ xuân năm 2019, Hội LHPN huyện tiếp tục phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức 15 lớp tập huấn kỹ thuật thâm canh lúa theo hiệu ứng hàng biên cho trên 2.000 lượt hộ nông dân các xã Sặp Vạt, Chiềng Khoi, Chiềng Hặc, Tú Nang, Chiềng Đông... Đẩy mạnh tuyên truyền người dân mở rộng diện tích thâm canh lúa theo hiệu ứng hàng biên; nhờ đó, diện tích gieo cấy lúa theo hiệu ứng hàng biên được nông dân trong toàn huyện nhiệt tình hưởng ứng và đã gieo cấy gần 10 ha.
Cùng chị Mè Thị Điện, Chủ tịch Hội LHPN xã Chiềng Khoi đến các hộ trong xã Chiềng Khoi tham gia mô hình thâm canh lúa theo hiệu ứng hàng biên, chúng tôi được biết, để nhân rộng mô hình cấy lúa theo phương pháp mới, ngay từ đầu vụ xuân năm nay, Hội LHPN xã đã phối hợp với cán bộ khuyến nông cơ sở đến các bản khảo sát nhu cầu cấy lúa theo mô hình hiệu ứng hàng biên; tuyên truyền cho các hội viên về những ưu điểm khi thực hiện mô hình thâm canh lúa theo phương pháp mới; đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn cho các hội về các kỹ thuật cơ bản để thực hiện cấy lúa theo hiệu ứng hàng biên. Đến nay, toàn xã đã có 4 hội viên phụ nữ ở bản Tủm đã triển khai cấy hơn 2.000 m2 lúa theo phương pháp này. Trong quá trình triển khai, Hội LHPN xã tổ chức cho chi hội trưởng các bản xuống ruộng trực tiếp cấy để về triển khai mô hình ngay tại cơ sở trong thời gian tới.
Gia đình chị Lò Thị Vanh, bản Khá (Sặp Vạt) là hộ đầu tiên trong xã tham gia mô hình cấy lúa theo hiệu ứng hàng biên cho biết: Khi được hướng dẫn cấy thưa, tôi tiếc đất không muốn làm theo. Sau đó, được cán bộ phụ nữ và cán bộ khuyến nông giải thích rõ lợi ích của việc cấy thưa là để cây lúa đẻ nhánh nhiều hơn, bông lúa nhiều và to hơn, ít sâu bệnh, chi phí giảm và hiệu quả kinh tế cao hơn. Gia đình tôi đã tiên phong trồng 1.000 m2 lúa theo phương pháp này, thu được hơn 120 kg thóc, tăng 20 kg thóc so với cấy truyền thống. Năm nay, gia đình tôi đăng ký trồng 2.000 m2 lúa theo mô hình này. Đến nay, đã hoàn tất công việc gieo mạ, làm đất và huy động nhân lực của gia đình ra đồng cấy lúa bảo đảm tiến độ thời vụ.
Ông Vũ Hải Yến, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Châu cho biết: Mô hình thâm canh lúa theo hiệu ứng hàng biên giúp lúa sinh trưởng, phát triển tốt, giảm chi phí đầu vào, tăng hiệu quả sản xuất, áp dụng gieo cấy theo phương pháp hàng rộng - hàng hẹp. Các khóm lúa được gieo cấy thưa để tận dụng nhiều ánh sáng hơn. Bởi khi chiếu thẳng, ánh sáng vẫn lọt xuống thân lá tầng dưới; còn khi chiếu xiên, ánh sáng vẫn chiếu vào thân lá dưới gốc. Nhờ vậy, lúa quang hợp tốt, vận chuyển và tích lũy các chất hữu cơ hiệu quả hơn hẳn so với với lúa cấy theo các phương pháp khác. Nhìn chung, khi cấy hiệu ứng hàng biên, mỗi mét vuông chỉ cần từ 8-16 khóm. Phương pháp cấy lúa theo hiệu ứng đường biên tiết kiệm giống, tiết kiệm công lao động khi cấy, giảm phân bón, giúp cây phát triển khỏe, tăng năng suất trong mùa vụ. Đây là mô hình mới được Hội LHPN huyện phối hợp với đơn vị triển khai nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và bảo vệ môi trường, bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực; góp phần thay đổi nếp nghĩ của người dân trong sản xuất nông nghiệp. Thời gian tới, huyện tiếp tục nhân rộng phương pháp này trên toàn bộ diện tích lúa để nâng cao năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế trên một đơn vị canh tác.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!