Chiêng khỉ - Nhạc cụ độc đáo của đồng bào Khơ Mú

Đến với bản Thàn, bản duy nhất có đồng bào dân tộc Khơ Mú sinh sống của xã Chiềng Pằn (Yên Châu), sẽ được đắm mình trong những điệu hát Tơm ngọt ngào, sâu lắng, những điệu múa au eo mê đắm lòng người.

 

Chiêng khỉ thường được đồng bào dân tộc Khơ Mú ở bản Thàn,

xã Chiềng Pằn (Yên Châu) sử dụng đệm, giữ nhịp cho các tiết mục hát, múa văn nghệ.

 

Hầu hết các tiết mục múa, hát của người Khơ Mú đều sử dụng dàn nhạc đánh tại chỗ, với nhiều loại nhạc cụ gắn liền với núi rừng như đàn gõ đao đao, sáo pí tơm... trong đó phải kể đến chiêng khỉ, một trong những loại nhạc cụ độc đáo nhất của người Khơ Mú nơi đây.

Chiêng khỉ hay còn gọi là “rơ băng họa” (theo tiếng của đồng bào Khơ Mú) được làm từ những ống tre gắn lại với nhau, trước đây là dụng cụ để bà con xua đuổi chim thú về ăn ngô, lúa trong mùa thu hoạch. Về sau người Khơ Mú đã phát triển thành một loại nhạc cụ có chức năng giữ nhịp cho những tiết mục hát, múa tập thể. Chiêng khỉ được chế tác đơn giản với 3 ống tre có đường kính trung bình từ 8 đến 10 cm, dài khoảng 50 đến 60 cm. Khi chọn tre để làm nhạc cụ, phải gõ thử từng đốt tre, khi nào chọn đủ 3 ống tre có các âm “Si”, “La”, “Đô”. Ngoài ra, cây tre để làm chiêng khỉ phải đủ tuổi, không quá già mới tạo ra được âm thanh vang, ấm đạt chuẩn. Những ống tre được xếp ngang trên một giá đỡ. Trên thân ống tre được tạo một đường rãnh nhỏ rộng chừng 2 cm, dài 30 cm để thoát âm. Khi diễn tấu, người chơi dùng 2 thanh gỗ nhỏ dài khoảng 30 cm, đường kính như chiếc đũa để gõ tạo những âm thanh phức hợp và độc đáo theo giai điệu.

Đồng bào Khơ Mú sử dụng chiêng khỉ để đệm cho các bài hát, múa trong những ngày lễ truyền thống, có khi làm nền cho các điệu dân vũ trong những ngày vui, những dịp trọng đại... Mặc dù được làm từ tre, có cấu tạo đơn giản, nhưng lại có khả năng gây sự chú ý cho người nghe. Khi chơi giữa lễ hội đông người, âm thanh phát ra từ các nhạc cụ tre, nứa có thể bị lấn át. Nhưng khi chơi giữa đêm thanh vắng, âm thanh lại phát ra giai điệu độc đáo, vui tai. Chiêng khỉ không chỉ là nhạc cụ tạo nên âm thanh đặc biệt mà còn là một sản phẩm nghệ thuật cần sự kết tinh từ tâm hồn, trí tuệ, tình yêu và sự sáng tạo của người chế tác.

Ông Mè Văn Chiến, 63 tuổi, bản Thàn, xã Chiềng Pằn (Yên Châu) chia sẻ: Do tập quán canh tác nương rẫy và cuộc sống sinh hoạt gắn bó mật thiết với thiên nhiên, nên trong văn hóa của đồng bào Khơ Mú luôn mang đậm dấu ấn của núi rừng, đặc biệt là các loại nhạc cụ làm từ tre, nứa. Bởi vậy, chiêng khỉ được người dân nơi đây coi là “cồng chiêng ống tre”. Tuy âm vực không cao, không kéo dài như chiêng đồng nhưng lại tạo một cảm xúc dứt khoát, tươi vui hơn hẳn. Đặc biệt là trong những tiết mục múa Au eo truyền thống, người xem có thể cảm nhận được sự mềm mại, uyển chuyển từ những động tác lắc hông của các nam, nữ diễn viên theo nhịp của nhạc cụ.

Chiêng khỉ của người Khơ Mú trải qua thời gian, cuộc sống đã có nhiều thay đổi, nhiều loại nhạc cụ hiện đại xuất hiện, nhưng người Khơ Mú ở bản Thàn vẫn luôn gìn giữ loại nhạc cụ độc đáo gắn liền với đời sống tinh thần của dân tộc mình. Không những thế, chiêng khỉ còn là một biểu tượng cho sự gắn kết cộng đồng, tạo nên sức mạnh đoàn kết của nhân dân trong bản.

 Hoàng Giang (CTV)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới