Trong giá trị văn hóa của dân tộc Khơ Mú ở bản Thàn, xã Chiềng Pằn (Yên Châu), múa Vêlr Guông là một trong những nét đặc trưng, mang tâm linh độc đáo. Điệu múa biểu tượng cho sức mạnh cộng đồng, là sự cộng cảm giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên, liên quan mật thiết với tín ngưỡng cầu mùa và khát vọng về tình yêu đôi lứa.
Điệu múa Vêlr Guông của dân tộc Khơ Mú, bản Thàn, xã Chiềng Pằn (Yên Châu).
Không ai biết, điệu múa Vêlr Guông (tiếng Thái gọi là Au Eo) có ở các bản người Khơ Mú từ bao giờ, chỉ biết rằng, khi lớn lên thì những chàng trai, cô gái trong bản đã được người thân truyền dạy cho điệu múa này. Khi ngô, lúa trên nương đã thu hoạch xong, con trâu, con gà đã no bụng, hoa mận, hoa đào khoe sắc thì cũng là lúc những âm hưởng lúc trầm lúc bổng của tiếng khèn, tiếng trống vang lên giữa núi rừng khiến cho bản của người Khơ Mú trong các dịp lễ hội càng thêm rộn ràng.
Múa Vêlr Guông là điệu múa lắc hông, uốn lượn eo, được mô phỏng theo các động tác, cử chỉ lao động hằng ngày của người dân nơi đây như: Gặt lúa, trồng ngô, hái rau, xúc tép, giặt giũ... Nhạc cụ phục vụ cho múa Vêlr Guông chủ yếu làm bằng tre, nứa gồm: Khèn bè, trống (tơm pựt), chiêng khỉ (rư bang họa), chập chòe (Steng). Khi múa Vêlr Guông, người nam thường đeo chiếc khoong khăn vừa là nhạc khí, vừa là đạo cụ, còn các cô gái với bộ váy thổ cẩm sặc sỡ, với ống nứa đuổi chim (hưn mạy) nụ cười duyên dáng, nhịp gót nhún rộn ràng, uốn lượn lưng eo lên xuống, xoay ngang...
Có thể nói, đội văn nghệ dân gian bản Thàn đã góp phần tích cực trong việc lưu giữ điệu múa truyền thống Vêlr Guông. Đội có 12 thành viên, ở nhiều độ tuổi, làm công việc khác nhau, nhưng các thành viên trong đội vẫn thường xuyên luyện tập và đi biểu diễn ở các cuộc thi, buổi giao lưu văn nghệ của xã, huyện tổ chức. Chị Lừ Thị Lan, Đội trưởng Đội Văn nghệ dân gian bản Thàn, xã Chiềng Pằn cho biết: Múa Vêlr Guông gồm các bài: Mừng năm mới, cầu mưa, tăng bu, tra hạt, uống rượu cần... Vêlr Guông là điệu múa khó, đòi hỏi phải kết hợp nhuần nhuyễn, uyển chuyển, linh hoạt của nhiều động tác trên cơ thể. Khi thể hiện các điệu múa, toàn thân người múa đều rung lên với sức sống dồi dào, không gò bó trong từng đội hình vuông, tròn. Múa Vêlr Guông không cần địa điểm rộng, cầu kỳ có thể ở một khu đất trống, sân nhà sàn hay ngay tại ruộng lúa đã gặt xong. Người múa dường như hòa mình cùng nhịp trống, điệu khèn đắm mình trong cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ của núi rừng, quên đi cuộc sống vất vả hằng ngày. Diễn viên càng say sưa múa, người vòng ngoài, vòng trong càng đắm chìm cùng tiết tấu, nhịp điệu.
Là người ít tuổi nhất trong đội văn nghệ, nhưng đã học và biểu diễn múa Vêlr Guông cùng các anh, chị đã 7 năm nay, chị Lừ Thị Giang, sinh năm 1997, bản Thàn chia sẻ: Tôi rất tự hào về điệu múa Vêlr Guông của dân tộc Khơ Mú nói chung và ở bản Thàn nói riêng. Để duy trì múa Vêlr Guông, tôi đã cùng với các thành viên trong đội múa truyền dạy cho các bạn trẻ trong bản, để ngày càng có nhiều người biết múa điệu múa truyền thống của dân tộc.
Múa Vêlr Guông không lẫn với bất kỳ điệu múa của dân tộc nào và đã trở thành nét độc đáo, niềm tự hào trong văn hóa của người Khơ Mú ở bản Thàn. Mong rằng múa Vêlr Guông sẽ tiếp tục được bảo tồn và phát triển trong đời sống tinh thần của người Khơ Mú.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!