Những năm qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Yên Châu luôn là “cầu nối” giúp người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn được tiếp cận nguồn vay ưu đãi của Chính phủ để đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo, tạo việc làm ổn định, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.
Ông Hà Văn Thuận, bản Thông Phiêng, xã Chiềng Pằn phát triển sản xuất từ nguồn vốn vay của Ngân hàng chính sách xã hội huyện Yên Châu.
Cùng cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Yên Châu đến điểm giao dịch xã Chiềng Pằn. Tại buổi giao dịch, cán bộ ngân hàng đã nhận hồ sơ, hướng dẫn thủ tục vay vốn; tư vấn sử dụng vốn vay hiệu quả; thực hiện thu nợ, thu lãi, gửi tiết kiệm của các hộ vay vốn. Ông Hà Văn Thuận, bản Thông Phiêng, cho biết: Năm 2016, gia đình tôi được vay 50 triệu đồng của Ngân hàng CSXH huyện thông qua chương trình giải quyết việc làm; cùng với số tiền tiết kiệm được, tôi đầu tư nuôi 3 con lợn giống và 20 con lợn thịt. Từ đó, gia đình tôi mở rộng quy mô và áp dụng kỹ thuật để nhân rộng đàn lợn. Đến nay, mỗi năm gia đình tôi nuôi 100 con lợn thịt, trừ chi phí thu lãi hơn 120 triệu đồng.
Còn tại xã Chiềng On (Yên Châu), được sự hướng dẫn của cán bộ ngân hàng cùng các ban, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương, nhiều hộ nghèo trong xã được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi và sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả. Đồng chí Sồng Lao Dia, Chủ tịch xã, thông tin: Đến nay, xã nhận ủy thác cho 802 hộ vay hơn 22 tỷ đồng. Phần lớn các hộ sử dụng nguồn vốn vay để đầu tư cải tạo vườn tạp; mở rộng các mô hình chăn nuôi, trồng rừng, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trung bình 2%/năm.
Tìm hiểu được biết, Phòng Giao dịch huyện Yên Châu đang triển khai 12 chương trình tín dụng chính sách, để tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng, những năm qua, Phòng giao dịch đã mở 15 điểm giao dịch tại 15 xã, thị trấn. Điểm giao dịch được bố trí tại UBND các xã, có biển hiệu, hòm thư góp ý, công khai các thông tin về chính sách cho vay, đối tượng được vay, lãi suất, mức cho vay, có camera giám sát buổi giao dịch, quy định ngày giao dịch cố định hằng tháng.
Với phương châm công khai, dân chủ công tác tín dụng, các điểm giao dịch xã đã tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tín dụng chính sách của Chính phủ đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách, giảm thời gian công sức, chi phí đi lại cho nhân dân, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới. Hoạt động của điểm giao dịch xã không ngừng được nâng cao, tỷ lệ giao dịch tại xã đạt 99,7%; trong đó, thu lãi đạt 99,9%, thu nợ đạt 98%, giải ngân đạt 100%.
Ông Đàm Văn Thịnh, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Yên Châu, cho biết: Trong năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đã tác động không nhỏ đến lao động việc làm, đời sống của nhân dân, Phòng Giao dịch đã tập trung nguồn vốn giải quyết cho các đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo giải quyết việc làm. Đến nay, tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn huyện đạt trên 363 tỷ đồng, trên 12.100 khách hàng còn dư nợ. Năm 2020, thông qua nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã giải quyết việc làm cho hơn 190 lao động địa phương, xây dựng được trên 590 công trình nước sạch và vệ sinh ở nông thôn; giúp hộ nghèo xây dựng 85 căn nhà; gần 340 hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn được vay vốn lãi suất thấp để phát triển sản xuất, kinh doanh.
Có thể khẳng định, các chương trình tín dụng ưu đãi do Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Yên Châu triển khai đã và đang phát huy hiệu quả tích cực, có tác động mạnh mẽ đến đời sống người nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn, tạo điều kiện để họ từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần cùng với huyện thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!