Đã từ lâu, tuyến đường liên bản Nà Mùa - Cò Chịa, thuộc địa phận xã Lóng Phiêng (Yên Châu), là một trong những tuyến gặp nhiều khó khăn, trở ngại nhất, ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất, giao thương và sinh hoạt của bà con nhân dân. Chỉ sau cơn mưa đầu mùa, con đường đã trở nên lầy lội, đất đá lởm chởm trơn trượt, với đủ loại ổ gà, ổ voi...
Tuyến đường liên bản Nà Mùa - Cò Chịa bị xuống cấp nghiêm trọng.
Theo ghi nhận của chúng tôi, tuyến đường nối từ tỉnh lộ 103 vào bản Nà Mùa dài hơn 7 km đã được rải nhựa, nhưng từ đầu bản Nà Mùa đến bản Cò Chịa dài hơn 4km thì vẫn là đường đất, chỉ đi được trong mùa khô. Trước đây, lên bản Nà Mùa, Cò Chịa chỉ duy nhất con đường mòn. Năm 2003, Nhà nước đã hỗ trợ kinh phí để nâng cấp, mở rộng để việc đi lại và vận chuyển nông sản, hàng hóa của bà con nhân dân địa phươngthuận tiện hơn. Tuy nhiên, do là đường đất dốc, nhiều xe vận tải trọng tải lớn ra vào thu mua nông sản, nên con đường hiện đã bị xuống cấp nghiêm trọng; mùa khô bụi mù mịt; mùa mưa nhiều đoạn đường bị sạt lở, sụt lún, bùn lầy, thường xuyên bị sạt lở, đá lăn, dễ xảy ra tai nạn. Đặc biệt, từ bản Nà Mùa lên bản Cò Chịa phải đi qua suối Nà Mùa, do chưa có cầu, nên đến mùa mưa lũ, nước suối dâng cao, bà con không thể qua lại được, thậm chí còn bị cô lập trong nhiều ngày liền. Khi nước rút, ô tô, xe máy vẫn chưa thể di chuyển, phải gửi xe ở bản dưới, bởi bùn đất dưới suối ngập cao đến 2m, chỉ có thể lội suối, đi bộ theo đường mòn.
Đường giao thông đi lại khó khăn, bản lại cách xa các điểm trường nên vào những ngày mưa lũ, các cô giáo không thể về nhà, thường phải nghỉ lại điểm trường. Đặc biệt, đến nay cả 2 bản Nà Mùa và Cò Chịa vẫn chưa được phủ sóng điện thoại. Ông Vì Văn Túng, người dân bản Nà Mùa nói: Vào mùa mưa lũ khó khăn lắm; trong bản có người ốm đau cần đưa đến trạm y tế xã hoặc ra bệnh viện huyện, nhưng nước suối dâng cao không thể đi qua được; nhiều trường hợp cấp cứu, không liên lạc được, phải khiêng người bệnh qua rừng, đi theo đường mòn xuống Đồn biên phòng Chiềng Tương.
Là hai bản thuần nông, nên tỷ lệ hộ nghèo cao (Nà Mùa còn 90% hộ nghèo, Cò Chịa 66% hộ nghèo). Mùa vụ ở đây trồng và thu hoạch muộn hơn so với những khu vực khác; cây ngô vẫn là loại cây trồng chủ lực. Hầu hết nông sản sau thu hoạch được bà con tích trữ, rồi gom bán cho các thương lái, sản phẩm ngô hạt thường bị mối mọt, hư hỏng làm giảm chất lượng, rất khó tiêu thụ. Bên cạnh đó, do vận chuyển nông sản khó khăn, bà con nông dân thường bị tư thương ép giá, trong khi chi phí mua giống, phân bón và vật tư khác lại cao. Hiện nay, đã có nhiều hộ gia đình ở hai bản chuyển đổi từ trồng ngô sang trồng các loại cây ăn quả, như: Nhãn, xoài, bơ, mận, đào... nhưng cũng phải 1-2 năm nữa mới bắt đầu cho sản phẩm; mà vụ thu hoạch lại bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 9, đúng vào mùa mưa lũ, thế nên lo lắng nhất của bà con là không thể trực tiếp vận chuyển nông sản ra các thị trường tiêu thụ. Để tự khắc phục, hằng năm bà con hai bản đều góp công, góp sức để tu sửa tuyến đường. Riêng năm 2018, bản Nà Mùa đã trích hơn 40 triệu đồng từ tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng và 7 triệu đồng đóng góp của người dân bản Cò Chịa để thuê máy xúc bùn, mua 700 m3 khối đá, đóng góp hơn 600 công lao động tu sửa tuyến đường. Tuy nhiên, việc tu sửa chỉ là tạm thời, nên cứ sau mùa mưa lũ là con đường lại trở về tình trạng ban đầu.
Được biết, tại các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp, Ban quản lý hai bản đã nhiều lần kiến nghị các cấp, các ngành của huyện và tỉnh hỗ trợ nâng cấp tuyến đường. Nói về vấn đề này, ông Lê Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND xã Lóng Phiêng cho hay: xã đã tiếp nhận ý kiến phản ánh của bà con và trình lên các cấp có thẩm quyền xem xét theo đúng quy định.
Có một con đường đi lại dễ dàng, thuận tiện cho việc vận chuyển nông sản, hàng hóa đang là mong đợi của bà con hai bản Nà Mùa, Cò Chịa. Rất mong các cấp, các ngành quan tâm, có những giải pháp, sớm đầu tư cải tạo, nâng cấp tuyến đường, để bà con yên tâm lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo.
Huyền Trăng (CTV)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!