5 năm qua, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã được các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể trên địa bàn huyện Yên Châu triển khai rộng khắp với nhiều hình thức đa dạng, thiết thực. Từ phong trào đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của huyện, tăng cường khối đoàn kết toàn dân và củng cố niềm tin của nhân dân với Ðảng, chính quyền.
Người dân bản Huổi Hẹ, xã Viêng Lán (Yên Châu) tham gia làm đường giao thông nông thôn.
Thực hiện chỉ đạo của Ban Dân vận Trung ương, của tỉnh về tổ chức phong trào thi đua “Dân vận khéo”, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể của huyện Yên Châu đã quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dân vận để chỉ đạo triển khai thực hiện tốt phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Sau 5 năm thực hiện phong trào, toàn huyện có 105 mô hình “Dân vận khéo”; trong đó, lĩnh vực kinh tế có 36 mô hình, văn hóa - xã hội 37 mô hình, quốc phòng - an ninh 17 mô hình và 15 mô hình thuộc lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị. Nhiều mô hình “Dân vận khéo” được chỉ đạo, tổ chức thực hiện sáng tạo từ thực tiễn cơ sở, đã động viên, phát huy vai trò chủ thể các tầng lớp nhân dân trong thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng; vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thay đổi phương thức canh tác nhỏ lẻ, lạc hậu; xây dựng vùng sản xuất tập trung có năng suất, chất lượng cao. Nhiều mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao, giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương được duy trì, phát triển và nhân rộng, như: mô hình chăn nuôi kết hợp trồng cây ăn quả ở bản Pha Cúng, xã Lóng Phiêng, trung bình mỗi hộ có thu nhập hằng năm từ 200-300 triệu đồng; mô hình trồng nhãn và xoài ở bản Cốc Lắc, xã Tú Nang thu nhập từ 300 triệu đồng/năm; mô hình trồng, thâm canh tăng vụ ở bản Đông Tấu, xã Chiềng Đông với thu nhập bình quân trên 90 triệu đồng/năm… Đặc biệt, trong xây dựng nông thôn mới, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã góp phần tích cực vận động, khuyến khích nhân dân đóng góp vật chất, kinh phí, ngày công lao động thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn huyện có 3/14 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Điển hình trong phong trào hiến đất làm đường giao thông của huyện là bản Thàn, xã Chiềng Pằn, bản có 52 hộ đồng bào dân tộc Khơ Mú, thì 32 hộ đã hiến 3.880 m² đất, chặt hàng chục cây ăn quả lâu năm để mở rộng, bê tông hóa đường vào bản.
Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, các mô hình “Dân vận khéo” tập trung vào vận động nhân dân xây dựng các thiết chế văn hóa, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, thực hiện hương ước, quy ước về xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và nếp sống văn minh; xây dựng mô hình xã, bản, dòng họ, gia đình văn hóa; việc cưới, việc tang, lễ hội được tổ chức theo đúng quy định.
Phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh trên địa bàn được thể hiện rõ nét nhất là phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” gắn với các mô hình phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội. Điển hình như mô hình “Bảo vệ đường biên, mốc giới” của nhân dân bản Nà Cài (xã Chiềng On); “Phòng chống ma tuý” của nhân dân bản Pa Kha III (xã Chiềng Tương); “Nhóm liên gia tự quản về ANTT” của bản Kim Chung II (xã Phiêng Khoài)..., góp phần giải quyết kịp thời các mâu thuẫn phát sinh ngay tại cơ sở
Trong lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị, phong trào “Dân vận khéo” được huyện tập trung chỉ đạo gắn với thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, cải cách thủ tục hành chính, đổi mới lề lối, tác phong làm việc, nâng cao trách nhiệm đạo đức công vụ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; giải quyết các vấn đề tồn đọng bức xúc, những khó khăn, vướng mắc của nhân dân ngay từ cơ sở. Việc tổ chức, tiếp xúc đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân được tăng cường, phát huy vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc giải quyết đơn thư khiếu nại, những nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
Có thể nói, phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với các phong trào thi đua yêu nước đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế -xã hội, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Để phong trào tiếp tục đạt hiệu quả, thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể huyện Yên Châu tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện, nâng cao trách nhiệm, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Việc xây dựng, thực hiện mô hình “Dân vận khéo” bảo đảm có trọng tâm, thực chất, sát thực tiễn. Tiếp tục củng cố hệ thống dân vận; xây dựng đội ngũ cán bộ vững về chuyên môn nghiệp vụ, tận tụy với công việc, có tinh thần trách nhiệm, tác phong làm việc gắn bó với nhân dân, sâu sát cơ sở. Đồng thời, chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời biểu dương, nhân rộng những điển hình trong thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!