Chuyển đổi cây trồng trên đất dốc; thực hiện quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc các loại cây ăn quả; thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản... Là những câu chuyện chúng tôi được nghe nhiều khi về các bản của xã Lóng Phiêng (Yên Châu). Điều đó cho thấy người dân trong xã đã và đang phát triển sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng thu nhập bình quân lên gần 11 triệu đồng/người/năm, góp phần làm cho vùng quê vùng biên giới này từng ngày khởi sắc.
Nhân dân bản Pha Cúng, xã Lóng Phiêng (Yên Châu) trao đổi kinh nghiệm trồng xoài ghép.
Trung tâm xã Lóng Phiêng mang dáng dấp của một thị tứ vùng núi. Hai bên con đường rải nhựa chạy qua xã là những ngôi nhà xây kiên cố, nhà sàn lợp ngói, nhiều hộ mở cửa hàng ăn uống, dịch vụ sửa chữa xe máy, dịch vụ vật tư nông nghiệp... Người đầu tiên chúng tôi trò chuyện khi về Lóng Phiêng là ông Vì Văn Khăm, Bí thư Chi bộ bản Pha Cúng. Không giấu niềm vui, ông Khăm khoe: Cuộc sống của người dân bản Pha Cúng hôm nay đã có nhiều khởi sắc nhờ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Hiện, bản có 140/150 hộ dân chuyển 200 ha trồng cây lương thực trên đất dốc năng suất thấp sang trồng cây ăn quả các loại. Nhờ trồng cây ăn quả mà nhiều gia đình trong bản đã thoát nghèo, có thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm, như gia đình các ông: Trần Như Kiên, Nguyễn Đức Tình, Nguyễn Văn Binh, Nguyễn Văn Tập...
Lóng Phiêng là xã vùng 3 biên giới, có 9.293 ha đất tự nhiên, trong đó hơn 1.960 ha đất sản xuất nông nghiệp, với 1.332 hộ dân, hơn 65% dân số là dân tộc Kinh và dân tộc Xinh Mun, còn lại là dân tộc Mông, Thái, Khơ Mú cùng chung sống. Mặc dù có nhiều thuận lợi trong phát triển kinh tế như các phiêng bãi bằng, nguồn lực lao động, song những năm trước đây, do tập quán sản xuất lạc hậu, bà con chủ yếu trồng ngô và lúa nương, năng suất đạt thấp nên mức sống của người dân trong xã không cao. Mốc đánh dấu của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở Lóng Phiêng được tính từ năm 2010. Thời điểm đó, nhân dân các xã giáp ranh phát triển mạnh việc trồng cây ăn quả theo hướng sản xuất hàng hóa. Cùng với thực hiện chủ trương của tỉnh về phát triển cây ăn quả trên đất dốc, xã đã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể trong xã vận động nhân dân từng bước chuyển diện tích trồng cây lương thực năng suất thấp sang trồng cây ăn quả, kết hợp với cải tạo vườn tạp; tận dụng diện tích đất để trồng các loại cây ngắn ngày như: Bí đỏ cao sản, bí xanh, lạc, gừng, rau đậu các loại... để lấy “ngắn nuôi dài”.
Chia sẻ với chúng tôi về quá trình lãnh đạo nhân dân trong xã phát triển kinh tế, đồng chí Phạm Văn Tiến, Bí thư Đảng ủy xã Lóng Phiêng, cho biết: Hằng năm, Đảng ủy xã đã ra nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế, trong đó tập trung chuyển đổi cây trồng trên đất dốc và phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Đồng thời, mời cán bộ khuyến nông của huyện về tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất như: Kỹ thuật trồng, chăm sóc, triết, ghép các loại cây ăn quả; ủ men vi sinh; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”; cách sử dụng thuốc diệt cỏ... Các kỹ thuật này được hướng dẫn theo cách “cầm tay chỉ việc”, giúp người dân nắm bắt và áp dụng vào thực tế sản xuất. Nhờ vậy, nhân dân trong xã đã và đang tích cực áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi.
Tìm hiểu được biết, đến thời điểm này, xã Lóng Phiêng có 596 ha cây ăn quả (gồm 272 ha nhãn, 120 ha xoài, 161 ha mận hậu, còn lại là cây mơ, chuối, vải thiều), trong đó 196 ha đã cho thu hoạch, sản lượng đạt bình quân hơn 1.146 tấn quả một năm. Điều mừng là, sản phẩm nhãn, xoài của xã đã tạo được thương hiệu riêng, được người tiêu dùng ưa chuộng, nên thị trường đầu ra của sản phẩm mở rộng trong tỉnh và ngoài tỉnh. Cùng với đó, tận dụng diện tích cây ăn quả chưa khép tán, bà con trồng xen cây bí đỏ cao sản và cây bí xanh, sản lượng khoảng 12.400 tấn bí, đây là nguồn thu nhập đáng kể cho người dân. Bên cạnh đó, trên 2.000 ha đất đồi được bà con thâm canh các loại giống mới, năng suất đạt gần 5 tấn/ha, sản lượng trên 10.000 tấn ngô hạt/năm, vừa làm hàng hóa, vừa làm thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đặc biệt, bà con còn thâm canh vụ 3 với 68 ha cây cải dầu và 50 ha đậu, đỗ các loại...
Cùng với việc khai thác tiềm năng để phát triển chăn nuôi, bà con trong xã còn thực hiện tốt quy trình kỹ thuật trong chăn nuôi, xây dựng chuồng trại chăn nuôi ra xa nhà ở, bảo đảm ấm về mùa đông, mát về mùa hè để phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi; tiêm các loại vắc xin phòng bệnh định kỳ; thực hiện phun khử trùng môi trường, chuồng trại chăn nuôi... Nhờ vậy, đàn vật nuôi phát triển tốt, hiện, toàn xã có gần 1.800 con trâu, bò; hơn 1.400 con dê; 9.000 con lợn trên 2 tháng tuổi; 40.000 con gia cầm các loại... Sản phẩm chăn nuôi đã và đang là hàng hóa giúp các hộ trong xã nâng cao thu nhập, nâng số hộ có mức sống khá trở lên đạt gần 54%.
Nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao thu nhập trên diện tích đất canh tác; khuyến khích phát triển mô hình chăn nuôi trâu, bò nhốt chuồng... Tin rằng với hướng đi này, cuộc sống của người dân nơi đây sẽ từng bước được nâng cao.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!