Những năm qua, nông dân xã Chiềng Pằn (Yên Châu) đã chú trọng đầu tư trang thiết bị, máy móc, nông cụ, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất cũng như năng suất lao động.
Nông dân xã Chiềng Pằn (Yên Châu) làm đất gieo cấy vụ xuân.
Những ngày này, trên cánh đồng thuộc xã Chiềng Pằn, nông dân đang tích cực sản xuất vụ xuân. Hình ảnh “con trâu đi trước cái cày theo sau” nay đã thay bằng các loại máy cày, máy bừa đất... Việc sử dụng máy móc trong sản xuất đã được nông dân áp dụng từ nhiều năm nay, giúp bà con giải phóng sức lao động, đẩy nhanh tiến độ sản xuất cho kịp khung thời vụ, nâng cao năng suất cây trồng, giảm chi phí đầu tư. Trò chuyện với chúng tôi, anh Lò Văn Cương, bản Na Xanh, cho biết: Vụ xuân năm nay, gia đình tôi cấy gần 4.500 m2 lúa. Trước đây cày, bừa bằng trâu phải mất 5 ngày, từ ngày đầu tư mua máy cày, tôi chỉ làm 2 ngày là xong, vừa tiết kiệm được thời gian làm việc mà không vất vả như trước. Không riêng gia đình tôi mà nhiều hộ trong bản cũng đầu tư mua các máy móc phục vụ sản xuất. Trâu, bò bây giờ hầu hết chỉ nuôi làm hàng hóa chứ rất ít gia đình dùng làm sức kéo như trước nữa. Theo quan sát của chúng tôi, máy cày đa năng cầm tay của anh Cương có thể sử dụng làm đất trên những diện tích nhỏ và độ dốc trung bình, sử dụng kỹ thuật đơn giản, dễ vận hành, hiệu suất lao động cao gấp nhiều lần so với cuốc tay, cày bằng sức trâu; việc đưa máy cày đa năng vào sản xuất đã giải phóng sức lao động thủ công cho người dân.
Nhận thấy hiệu quả của cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, xã Chiềng Pằn đã tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân đầu tư máy móc đẩy mạnh việc đưa máy móc vào sản xuất; đẩy mạnh đầu tư xây dựng hệ thống giao thông nội đồng, tạo thuận lợi cho việc vận hành các loại máy móc hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, tiến tới thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp bền vững. Tạo mọi điều kiện, cơ chế khuyến khích tập thể, cá nhân được vay vốn mua sắm máy móc áp dụng vào sản xuất... Theo thống kê, đến nay, toàn xã có hơn 600 máy cày bừa các loại, các bản có tỷ lệ sử dụng máy cày bừa cao, như: Bản Ngùa, Na Xanh, Chiềng Thi, Chiềng Phú, Sốp Sạng và bản Thàn... Dù chưa đáp ứng so với nhu cầu thực tế nhưng bước đầu số lượng máy để sản xuất lúa trên đồng ruộng đã góp phần tích cực trong việc đẩy nhanh tiến độ sản xuất, bảo đảm khung thời vụ, nâng cao năng suất cây trồng, giải phóng sức lao động và giảm chi phí sản xuất cho người dân.
Ông Đào Xuân Dũng, Chủ tịch UBND xã Chiềng Pằn, cho biết: Vụ xuân năm nay, bà con nông dân xã Chiềng Pằn gieo cấy 78 ha, chủ yếu là các giống lúa, như: Nếp 87, nếp 97; lúa tẻ PC 15, B09. Từ năm 2013 trở về trước, việc làm đất cho sản xuất lúa ở Chiềng Pằn chủ yếu làm thủ công, vừa mất sức và thời gian. Đến nay, toàn xã có trên 85% diện tích đất được thực hiện bằng cơ giới hóa; những gia đình chưa đầu tư được máy cũng thuê các hộ có máy để sản xuất. Việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất đã thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng và mùa vụ trên địa bàn xã, do đẩy nhanh tiến độ sản xuất nên tận dụng, trồng được thêm rau vụ đông trên đất ruộng, hằng năm, toàn xã gieo trồng khoảng 30 ha rau màu vụ đông, góp phần tăng thu nhập cho các hộ dân.
Những lợi ích thiết thực mà máy móc mang lại đã nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp ở Chiềng Pằn, sản xuất luôn đúng khung thời vụ, đất được làm kỹ, đúng tiêu chí “cày sâu tốt lúa”, góp phần nâng cao năng suất lúa, riêng năm 2019, năng suất lúa xuân của xã đạt bình quân 75 tạ/ha, tăng 5 tạ/ha so với năm 2015. Đó chính là động lực để người dân tích cực ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất để nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng, làm giàu trên đồng đất quê hương.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!