Phát triển Đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước(*)

Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội trao túi An sinh tặng công nhân có hoàn cảnh khó khăn do dịch Covid-19.

Bài 2: Đồng bộ giải pháp, linh hoạt cách làm

Phát triển số lượng, nâng cao chất lượng tổ chức đảng trong các doanh nghiệp khu vực kinh tế ngoài nhà nước là đòi hỏi tất yếu trong giai đoạn cách mạng mới. Nhưng quan trọng hơn là tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp cần phát huy vai trò, hoạt động hiệu quả, đồng hành với doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, ổn định sản xuất. Hiện thực hóa chủ trương của Đảng cần cộng đồng trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, với cách làm sáng tạo, linh hoạt hơn, phù hợp điều kiện thực tế của địa phương và doanh nghiệp.

Thực hiện các nghị quyết của Đảng, quy định, hướng dẫn của Trung ương, các cấp ủy trong cả nước đã có cách làm sáng tạo. Một số địa phương tập trung số lượng lớn doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước như Hà Nội, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh, cấp ủy đã thành lập đảng bộ khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế trực thuộc thành ủy.

Thực tiễn hoạt động, các đảng bộ đặc thù này đã khẳng định vai trò, vị trí, gắn kết công tác xây dựng đảng trong các doanh nghiệp với phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế. Với các tỉnh, thành phố khác như Cần Thơ, Bình Dương, Đồng Nai có ít tổ chức đảng trong các doanh nghiệp thì thành lập đảng bộ cơ sở các khu công nghiệp, khu chế xuất trực thuộc đảng ủy khối doanh nghiệp tỉnh, thành phố. Một số cấp ủy quận, huyện đã chỉ đạo thành lập các đảng bộ khối doanh nghiệp trực thuộc cấp ủy cấp huyện.

Nâng cao năng lực cấp ủy

Sự vận dụng sáng tạo và linh hoạt được ghi nhận ở một số nơi, đó là, đối với đảng viên đã làm việc ổn định tại doanh nghiệp nhưng sinh hoạt đảng tại địa phương, cấp ủy tạo điều kiện chuyển sinh hoạt đảng về tổ chức đảng nơi họ đang làm việc. Tại những doanh nghiệp có đủ đảng viên nhưng chưa có tổ chức đảng, cấp ủy cấp trên làm việc với chủ doanh nghiệp để đạt đồng thuận về việc thành lập chi bộ. Những đơn vị chưa đủ đảng viên thì cấp ủy cấp trên chuyển đảng viên ở địa phương về tổ chức đảng phù hợp, thành lập chi bộ ghép, khi đủ điều kiện thì tách thành chi bộ độc lập. Thành lập chi bộ rồi, phát triển, hoạt động và ảnh hưởng đối với doanh nghiệp ra sao, lại phụ thuộc phần nhiều vào cấp ủy và các đảng viên trong tổ chức đảng.

Bí thư Chi bộ, Giám đốc Công ty điện tử Foster Bình Dương Trần Hưng Đạo là đảng viên được bồi dưỡng và kết nạp trong môi trường doanh nghiệp FDI, khi kết nạp, trong doanh nghiệp chưa có chi bộ, phải sinh hoạt tại tổ chức đảng cấp trên. Từ kinh nghiệm thực tiễn, anh chia sẻ, là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, ban đầu mối quan tâm chủ yếu của lãnh đạo công ty là làm sao tăng và duy trì lợi nhuận. Tuy nhiên khi được tiếp cận, tiếp xúc tìm hiểu sâu hơn về tổ chức đảng và đoàn thể, về vai trò trong doanh nghiệp, Ban lãnh đạo đã thay đổi cách nghĩ.

Từ khi Chi bộ công ty được thành lập, phối hợp tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên mà các thành viên chủ chốt đều là đại diện lãnh đạo phòng, ban đã hình thành cầu nối hiệu quả giữa lãnh đạo doanh nghiệp và người lao động. Chi bộ kịp thời nắm bắt thông tin, tư tưởng của người lao động để tham gia ý kiến với lãnh đạo doanh nghiệp điều chỉnh hợp lý, đồng thời truyền đạt mong muốn của doanh nghiệp với cấp ủy cấp trên để kịp thời hỗ trợ, tránh các xung đột, động viên, tạo động lực, nâng cao hiệu suất công việc.

Ở các loại hình doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, sự phối hợp linh hoạt sao cho hài hòa lợi ích cả ba bên: tổ chức đảng, chủ doanh nghiệp và người lao động là cần thiết, tạo chỉ số tin cậy đối với chủ doanh nghiệp, thu hút người lao động, thúc đẩy hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần TaeKwang Vina, Bí thư Chi bộ Phạm Xuân Thọ đồng tình nhận định rằng, tổ chức đảng, đoàn thể có vai trò quan trọng đối với quá trình phát triển của doanh nghiệp. Tại TaeKwang Vina, doanh nghiệp FDI do Hàn Quốc đầu tư tại Đồng Nai, có hơn 38 nghìn lao động, tổ chức đảng được thành lập từ rất sớm với ba đảng viên đã phát triển thành đảng bộ với 92 đảng viên.

Nhiều đảng viên được kết nạp tại doanh nghiệp hiện nắm giữ vị trí chủ chốt của công ty. Công đoàn thành lập từ năm 1996 và luôn là chỗ dựa tin cậy của người lao động. Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư vừa qua, đảng ủy và công đoàn luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, tham mưu chiến lược phòng, chống dịch, đưa ra các quyết định chính xác trong từng thời điểm, giúp doanh nghiệp giảm thiểu thiệt hại. Nhờ đó dù ở trong tâm dịch nhưng số ca nhiễm của người lao động thấp, không có ca nặng hay tử vong; động viên hơn 3.000 người lao động tham gia sản xuất ba tại chỗ, đẩy mạnh công tác tiêm vắc-xin an toàn.

Đây là các yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất nhanh chóng, hiệu quả. Về vai trò của tổ chức đảng, công đoàn, đồng chí bí thư chi bộ nêu thí dụ, trong các cuộc họp cấp ủy gần đây, nội dung được thảo luận chính là công ty có thêm đơn hàng mới, mở thêm dây chuyền, tuyển thêm lao động. Sau khi thảo luận, đảng bộ ra nghị quyết, tổ chức công đoàn đề xuất ban giám đốc các chính sách khuyến khích hỗ trợ người lao động và được chấp thuận. Có được điều đó là bởi ban giám đốc luôn thực hiện phương châm "lắng nghe - chia sẻ" đối với các vấn đề liên quan đến lao động từ phía đại diện tổ chức đảng, công đoàn. Hiện, 100% số công nhân của công ty là đoàn viên công đoàn.

Thực tế cho thấy, khi cấp ủy đủ năng lực, uy tín, nhất là bí thư cấp ủy tham gia ban lãnh đạo, là chủ doanh nghiệp, đảng viên là các cá nhân ưu tú trong doanh nghiệp, đồng nghĩa chất lượng hoạt động của tổ chức đảng được nâng lên và có đóng góp thiết thực phát triển doanh nghiệp. Qua đó củng cố niềm tin, tác động tích cực đến nhận thức của chủ doanh nghiệp và người lao động về tổ chức đảng, đoàn thể. Có nơi đã mời chủ doanh nghiệp dự sinh hoạt chi bộ, tạo sự gần gũi, dễ chia sẻ những vấn đề còn vướng mắc, tạo động lực để đảng viên cống hiến, đồng thời truyền cảm hứng phấn đấu cho các quần chúng trong doanh nghiệp.

Đổi mới công tác vận động công nhân

Quan điểm của Đảng về phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức công đoàn trong xây dựng đảng tại các doanh nghiệp được quy định tại Điều lệ Đảng và các chỉ thị, nghị quyết của Đảng. Mới đây, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12/6/2021 “Về đổi mới tổ chức hoạt động của công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”. Nghị quyết nêu rõ, cần nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước; thành lập tổ chức công đoàn để tạo tiền đề thành lập tổ chức đảng, đoàn thể khác.

Đây là giải pháp mang tính đột phá khẳng định rất rõ vai trò của tổ chức công đoàn. Đối với các doanh nghiệp chưa có tổ chức đảng và các tổ chức đoàn thể khác, vai trò công đoàn càng quan trọng. Trong bối cảnh cuộc sống của công nhân, người lao động có nhiều sức ép như hiện nay, đặt ra vấn đề vận động công nhân, người lao động sao cho hiệu quả cần có sự nghiên cứu thực tiễn một cách thấu đáo.

Phân tích các yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đời sống công nhân lao động trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước hiện nay, như tiền lương, thu nhập thấp, bấp bênh, điều kiện sống hạn chế, thiếu thốn, thêm tác động của đại dịch Covid-19 gây ra nhiều biến động, nhiều doanh nghiệp rút khỏi thị trường làm gia tăng lao động thất nghiệp… theo Phó Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu (Ban Dân vận Trung ương) Nguyễn Thị Tố Nga, cần đổi mới công tác vận động công nhân phù hợp giai đoạn cách mạng mới.

Một trong những yêu cầu rất quan trọng là Đảng quan tâm chỉ đạo xây dựng hoàn thiện chính sách, pháp luật phù hợp, bảo đảm việc làm, điều kiện sống và nhu cầu, nguyện vọng, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân lao động trong từng thành phần kinh tế. Để xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh, chính sách đối với giai cấp công nhân và công đoàn phải nằm trong tổng thể chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong đó, tập trung giáo dục, đào tạo nghề nghiệp; việc làm và bảo đảm việc làm, bảo hiểm xã hội; thương lượng tập thể và xây dựng quan hệ lao động; tiền lương, thu nhập và điều kiện sinh hoạt của công nhân; quyền gia nhập và hoạt động các tổ chức công đoàn. Đặc biệt cần xây dựng chế tài đủ mạnh, tăng cường chỉ đạo kiểm tra, giám sát việc thực hiện, xử lý có hiệu quả các vi phạm về pháp luật lao động và công đoàn…

Chia sẻ câu chuyện thực tế tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Điện tử ASTI Hà Nội, Bí thư Chi bộ, Chủ tịch công đoàn Nguyễn Đức Nhân nhớ lại, từ khi vận động đảng viên đang sinh hoạt ở nơi cư trú, chuyển về và ghép với công ty khác cho đủ ba đảng viên để thành lập chi bộ, đến khi đủ đảng viên để tách thành chi bộ độc lập và đến nay, chi bộ công ty đã kết nạp thêm 19 đảng viên. ASTI Hà Nội là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư của Nhật Bản, với tổng số cán bộ, công nhân viên hiện tại là 1.258 người.

Khi mới thành lập chi bộ, nhiều vấn đề về công tác đảng chưa được ban giám đốc coi trọng và đánh giá đúng mức. Vai trò của chi bộ và năng lực của đảng viên đã dần thuyết phục lãnh đạo doanh nghiệp. Ngoài việc tạo điều kiện sinh hoạt đảng trong giờ làm việc, công ty chủ động bố trí để các đảng viên đi họp Đảng, học nghị quyết mà vẫn chấm công như đi công tác, có thể điều động phương tiện phục vụ đảng viên đi họp khi cần.

Theo anh Nguyễn Đức Nhân, chủ trương này là cơ hội cho những công nhân viên có nguyện vọng và nhiệt huyết muốn phấn đấu vào Đảng. Tuy nhiên, số công nhân đó chưa nhiều. Thực tế đòi hỏi đổi mới mạnh mẽ công tác vận động công nhân, trong đó tổ chức công đoàn có vai trò quan trọng. Song song tham mưu, đề xuất chế độ chính sách, công đoàn cần thường xuyên tổ chức các hoạt động như tổ chức hiến máu, ngày hội văn hóa thể thao và các hoạt động vui chơi, từ thiện… Từ những hoạt động đó, công đoàn đánh giá, nhìn nhận các quần chúng ưu tú để giới thiệu cho Chi bộ bồi dưỡng, kết nạp Đảng.

Công đoàn tham gia phát triển đảng tại các doanh nghiệp thực chất là bồi dưỡng công đoàn viên ưu tú, trước hết là hướng tới xây dựng và nâng cao ý thức chính trị cho giai cấp công nhân, có nhận thức đúng đắn về Đảng, có niềm tin vững chắc vào mục tiêu, lý tưởng của Đảng, nhận thức được quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm trong sự nghiệp đổi mới đất nước. Bằng nhiều hình thức, tổ chức đảng, công đoàn cần trở thành lực lượng gương mẫu đi đầu, truyền cảm hứng trong tuyên truyền, vận động công nhân trau dồi tác phong công nghiệp, ý thức chấp hành pháp luật, làm việc có kỷ cương, kỷ luật, lành mạnh, tiết kiệm, thực hiện tốt các tiêu chí văn hóa nơi làm việc và nơi cư trú.

Cùng với các chủ trương về phát triển Đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị thêm một lần nữa xác lập vai trò, vị trí của giai cấp công nhân trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Với sự tin cậy của Đảng, sự vào cuộc đồng bộ của hệ thống chính trị, với quyết tâm và lộ trình rõ ràng, tổ chức Công đoàn Việt Nam đặt mục tiêu đổi mới toàn diện, thích ứng, giải quyết hiệu quả các vấn đề đặt ra, gắn kết với người lao động, thật sự là tổ chức của người lao động, do người lao động và vì người lao động. Trong đó có vai trò đồng hành với Đảng xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, là lực lượng tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Theo Báo Nhân Dân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới