Trước đây, trên địa bàn tỉnh, rau trái vụ chỉ có ở những địa bàn khí hậu mát như: Mộc Châu, Vân Hồ, nhưng nay với sự hỗ trợ của Hội Nông dân tỉnh, mô hình trồng rau trái vụ đã thực hiện thành công trên vùng đất các xã Yên Sơn, Tú Nang và Chiềng Đông, huyện Yên Châu, mở ra hướng sản xuất hiệu quả hơn, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nông dân.
Mô hình trồng bí xanh trái vụ của thành viên HTX Thanh Sơn, xã Yên Sơn (Yên Châu).
Chúng tôi đến thăm mô hình tại HTX Thanh Sơn, xã Yên Sơn. Ấn tượng là những giàn bí xanh lúc lỉu quả, những vườn bắp cải đang vào vụ thu hoạch, đây là 2 loại cây ưa thời tiết mát, nhất là bắp cải thường chỉ trồng vụ thu đông. Đi dưới giàn bí xanh mướt của gia đình anh Nguyễn Văn Sơn mà cảm thấy nắng gắt giữa chiều như dịu hẳn, ai nấy phải chú ý quan sát, chỉ lơi mắt là va vào quả bí.
Giàn bí được gia đình anh Sơn đầu tư toàn bộ khung sắt, mỗi luống đều được lắp đặt hệ thống tưới ẩm phun sương, đảm bảo cung cấp nước và hạ nhiệt cho cây trong những ngày nắng nóng kéo dài. Chỉ tay vào quả bí đến độ thu hoạch, anh Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc HTX Thanh Sơn, nói: Giá bí hiện giờ 13 nghìn đồng/kg, mỗi quả bí trị giá từ 30 đến 40 nghìn đồng. Gia đình tôi trồng 3.000 m² bí xanh cắt lứa đầu được 6 tạ, thu về gần 8 triệu đồng. Nếu giá ổn định, vụ bí này sẽ thu khoảng 40 triệu đồng. Bắt đầu xuống giống bí, gia đình tôi còn trồng xen cải mèo, đến khi bí chuẩn bị khép tán cũng là lúc thu xong cải mèo, được thêm khoảng gần 10 triệu đồng.
HTX Thanh Sơn thành lập năm 2018, gồm 7 thành viên có tổng diện tích 10 ha trồng các loại cây rau màu. Các thành viên HTX đã đầu tư lắp đặt hệ thống tưới phun sương trên 5 ha đất sản xuất (chi phí mỗi ha 30 triệu đồng). Nguồn nước tưới lấy từ giếng khoan, mỗi giếng khoan đầu tư khoảng 45 triệu đồng chưa kể đường ống, máy bơm. Gần 10 năm chuyên canh cây rau màu, nhưng lần đầu tiên các thành viên HTX mới sản xuất rau trái vụ. Các hộ thành viên HTX tham gia mô hình trồng 5,5 ha bí xanh và bắp cải, được Hội Nông dân tỉnh chuyển giao kỹ thuật sản xuất, được hỗ trợ 70% về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, còn các hộ đối ứng 30%.
Theo các hộ thành viên HTX Thanh Sơn, với cây bí xanh thường xuống giống tháng 2 âm lịch, thu hoạch rộ tháng 4; còn cây rau bắp cải đến vụ thu đông mới trồng. Hai loại cây này trồng trái vụ thời điểm thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều nên bị sâu bệnh hại nhiều và mạnh hơn. Do vậy, khâu chăm sóc “kỳ công” hơn, chú ý thường xuyên theo dõi cây sinh trưởng và kịp thời phát hiện sâu bệnh để phòng trừ, chú ý nhất là khi bí chùn ngọn, bệnh rải sương mai. Ngoài sâu bệnh gây hại nhiều hơn chính vụ, bắp cải mùa này thường hay bị úng thối từ bên trong do mưa nhiều, độ ẩm cao, nên khi làm đất phải đánh luống cho dễ thoát nước, tưới nước phù hợp với độ ẩm đất.
Trồng trái vụ, cả bí xanh và bắp cải cho sản lượng giảm một nửa so với chính vụ, nhưng giá cao và dễ bán hơn, hiện giá bí 13 nghìn đồng/kg, bí mùa rộ có thời điểm 1,5 nghìn đồng/kg, cao nhất chỉ 7 nghìn đồng/kg; bắp cải hiện 4 nghìn đồng/kg song cũng hơn lúc chính vụ chỉ bán được 2 nghìn đồng/kg mà còn khó bán. Dự kiến mỗi ha bí được khoảng 130 triệu đồng, bắp cải được khoảng 40 triệu đồng/ha, chỉ trong vòng 3 tháng từ khi xuống giống tới lúc kết thúc thu hoạch.
Gia đình ông Đậu Đức Đạt, thành viên HTX Thanh Sơn tham gia mô hình với cả hai loại cây, được thu sớm hơn các thành viên khác. Ông chia sẻ: Gia đình tôi sử dụng chủ yếu là phân hữu cơ hoai mục nên cây khỏe, phát triển nhanh hơn. Với 5.000 m² bí, gia đình tôi đã thu lứa đầu tiên được gần 15 triệu đồng; dự tính cả vụ được khoảng 65 triệu đồng. Còn 5.000 m² bắp cải cũng đã thu hoạch gần xong, với giá 4 nghìn đồng/kg, được khoảng 20 triệu đồng, nếu giá 9 nghìn đồng/kg như năm trước thì thắng lớn.
Đánh giá về mô hình trồng rau trái vụ ở Yên Châu, ông Lường Trung Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, thông tin: Yên Châu được chọn để thử nghiệm mô hình với quy mô tổng diện tích 10 ha, gồm 5 ha bí, 5 ha bắp cải tại 3 nơi khác nhau là xã Yên Sơn, Tú Nang và Chiềng Đông. Theo nhận định bước đầu, mô hình đã đạt được các tiêu chí về năng suất, chất lượng sản phẩm. Hội Nông dân tỉnh đang chuẩn bị hội thảo đầu bờ đánh giá, rút kinh nghiệm, nhất là về kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh để hướng dẫn nông dân áp dụng hiệu quả, phù hợp với từng vùng, giảm rủi ro về thời tiết bất lợi so với chính vụ.
Mô hình trồng rau trái vụ do Hội Nông dân tỉnh triển khai thành công tại huyện Yên Châu không chỉ giúp người nông dân có thêm thu nhập, mà còn góp phần tăng nguồn cung cấp rau an toàn cho thị trường.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!