Những năm gần đây, nông dân xã Tú Nang (Yên Châu) lựa chọn các loại dưa lê, dưa bở, dưa hấu vào trồng trên diện tích đất ruộng 1 vụ. Cây trồng này đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, giúp nhiều hộ thoát nghèo và góp phần tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương.
Các loại dưa của nông dân xã Tú Nang (Yên Châu) được người tiêu dùng ưa chuộng.
Năm 2016, diện tích trồng dưa của xã Tú Nang là 8 ha, năm nay toàn xã có hơn 100 hộ trồng, với 18 ha dưa các loại, tập trung ở 4 bản: Chiềng Ban 1, Chiềng Ban 2, Nà Khoang và Đông Khùa. Trung bình 1 ha dưa cho thu hoạch từ 20-25 tấn quả, thu nhập trung bình 400-450 triệu đồng/ha. Dưa ở Tú Nang được đánh giá có mùi thơm mát, vị ngọt đậm, ít hạt, kích cỡ quả vừa phải nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Sản phẩm không phải lo đầu ra, thu hoạch đến đâu được thương lái đến tận vườn thu mua hết đến đấy. Ông Sa Văn Thuận, Phó Chủ tịch UBND xã Tú Nang, cho biết: Để giúp bà con trồng dưa an toàn, hằng năm xã đã mời cán bộ Trạm Khuyến nông huyện, Trạm Bảo vệ thực vật, Trạm Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc dưa theo quy trình VietGAP. Theo đó, người trồng dưa thực hiện tốt quy trình kỹ thuật từ cách sử dụng phân bón; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”, lấy mẫu kiểm tra ngẫu nhiên dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm khi dưa đến kỳ thu hoạch.
Có mặt tại bản Chiềng Ban 1 - một trong những bản có diện tích và số hộ trồng dưa lớn nhất trong xã, chúng tôi được chứng kiến không khí nhộn nhịp của bà con đang chăm sóc và thu hoạch những quả dưa chín sớm. Tính trung bình, mỗi hộ trong bản trồng từ 3.000 - 5.000 m2 dưa, gồm các giống: Dưa hấu Hắc Mỹ Nhân F1, dưa lê Phú Điền, Ngân Huy, Cony F1 siêu ngọt và dưa bở Hưng Nông. Chị Lường Thị Thay, bản Chiềng Ban 1 chia sẻ: Đây là cây trồng ngắn ngày, đặc tính sinh trưởng, phát triển của các loại dưa lê, dưa bở, dưa hấu gần giống nhau, nên việc chăm sóc, phòng bệnh cũng dễ dàng hơn. Theo quy trình được tập huấn, cuối tháng 1 bắt đầu làm đất, lên luống, phủ ni lông mặt luống và tiến hành xuống giống dưa. Do thời gian sinh trưởng ngắn nên đến cuối tháng 4 dưa bắt đầu cho thu hoạch. Từ vụ dưa năm 2017, gia đình tôi đã áp dụng kỹ thuật trồng theo hướng VietGAP, không sử dụng các loại phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, mà dùng phân bón hữu cơ, phân chuồng ủ hoai mục và thuốc sinh học, kết hợp tưới nước 2 lần/ngày, nên chất lượng dưa đảm bảo an toàn. Vụ dưa năm nay, gia đình đã đầu tư lắp đặt hệ thống tưới ẩm nhỏ giọt để giảm nhân công lao động. Với hơn 3.000 m2 trồng dưa, trừ chi phí, gia đình tôi thu lãi hơn 80 triệu đồng/vụ.
Còn chị Hoàng Thị Thuận, bản Chiềng Ban 2, phấn khởi: Khi gieo giống vụ dưa năm nay không xảy ra rét đậm, rét hại nên cây dưa sinh trưởng và phát triển tốt, hiện bắt đầu cho thu hoạch. Với giá bán từ 10-12 nghìn đồng/kg dưa hấu, dưa bở; 27-30 nghìn đồng/kg dưa lê. Hơn 3.000 m2 đất trồng dưa, vụ này gia đình tôi ước thu khoảng 6 tấn quả, thu hơn 120 triệu đồng. So với một số cây màu khác, trồng dưa đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Việc thu hoạch được thực hiện thành nhiều đợt tùy theo diện tích trồng và từng lứa quả nên không bị ép giá, thương lái đến tận vườn thu mua hết sản phẩm. Sau 3 vụ trồng dưa liên tiếp đã giúp gia đình tôi có kinh tế ổn định.
Tuy nhiên, sản phẩm dưa Tú Nang chưa có thương hiệu; công tác quy hoạch vùng trồng dưa an toàn cũng như việc quản lý giám sát chất lượng còn nhiều khó khăn. Để tránh tình trạng trồng dưa tự phát, ồ ạt mở rộng diện tích, rơi vào cảnh “được mùa mất giá”, các hộ trồng dưa trong xã mong muốn sớm thành lập hợp tác xã sản xuất dưa an toàn; được các cấp, các ngành kiểm nghiệm, công nhận thương hiệu dưa an toàn theo chuẩn VietGAP để bà con yên tâm mở rộng diện tích sản xuất, góp phần nâng cao mức sống.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!