Triển khai phong trào thi đua "Dân vận khéo", các cấp hội nông dân ở Sơn La đã tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên triển khai những mô hình sản xuất hiệu quả, góp phần thay đổi diện mạo quê hương, khẳng định vai trò quan trọng của nông dân trong các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.

Vai trò của các cấp hội
Hội Nông dân tỉnh Sơn La đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Hội Nông dân Việt Nam và Ban Tuyên giáo và Dân vận tỉnh để thực hiện hiệu quả phong trào thi đua "Dân vận khéo", gắn với các hoạt động xây dựng Hội vững mạnh, phát triển nông thôn mới, giảm nghèo, thực hiện mục tiêu an sinh xã hội và phong trào “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi và đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”.
Các cấp Hội đã thể hiện vai trò nổi bật của mình trong phối hợp thực hiện các hoạt động, như: Sửa chữa các tuyến đường giao thông nông thôn; xây dựng nhà tình nghĩa; nhà đại đoàn kết, mái ấm nông dân; tặng quà cho hộ gia đình chính sách, hộ nghèo; trao phương tiện hỗ trợ hộ nghèo; vận động nông dân hiến đất làm đường để xây dựng nông thôn mới... Hiện nay, các cấp hội nông dân trong tỉnh Sơn La đã xây dựng được 146 mô hình “Dân vận khéo”, trong đó có 7 mô hình lĩnh vực xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; 100 mô hình phát triển kinh tế; 24 mô hình văn hóa - xã hội; 15 mô hình quốc phòng - an ninh.

Đẩy mạnh xây dựng chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp theo Nghị quyết 04-NQ/HNDTW ngày 5/8/2019 của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VII, các cấp Hội trong tỉnh đã đẩy mạnh việc thành lập và phát triển các Chi hội nghề nghiệp, Tổ hội nghề nghiệp theo nguyên tắc “5 tự” (tự giác, tự nguyện, tự quản, tự chủ, tự chịu trách nhiệm) và “5 cùng” (cùng ngành nghề, cùng mối quan tâm, cùng trách nhiệm, cùng chia sẻ, cùng hưởng lợi).
Đến nay, toàn tỉnh có 208 Chi hội Nông dân nghề nghiệp với 5.704 hội viên nông dân tham gia; 572 Tổ hội Nông dân nghề nghiệp với 3.629 hội viên tham gia. Các chi hội, tổ hội hoạt động trên nhiều lĩnh vực ngành nghề sản xuất, kinh doanh đa dạng, phong phú, tập trung vào các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ, nuôi trồng, chế biến thủy sản; tiểu thủ công nghiệp, cơ khí, vật liệu xây dựng.... bình quân mỗi chi hội có từ 15 đến 100 hội viên trở lên, tiêu biểu như: Tổ hội sản xuất rau an toàn của huyện Mộc Châu, Vân Hồ; mô hình HTX phát triển thủy sản, nuôi các lồng trên lòng hồ sông Đà tại huyện Quỳnh Nhai, doanh thu có hộ đạt 500-800 triệu đồng/hộ/năm...
Ông Vũ Đức Thuận, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cho biết: Qua quá trình triển khai, các mô hình này đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Trước hết, các hội viên có điều kiện liên kết sản xuất theo hướng tập trung, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Nhờ có sự hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm giữa các hội viên, nhiều mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị đã hình thành, giúp gia tăng giá trị nông sản và mở rộng thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, các Chi hội, Tổ hội nghề nghiệp còn giúp hội viên tiếp cận tốt hơn với nguồn vốn vay ưu đãi, khoa học kỹ thuật và thông tin thị trường. Tinh thần đoàn kết, hợp tác cũng được củng cố, tạo động lực để bà con mạnh dạn ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, từ đó nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống.
Nhân rộng các mô hình kinh tế
Tại thành phố Sơn La, Hội Nông dân Thành phố đã tập trung chỉ đạo hội nông dân các xã, phường làm tốt công tác dân vận khéo, qua đó đã xây dựng được 29 mô hình, trong đó có 24 mô hình về phát triển kinh tế. Một số mô hình đã được triển khai và nhân rộng, như: Mô hình của Chi hội nông dân nghề nghiệp chuyên về nuôi lợn sinh học tại bản Trung tâm, xã Chiềng Đen với 27 thành viên ban đầu và 134 con lợn giống, hiện nay mô hình đã phát triển với gần 2.000 con lợn sinh sản, tạo thu nhập ổn định cho hội viên và kết nạp thêm 14 thành viên mới. Mô hình chăn nuôi bò 3B từ nguồn vay Quỹ hỗ trợ Nông dân Thành phố năm 2023, với số vốn 200 triệu đồng cho 5 hộ đầu tư mua bò giống, hiện nay số lượng bò đã tăng lên 16 con, phát triển tốt và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ gia đình tại bản Trung tâm, xã Chiềng Đen. Mô hình thâm canh, cải tạo giống mận hậu đạt tiêu chuẩn VietGAP tại bản Dầu, xã Chiềng Cọ, với quy mô 5 ha đang được thu hoạch ổn định năm thứ 3.
Ông Tòng Văn Vui, Chủ tịch Hội Nông dân Thành phố, cho biết: Việc triển khai các mô hình đã và đang góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế nông nghiệp của Thành phố, giúp nông dân chủ động, sáng tạo hơn trong sản xuất, đồng thời gắn kết chặt chẽ hơn với tổ chức Hội. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này, gắn với các sản phẩm chủ lực của địa phương để nâng cao hiệu quả sản xuất và kinh doanh của hội viên nông dân.

Tại huyện Sốp Cộp, toàn huyện có 8 cơ sở hội, 101 chi hội, với 8.776 hội viên nông dân tham gia sinh hoạt. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã mang lại hiệu quả tốt, phát huy hiệu quả vai trò của cán bộ, hội viên, nông dân trong quá trình tham gia tổ chức thực hiện, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Hội Nông dân huyện đã phát động phong trào thi đua “Cán bộ, hội viên nông dân tích cực tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp” và kêu gọi các cấp Hội, toàn thể cán bộ, hội viên nông dân trong toàn huyện tích cực hưởng ứng phong trào; 100% cán bộ, hội viên, nông dân được tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp; 100% cán bộ, hội viên nông dân tham gia phát triển kinh tế tập thể được bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kiến thức và kỹ năng về phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp.

Ông Lường Văn Độ, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Sốp Cộp, chia sẻ: Trong năm 2024, toàn huyện thành lập mới 3 tổ Hội Nông dân nghề nghiệp gồm 2 tổ tại xã Mường Và, 1 tổ tại xã Dồm Cang; 2 chi Hội Nông dân nghề nghiệp tại xã Mường Và, Púng Bánh; tiếp tục hỗ trợ vốn, giống cho 1 chi hội nghề nghiệp trên địa bàn huyện. Số hộ nông dân đăng ký đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp là 3.160 hộ, trong đó đã có 1.822 hộ được công nhận danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Trong xây dựng nông thôn mới, hội viên nông dân đã tự nguyện đóng góp trên 450 triệu đồng, đóng góp 3.604 ngày công, hiến 368m2 đất, phối hợp làm mới và sửa chữa 9,5 km đường giao thông nông thôn (đường nội đồng, liên bản), kiên cố hóa và sửa chữa 4km mương phai, làm mới và sửa chữa 18 chiếc cầu, cống bị ảnh hưởng của mưa bão.
“Dân vận khéo” để nông thôn đổi mới
Phong trào "Dân vận khéo" đã mang lại hiệu quả rõ rệt trong phát triển kinh tế - xã hội tại tỉnh Sơn La. Nhờ sự đồng lòng của các cấp Hội và sự hưởng ứng của hội viên, nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi đã được nhân rộng, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
Ông Vũ Đức Thuận, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cho biết thêm: Để phong trào tiếp tục phát triển theo hướng bền vững, Hội Nông dân các cấp sẽ không ngừng đổi mới nội dung và phương thức dân vận, phát huy hiệu quả các mô hình điển hình, tạo điều kiện để hội viên liên kết, hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh. Trong đó, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho hội viên về vai trò của phong trào trong phát triển kinh tế - xã hội là yếu tố then chốt. Đồng thời, đội ngũ cán bộ, hội viên nông dân cần phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu trong thực hiện các mô hình "Dân vận khéo".

Bên cạnh đó, phát triển kinh tế nông thôn theo hướng bền vững được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, trong đó ưu tiên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ cao. Hội cũng sẽ tiếp tục thúc đẩy mô hình kinh tế hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, đồng thời tăng cường hợp tác giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra ổn định, phát triển nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ gắn với bảo vệ môi trường. Cùng với đó, công tác đào tạo, hỗ trợ hội viên về kỹ thuật sản xuất, tiếp cận nguồn vốn, cùng với việc nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả, bảo vệ môi trường và xây dựng đời sống văn hóa sẽ tiếp tục được đẩy mạnh.
Phong trào "Dân vận khéo" của Hội Nông dân các cấp ở Sơn La đã và đang mang lại những hiệu quả thiết thực, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người nông dân. Với sự chung tay của cả hệ thống chính trị và tinh thần hăng hái, sáng tạo của hội viên, tin tưởng phong trào sẽ tiếp tục phát triển rộng khắp. Góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương, xây dựng nông thôn Sơn La ngày càng phát triển.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!