Kỷ niệm 91 năm Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng (15/10/1930 - 15/10/2021) và Ngày “Dân vận” 15/10 năm nay, cả nước đang tích cực triển khai thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, thực hiện các mục tiêu phòng, chống dịch Covid-19, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh...
Thành phố mang tên Bác đã trải qua hơn trăm ngày gồng mình chống chọi đại dịch Covid-19. Những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, người dân, sự chung sức của các lực lượng từ miền bắc sát cánh cùng đồng bào miền nam kiên gan chung trận tuyến chống Covid-19 đã từng bước giúp TP Hồ Chí Minh và các tỉnh trọng điểm dịch phía nam từng bước khống chế dịch bệnh, thích ứng an toàn. Mới đây, thành phố tổ chức lễ tri ân long trọng, đầy xúc động đối với gần 30 nghìn cán bộ, chiến sĩ chi viện thành phố chống dịch.
Những ngày gần đây, cử tri nhiều địa phương cả nước bày tỏ hoan nghênh Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp khống chế dịch, bảo đảm an toàn cuộc sống người dân, chuẩn bị cho giai đoạn bình thường mới, vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội. Qua nghiên cứu PGS, TS Bùi Đình Phong (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) nêu ý kiến tâm huyết: Ngẫm ra từ Kính cáo đồng bào của Nguyễn Ái Quốc 80 năm trước (6/1941) đến Lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 cho thấy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc luôn được giữ gìn, phát huy.
Tuy nhiên, qua đợt chống dịch này, Đảng ta cũng rút ra được nhiều bài học quý, như việc cán bộ các cấp cần thay đổi phong cách lãnh đạo, sâu sát hơn, kịp thời nắm bắt, dự báo tình hình, chủ động trước mọi tình huống, để có giải pháp hiệu quả nhất khi có diễn biến bất thường.
Sinh thời Bác Hồ khẳng định: “Trong công cuộc kháng chiến kiến quốc, lực lượng chính là ở dân”. Bác luôn đặt niềm tin tuyệt đối vào nhân dân. Tư tưởng “lấy dân làm gốc” của Người là một bài học có ý nghĩa lý luận, thực tiễn sâu sắc xuyên suốt quá trình bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Trong mọi giai đoạn cách mạng của đất nước, từ thực tiễn và những bài học kinh nghiệm trong công tác dân vận, Đảng ta từng tổng kết: “Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Chính nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử. Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Quan liêu, tham nhũng, xa rời nhân dân sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ xã hội chủ nghĩa và của Đảng”(1).
Đại hội XIII của Đảng, với tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045 đã bổ sung nhiều nội dung mới về lãnh đạo đối với công tác dân vận. Văn kiện Đại hội xác định rõ yêu cầu, nhiệm vụ: Thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng.Trong đó nhấn mạnh các nội dung: Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của các cấp ủy đảng, hệ thống chính trị về công tác dân vận; có cơ chế phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trong tình hình mới. Đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, vận động..., tăng cường đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài viết quan trọng: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” đã thể hiện sự nhất quán, khẳng định xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là đem lại tự do, hạnh phúc của nhân dân. Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đảng, Nhà nước luôn luôn thực hiện quan điểm nhất quán là “dân là gốc”, với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Nhằm tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong giai đoạn mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, ngày 30/7/2021, Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 23-QĐ/TW về “Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị” (thay thế Quyết định số 290-QĐ/TW của Bộ Chính trị khóa X). Quyết định số 23-QĐ/TW có nhiều điểm mới, quy định rất cụ thể về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, cơ chế, phương thức thực hiện công tác dân vận trong hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng.
Quán triệt, triển khai chủ trương nghị quyết của Đảng về công tác dân vận, mới đây Mặt trận, tổ chức chính trị - xã hội các cấp luôn bám sát cơ sở, địa bàn, đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền trong phòng, chống dịch Covid-19; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức, trách nhiệm chăm sóc sức khỏe, bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng.
Tại nhiều địa phương như Bắc Giang, Bắc Ninh, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai... dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các mô hình dân vận khéo như “Tổ Covid cộng đồng”, “Tổ tự quản của nhân dân”... được xây dựng, hoạt động hiệu quả đã góp phần quan trọng trong phòng, chống dịch bệnh và giữ vững thành quả khi dịch bệnh được kiểm soát. Hiện nay, hệ thống chính trị nhiều địa phương đã tích cực tham mưu, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền giúp đỡ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn; xây dựng, tổ chức nhiều mô hình, hoạt động tình nguyện hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất, kinh doanh, thực hiện mục tiêu kép, bước vào trạng thái bình thường mới. Mặt khác, trong bối cảnh đó, vẫn còn những cấp ủy, chính quyền ở địa phương còn quan liêu xa dân, vô cảm với những hoàn cảnh, hoạn nạn, đời sống khốn khó của dân chúng. Đặc biệt có cả một bộ phận cán bộ đảng viên lợi dụng tình hình dịch bệnh để phạm tội tham nhũng, trong đó có cả những cán bộ lãnh đạo quản lý, người có học hàm học vị cao, quan chức ngành y tế mà cựu giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm là một thí dụ. Nhìn rộng hơn, đáng lo ngại là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” vẫn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi một cách căn bản, thậm chí có mặt còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn, có thể gây ra những hậu quả khôn lường.
Thực tế đó đòi hỏi chúng ta tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác dân vận của Đảng, tăng cường quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng về vai trò của nhân dân, dân vận và công tác dân vận.
Hội nghị Trung ương 4 vừa diễn ra đã thảo luận, cho ý kiến những vấn đề rất quan trọng đối với việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, thực hiện nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế - xã hội và nhiệm vụ then chốt là xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trong đó có vấn đề đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, vấn đề nêu gương, tính tự giác, tinh thần phụng sự nhân dân của một bộ phận cán bộ lãnh đạo. Tự giác học tập và làm theo lời dạy của Người: “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”, “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”, cán bộ, đảng viên luôn cần nêu gương thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ, tuân thủ pháp luật và đạo đức, lối sống tạo thế “sâu rễ, bền gốc” góp phần tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân.
---------------------------------------------
(1) Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011).
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!