Yên Châu chăm sóc diện tích nhãn sau thu hoạch

Ở Yên Châu, ngoài đặc sản xoài tròn, thì nhãn đang là một trong những cây ăn quả chủ lực của huyện. Ngay sau vụ thu hoạch quả năm 2019, huyện đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với các địa phương tập trung hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm bón để cây nhãn bảo đảm xanh tốt, ổn định sản lượng cho vụ quả năm sau.

Thành viên HTX Phương Nam, bản Pha Cúng, xã Lóng Phiêng cắt tỉa cành nhãn sau thu hoạch.

Yên Châu hiện có 2.200 ha nhãn, trong đó, diện tích đang cho thu hoạch trên 906 ha, sản lượng gần 7.025 tấn quả. Vài năm trở lại đây, huyện tổ chức quy hoạch, phát triển vùng nhãn theo hướng sản xuất hàng hóa; khuyến khích người dân áp dụng các biện pháp thâm canh, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, trồng các loại giống mới có chất lượng cao, thời gian thu hoạch khác nhau, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng cao của người tiêu dùng. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nhãn cũng như các loại quả khác...

Việc chăm sóc cây nhãn sau thu hoạch là khâu quan trọng, quyết định đến năng suất, chất lượng quả trong niên vụ tiếp theo, nên từ cuối tháng 9 sau thu quả, Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn hướng dẫn người dân cách chăm sóc, cắt tỉa, bón phân hợp lý và các biện pháp phòng trừ khi xuất hiện sâu, bệnh hại trên cây. Ông Phạm Văn Thảnh, Phó Trưởng phòng cho biết: Chăm sóc nhãn cần thực hiện quanh năm, nhưng thời điểm nhãn sau thu hoạch phải được chú trọng hơn, bởi cây bị tổn thương rất lớn, nếu không được chăm bón kịp thời, dễ bị kiệt sức, hấp thu dinh dưỡng kém, vụ sau sẽ cho chất lượng quả kém hoặc không ra quả. Chúng tôi trực tiếp hướng dẫn bà con cắt tỉa cành thông thoáng, kết hợp làm cỏ và sử dụng các loại phân bón hữu cơ để hạn chế khả năng cây bị sâu bệnh gây hại; thường xuyên thăm vườn, theo dõi tình hình sinh trưởng của cây và tiến hành phun các loại thuốc chuyên dùng theo đúng hướng dẫn kỹ thuật khi cây xuất hiện sâu bệnh hại. Đây là công việc hết sức quan trọng, bảo đảm sự phục hồi, sinh trưởng và phát triển cho cây sau 5-6 tháng nuôi quả và tiếp sức cho cây ra vụ quả sau.

Những ngày này, gia đình anh Nguyễn Văn Hừa, bản Pha Cúng (xã Lóng Phiêng) dành phần lớn thời gian ở ngoài vườn để chăm sóc diện tích nhãn sau thu hoạch. Anh Hừa cho hay, nhà anh có 13 ha nhãn chín muộn. Năm nay, thời tiết thuận lợi nên vườn nhãn của gia đình cho sản lượng cao, tăng 15-20% so với năm trước (115 tấn quả), trừ hết mọi chi phí vẫn thu về trên 2 tỷ đồng. Sau khi thu hoạch quả nhãn, được Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện hướng dẫn, anh đã tập trung tạo tán cho diện tích nhãn, cắt tỉa những cành yếu, cành bị sâu bệnh để tăng khả năng quang hợp giúp cây nhanh chóng phục hồi sau thời gian dài nuôi quả. Đây cũng là biện pháp tăng khả năng chống chịu sâu bệnh cho cây. Bên cạnh đó, bố trí xới gốc, vệ sinh vườn và bón phân cho cây,  kích thích cây phát triển mầm sớm. Hiện tại, toàn bộ diện tích nhãn của gia đình anh đang dần hồi phục, dự kiến sẽ nẩy mầm, tán lộc đúng kế hoạch.

Cũng như gia đình anh Hừa, vợ chồng anh Nguyễn Đức Xuân, cùng bản, thường xuyên có mặt tại vườn nhãn để chăm sóc cây. Anh Xuân bảo: Với 10 ha nhãn, gia đình tôi tiến hành biện pháp cắt, tỉa bớt cành tạo độ thông thoáng, mục đích là để nảy mầm nhanh. Được Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện hướng dẫn, tôi đã kết hợp cả bón phân hữu cơ (sử dụng ngô, đỗ tương ngâm ủ) và phân vô cơ (loại phân NPK chuyên sử dụng cho cây ăn quả) bón cho cây. Nhiều năm nay làm theo phương pháp này, năm nào vườn nhãn của gia đình tôi cũng sai quả, cho sản lượng cao. Vụ nhãn vừa rồi, nhà tôi thu gần 100 tấn quả, trị giá 1,8 tỷ đồng.

Từ sự chỉ đạo của huyện, tích cực vào cuộc của các ngành chức năng và ý thức của người dân trong việc chăm sóc diện tích nhãn sau thu hoạch, hầu hết diện tích nhãn của huyện Yên Châu hiện đang sinh trưởng và phát triển tốt, hứa hẹn đem lại những mùa nhãn hiệu quả kinh tế cao.

Thanh Huyền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới