Những năm gần đây, nhiều hộ dân ở xã Chiềng Pằn (Yên Châu) đã thay đổi tư duy sản xuất, tập trung phát triển rau an toàn, tạo sản phẩm sạch cung cấp cho thị trường, giúp bà con có nguồn thu nhập đáng kể.
Nông dân xã Chiềng Pằn (Yên Châu) chăm sóc vườn rau xanh.
Chiềng Phú là bản có diện tích trồng rau an toàn lớn nhất của xã Chiềng Pằn với 20 ha. Trước đây, hầu hết các hộ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ theo hướng tự phát, do đó, năng suất, sản lượng thấp, đầu ra của sản phẩm bấp bênh. Nhận thấy nhu cầu lớn rau sạch của thị trường, một số hộ đã liên kết thành lập HTX trồng rau an toàn theo quy trình VietGAP nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Ông Hà Văn Dự, Giám đốc HTX Nông nghiệp Chiềng Phú, cho biết: HTX thành lập tháng 9/2015, với 9 thành viên, quy mô sản xuất 5 ha, các hộ đều tuân thủ nghiêm ngặt quy trình trồng rau an toàn từ khâu làm đất đến thu hoạch, hạn chế tối đa sử dụng phân bón hóa học, sử dụng chủ yếu là phân vi sinh để bón lót. Đối với phòng trừ sâu bệnh, hầu hết thuốc bảo vệ thực vật đều có nguồn gốc sinh học, sau khi phun thuốc 7-10 ngày mới tiến hành thu hoạch rau, đảm bảo thời gian cách ly. Ngoài ra, nguồn nước tưới rau cũng được sử dụng bằng nước giếng khoan không ô nhiễm. HTX đã có 3,1 ha rau được cấp giấy chứng nhận VietGAP, nên uy tín, thương hiệu càng được khẳng định trên thị trường, nhiều khách hàng tin tưởng lựa chọn, ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Sản phẩm rau của HTX được xuất bán cho các trường học bán trú trên địa bàn huyện, trong tỉnh, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Tĩnh và cả thương lái bên Lào đến tận vườn thu mua. Năm 2019, HTX bán ra thị trường 200 tấn rau, củ thu trên 1,5 tỷ đồng. Thấy hiệu quả từ trồng rau an toàn, tất cả các hộ dân trong bản đã làm theo, một số hộ còn mua xe tải để thu mua rau cho bà con xuất bán đi các tỉnh, thành khác.
Về bản Chiềng Thi, hai bên đường là vườn cà pháo, mướp đắng, rau bí xanh mướt đang độ thu hoạch. Đến thăm vườn rau an toàn của gia đình anh Nguyễn Văn Bảy, được biết, với hơn 5.000 m2, mùa nào thức nấy, gia đình anh Bảy trồng rau quanh năm; tuân thủ nghiêm ngặt quy trình trồng rau an toàn, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học. Chính vì thế mà rau của gia đình anh luôn phát triển tốt, cho năng suất, sản lượng cao, chất lượng tốt, được nhiều thương lái đến thu mua hằng ngày. Năm 2019, gia đình anh Bảy thu về hơn 150 triệu đồng từ trồng rau. Hiện, gia đình anh đang thu hoạch mướp đắng với giá bán từ 15-20 nghìn đồng/kg, có ngày thu được 4- 5 triệu đồng, ước tính riêng vụ mướp đắng này thu về hơn 70 triệu đồng. Còn hộ gia đình ông Nguyễn Văn Khanh, ở bản Chiềng Thi có 5.000 m2 đất vườn trồng luân canh nhiều loại rau, củ: cà pháo, dưa chuột, đậu cô ve, cải ngọt... Ông Khanh cho biết: Trước đây, gia đình trồng rau theo phương pháp truyền thống chi phí cao, lợi nhuận thấp, đầu ra thường không ổn định, phụ thuộc rất nhiều vào thương lái. Từ khi trồng rau an toàn, tuy bỏ công chăm sóc nhiều hơn so với cách trồng truyền thống, nhưng giá rau bán lại cao hơn, đầu ra ổn định, góp phần tăng thu nhập cho gia đình. Năm vừa rồi, gia đình tôi thu được hơn 100 triệu đồng từ trồng rau an toàn.
Mô hình trồng rau an toàn của người dân bản Chiềng Thi.
Trao đổi về việc phát triển rau an toàn trên địa bàn, ông Đào Xuân Dũng, Chủ tịch UBND xã Chiềng Pằn, cho biết: Doanh thu từ trồng rau an toàn cao hơn nhiều lần trồng lúa nên vài năm trở lại đây bà con mở rộng diện tích. Hiện, toàn xã có trên 30 ha rau an toàn tập trung nhiều nhất ở bản Chiềng Phú và Chiềng Thi, từ trồng rau an toàn, nhiều hộ đã xây được nhà khang trang, mua được nhiều vật dụng sinh hoạt cho gia đình. Nhận thấy hiệu quả, nhiều hộ dân ở các bản lân cận đã chủ động chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng rau. Thời gian tới, xã sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân nhân rộng mô hình này, đồng thời, phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc rau an toàn cho nhân dân; hình thành vùng sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP...
Có thể thấy, mô hình trồng rau an toàn của người dân xã Chiềng Pằn đang là hướng đi phù hợp của địa phương trong phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo nguồn cung thực phẩm an toàn, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống người dân. Qua đó, góp phần nâng cao tiêu chí thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!