Theo giới thiệu của cán bộ kiểm lâm huyện Yên Châu, chúng tôi đến bản Nghè, xã Sặp Vạt để “thực mục sở thị” cách bà con giữ những cánh rừng xanh. Hơn 20 năm trở về trước, rừng của bản luôn xảy ra tình trạng bị phá để làm nương, lấy gỗ..., nhưng câu chuyện đó chỉ còn trong quá khứ, giờ đây họ luôn đoàn kết để chăm sóc, bảo vệ những màu xanh của những cánh rừng.
Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Yên Châu cùng nhân dân bản Nghè, xã Sặp Vạt kiểm tra rừng cộng đồng.
Dẫn chúng tôi vượt quãng đường khoảng 3 cây số lên thăm rừng của bản, chị Lừ Thị Thu, Trưởng bản, chia sẻ: Từ năm 2000 trở về trước, rừng của bản thường xuyên bị phá để làm nương và khai thác gỗ. Qua quá trình tuyên truyền bảo vệ rừng, nhất là giao đất giao rừng, nhân dân bản Nghè không còn phá rừng làm nương, khai thác gỗ nữa, mà tích cực tái sinh và trồng rừng. Bây giờ, rừng của bản đã giữ được nguồn nước mát quanh năm không chỉ cung cấp cho bản, mà còn cho nhiều bản khác trong vùng. Bản có 115 hộ, hơn 500 nhân khẩu. Diện tích rừng của bản có gần 300 ha; trong đó, rừng cộng đồng bản có 243 ha, còn lại là diện tích rừng trồng đã giao cho 9 hộ chăm sóc, bảo vệ từ năm 2002. Mặc dù cả bản chỉ có 42 ha đất sản xuất, thời điểm mới giao rừng, bà còn chỉ trồng sắn, ngô, nên không đủ ăn, tuy vậy không ai trong bản xâm lấn đất rừng để canh tác. Từ ngày có chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc, bà con vừa trồng cây ăn quả, vừa trồng sắn xen canh, cùng với việc được nhận đầy đủ tiền chăm sóc bảo vệ rừng nên cuộc sống đến nay đã ổn định hơn. Các công trình đường giao thông, tu sửa mương phai, hay đóng góp các khoản của bản, đều được trích từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng, bà con không phải bỏ tiền túi mình ra đóng góp.
Anh Hà Ngọc Huân, cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn, bảo: Rừng bản Nghè đang được chăm sóc, bảo vệ hiệu quả. Nhân dân luôn ý thức được về những lợi ích khi bảo vệ rừng cũng như trách nhiệm trong việc giữ rừng. Đây là một trong những bản không chỉ làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng mà còn tiêu biểu trong phong trào trồng rừng... Bên cạnh việc Hạt Kiểm lâm huyện thường xuyên cử cán bộ xuống tận bản tuyên truyền Luật Lâm nghiệp, hướng dẫn công tác bảo vệ, PCCCR, bà con dân bản cũng tự nâng cao ý thức bảo vệ rừng bằng cách lồng ghép nội dung bảo vệ rừng trong tất cả các cuộc họp của bản, các đoàn thể. Bản đã xây dựng hương ước, nếu phát hiện người dân nào vi phạm việc bảo vệ rừng thì sẽ bị phạt tiền. Việc xử phạt hành chính kết hợp với việc xử phạt theo hương ước, quy ước của bản rất hiệu quả, vừa có tính chất răn đe vừa có tính chất tuyên truyền, nhất là quy định người vi phạm phải trồng lại rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng. Tuy vậy, từ ngày được giao rừng đến nay bản chưa có trường hợp nào vi phạm.
Nhân dân bản Nghè, xã Sặp Vạt cùng lực lượng kiểm lâm huyện Yên Châu kiểm tra diện tích rừng trên bản đồ.
Tìm hiểu được biết, bản thành lập 4 tổ thường xuyên tuần tra, canh gác bảo vệ rừng, mỗi tổ có 6 người. Tháng nào cũng vậy, mỗi tổ đều tổ chức đi tuần tra, kiểm tra 3 lần. Đặc biệt, trong những ngày cao điểm mùa khô hanh, Ban quản lý bản chỉ đạo các tổ trực 24/24 giờ để làm nhiệm vụ PCCCR; phối hợp với lực lượng kiểm lâm tổ chức tuần tra, kiểm tra kỹ lưỡng các khu vực người dân sản xuất nương rẫy, có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao để tuyên truyền, vận động người dân không đốt nương rẫy vào những ngày thời tiết khô hanh dễ xảy ra cháy rừng. Bản cũng coi trọng việc sử dụng khoản tiền từ dịch vụ môi trường rừng. Mỗi năm, bản được chi trả 500 nghìn đồng/ha, theo đó bản tổ chức họp, thống nhất trích 20% bồi dưỡng các thành viên trong tổ bảo vệ rừng (mỗi người được trả 150 nghìn đồng/ngày) và 20% để mua trang thiết bị phục vụ cho công tác bảo vệ rừng, như dụng cụ PCCCR, đèn pin, giầy dép, mũ bảo hộ...; đồng thời, tổ chức chấm công chặt chẽ để đảm bảo sự công bằng. Cũng nhờ làm tốt công tác khoanh nuôi, bảo vệ, những cánh rừng đã mang lại cho bản nguồn nước dồi dào phục vụ sinh hoạt, sản xuất, tưới tiêu, hạn chế xói mòn, sạt lở đất. Ngoài ra, bà con còn được phép khai thác sản vật của rừng như măng, củi khô, rau rừng... để cải thiện cuộc sống...
Rừng bản Nghè được bảo vệ, phát triển tốt nhờ thực hiện các việc làm cụ thể như làm tốt công tác tuyên truyền, xây dựng hương ước... Đây cũng chính là kinh nghiệm, cách làm hiệu quả cần nhân rộng để làm tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!