Vụ đông năm nay, nông dân huyện Yên Châu đã hoàn thành gieo trồng 1.350 ha rau màu các loại đúng kế hoạch; trong đó, có 600 ha đậu, 300 ha cải dầu, 300 ha ngô, 150 ha tỏi.
Nông dân xã Chiềng Pằn (Yên Châu) thu hoạch đỗ.
Trên các cánh đồng có điều kiện về nước tưới đều được nông dân huyện Yên Châu tận dụng để tăng vụ, trồng các loại rau màu. Tại cánh đồng xã Chiềng Đông, ngoài những ruộng rau cải, ngô, thì cây tỏi được trồng với diện tích lớn vì cho thu nhập kinh tế cao. Chị Hoàng Thị Xùm, bản Đông Tấu cho hay: Gia đình tôi có khoảng 2.000 m² đất. Sau khi thu hoạch lúa xong, gia đình bắt tay ngay vào trồng ngô và trồng rau xen tỏi. Gia đình thường xuyên thăm đồng, kiểm tra sâu bệnh hại, kịp thời phun thuốc phòng trừ và đảm bảo nguồn nước tưới cho cây. Nếu thời tiết thuận lợi, cây rau màu phát triển tốt như hiện nay. Vụ đông này, gia đình tôi ước thu khoảng 40 triệu đồng.
Ông Hoàng Văn Xuân, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Đông thông tin: Năm nay do kết thúc vụ mùa sớm nên người dân gieo trồng cây màu vụ Đông từ đầu tháng 10. Đến nay, toàn xã Chiềng Đông đã gieo trồng được 168 ha, vượt 28 ha so với năm ngoái. Trong đó, có 70 ha tỏi, 43 ha ngô và 55 ha rau đậu các loại. Để phòng, chống sâu bệnh cho rau màu, xã chỉ đạo cán bộ khuyến nông thường xuyên xuống đồng hướng dẫn cho bà con các biện pháp phòng trừ sâu bệnh đúng kỹ thuật. Thời điểm này đang xảy ra rét đậm, xã đang tuyên truyền cho nhân dân tưới nước trên mặt lá làm tan sương để tránh hiện tượng cháy lá khi có ánh nắng; thu hoạch một số loại rau màu đến tuổi khai thác để giảm tổn thất. Ðối với các loại rau màu chưa được khai thác cần tăng cường chăm sóc, bón phân đầy đủ để cây phát triển khỏe mạnh.
Ở xã Chiềng Pằn, nông dân cũng đã gieo trồng được gần 200 ha cây vụ Đông, đạt trên 100% kế hoạch; vụ Đông đã trở thành vụ sản xuất chính, nên người dân đã chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đến bản Chiềng Phú có diện tích rau màu lớn của xã, trên cánh đồng rộng lớn, những ruộng rau cải, cải bắp, đậu cô ve xanh mướt. Là một trong những hộ trồng rau lâu năm, chị Đào Thị Thiếp, bản Chiềng Phú, chia sẻ: Vụ đông hằng năm, gia đình trồng hơn 5.000m² su hào, rau cải, bắp cải, cải mèo... Từ đầu vụ, gia đình tôi đào mương dẫn nước vào ruộng để chủ động sản xuất; thực hiện nguyên tắc 4 đúng trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bảo vệ cây trồng, môi trường và sức khỏe cho người tiêu dùng. Các loại cây rau màu của gia đình đến nay đều phát triển tốt, đảm bảo cung ứng cho thị trường đúng dịp Tết Nguyên đán. Ước cả vụ sẽ thu hoạch khoảng 13 tấn rau, củ các loại, trừ hết mọi chi phí, lãi gần 60 triệu đồng.
Ông Lại Hữu Hưng, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Ngay từ tháng 8, Phòng Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu UBND huyện ban hành kế hoạch, chỉ đạo các xã tuyên truyền, hướng dẫn người dân tận dụng những chân ruộng có điều kiện thuận lợi để sản xuất cây vụ đông đúng khung thời vụ. Cụ thể, diện tích rau đậu các loại tập trung hầu hết các xã với diện tích từ 40-60 ha/xã; ngô, tỏi tập trung chủ yếu tại các xã: Chiềng Đông, Chiềng Sàng, Chiềng Pằn. Cải dầu tập trung chủ yếu ở các xã: Chiềng Tương, Phiêng Khoài, Chiềng On.
Để cây vụ đông sinh trưởng, phát triển tốt, bảo đảm năng suất, chất lượng, UBND huyện đã chỉ các xã tổ chức huy động người dân tham gia nạo vét kênh mương nội đồng đảm bảo nước tưới. Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, các xã, thị trấn tổ chức tập huấn, hướng dẫn nhân dân sản xuất cây tăng vụ và thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, khung thời vụ. Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng nhằm sớm phát hiện và phòng trừ có hiệu quả các loại sâu bệnh hại cây trồng; khuyến cáo nhân dân áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM trong sản xuất; đặc biệt, khuyến khích các hợp tác xã liên kết với nông dân tạo thành chuỗi liên kết sản xuất rau sạch, bảo đảm đầu ra cho nông dân... Để chủ động ứng phó với đợt không khí lạnh, UBND huyện đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cử cán bộ phối hợp với các xã kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp che, phủ, ủ ấm đối với cây rau màu; tuyên truyền đến nông dân khi có sương muối cần che bằng nilong với rau ăn lá và phun nước lên mặt lá với rau ăn củ; chủ động thiết bị, vật tư giống cây trồng, thuốc phòng, chống dịch bệnh...
Với những biện pháp cụ thể của huyện Yên Châu, sự nỗ lực chủ động của bà con nông dân, tin tưởng vụ đông năm nay sẽ đạt năng suất, sản lượng và giá trị kinh tế cao, góp phần tăng thêm nguồn thu nhập ổn định cho người dân trên địa bàn.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!