Thành lập đi vào hoạt động từ năm 2007, HTX dịch vụ chế biến chè Phiêng Khoài, bản Kim Chung 2, xã Phiêng Khoài (Yên Châu) đã chủ động liên kết với các hộ dân để bao tiêu sản phẩm chè búp tươi và sơ chế chè khô, góp phần tạo thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân và lao động địa phương.
Sơ chế chè búp tươi tại HTX chế biến chè Phiêng Khoài.
Đến thăm HTX dịch vụ chế biến chè Phiêng Khoài, chúng tôi chứng kiến cảnh nhộn nhịp, tấp nập của bà con nông dân chở chè búp tươi đến bán cho HTX. Dẫn chúng tôi đi tham quan xưởng sản xuất, ông Trần Tấn Đạt, Giám đốc HTX cho biết: Cây chè bén rễ trên mảnh đất Phiêng Khoài từ những năm 60 của thế kỷ trước, một số hộ dân lên phát triển kinh tế mới, thấy điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu thích hợp trồng chè nên bắt đầu trồng, tập trung chủ yếu ở các bản: Thanh Yên 1, 2, Kim Chung 1, 2, 3, Hang Mon 1, 2 và Cồn Huốt 1.
Trước đây, khi diện tích canh tác còn manh mún, thu hái không tập trung, thường bị thương lái ép giá, “đầu ra” của cây chè rất bấp bênh. Thấy vậy, ông Trần Tấn Đạt đã vận động thành lập HTX dịch vụ chế biến chè Phiêng Khoài với 7 thành viên. Với mục tiêu sản xuất và chế biến chè chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vì sức khỏe người tiêu dùng và bảo vệ môi trường, HTX đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tổ chức các cuộc hội thảo, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái, bảo quản chè búp tươi theo tiêu chuẩn sản xuất an toàn cho các hộ dân; phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện mở lớp tập huấn bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho công nhân và các hộ dân trồng chè. Ngoài ra, HTX còn đầu tư phân bón theo hình thức trả chậm cho bà con. Đến nay, HTX đã ký hợp đồng liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho 234 hộ với diện tích khoảng 160 ha; HTX còn mở rộng thu mua 60 ha chè búp tươi cho các hộ dân ở 2 xã Lóng Phiêng và Chiềng On, góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ dân trồng chè, nhiều hộ có thu nhập cao, từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Chúng tôi đến thăm nương chè đang thu hoạch của gia đình anh Vũ Văn An, bản Kim Chung 1, anh An chia sẻ: Gia đình tôi trồng 1,7 ha chè, trước đây chưa có HTX chúng tôi phải đợi thương lái đến thu mua với giá thấp. Từ khi có HTX, giá mua chè búp tươi ổn định. Hằng năm, tôi bán cho HTX khoảng 25 tấn chè, thu nhập từ 70 đến 80 triệu đồng.
Khi mới đi vào hoạt động, HTX dùng máy chế biến chè mini chỉ tiêu thụ khoảng 4 tấn chè búp tươi mỗi ngày. Do diện tích cây chè được mở rộng và theo nhu cầu thị trường, năm 2015, HTX đã đầu tư dây chuyền máy móc công nghệ Đài Loan với công suất 16 tấn chè búp tươi/ngày, tương đương hơn 3 tấn chè khô thành phẩm, cho năng suất, chất lượng mẫu mã cao hơn. Trung bình mỗi năm bao tiêu khoảng 1.500 tấn chè búp tươi cho bà con, sản xuất 300 tấn chè khô xuất ra thị trường. Doanh thu HTX mỗi năm đạt hơn 10 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 10 lao động trực tiếp tại xưởng là đồng bào dân tộc Mông tại địa phương, với mức thu nhập bình quân 5-7 triệu đồng/người/tháng. Anh Sồng A Giảng, bản Na Lù, xã Phiêng Khoài phấn khởi nói: Tôi vào làm ở đây cũng được hơn 1 năm, trước đây cũng như hầu hết các hộ trong bản, gia đình tôi làm nương rẫy rất vất vả. Từ khi vào làm công nhân tại xưởng, vừa được làm gần nhà lại được HTX trả lương ổn định với mức 6 triệu đồng/tháng, có tiền trang trải cho cuộc sống gia đình.
Với việc năng động trong sản xuất, chủ động liên kết tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, HTX chế biến chè Phiêng Khoài đã từng bước khẳng định vai trò của kinh tế tập thể trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, là gương điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2020.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!