Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh “Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, những năm qua, công tác dân vận trên địa bàn huyện Mai Sơn có nhiều đổi mới theo hướng chủ động, thiết thực và hướng về cơ sở. Giai đoạn 2021-2025, huyện Mai Sơn đã xây dựng 114 mô hình, điển hình “Dân vận khéo”.
Mô hình trồng dâu tây của hội viên phụ nữ xã Cò Nòi (Mai Sơn) đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Cuối năm 2021, xã Mường Bằng được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đóng góp vào thành quả chung ấy, có vai trò quan trọng của công tác dân vận, tạo sự động thuận cao của nhân dân, huy động sức mạnh của nhân dân góp công, góp của hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới. Ông Lường Văn Dùi, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Với phương châm “đảng viên đi trước”, các nội dung triển khai xây dựng nông thôn mới được xã lồng ghép hiệu quả trong tuyên truyền, vận động; công khai xin ý kiến người dân đối với từng phần việc, công trình cụ thể, nên tạo được niềm tin và sự đồng tình ủng hộ cao của người dân. Nhân dân trong xã đóng góp trên 18 tỷ đồng, hiến hàng nghìn mét đất, đóng góp hàng nghìn ngày công lao động, vật liệu bê tông hóa đường ngõ bản, đường nội đồng và xây dựng các hạng mục công trình phục vụ đời sống và sản xuất.
Còn tại Hội Liên hiệp phụ nữ xã Cò Nòi, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã trở thành động lực thúc đẩy kinh tế phát triển; nhiều cách làm sáng tạo được đúc rút và tạo sự lan tỏa, giúp nhiều hội viên vươn lên thoát nghèo. Chị Tòng Thị Định, Chủ tịch Hội LHPN xã, cho biết: Hội LHPN xã đã khảo sát thực tế, thảo luận lấy ý kiến, sau đó xây dựng kế hoạch cho mỗi mô hình, chọn chi hội, cá nhân để thực hiện gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Vì vậy, các mô hình nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của hội viên phụ nữ cũng như người dân và đi vào hoạt động hiệu quả.
Tiêu biểu như mô hình phụ nữ tiết kiệm giúp nhau xóa đói, giảm nghèo được triển khai tại 32 chi hội phụ nữ bản, tiểu khu; đã tiết kiệm được 874 triệu đồng, giúp 168 chị em vay vốn đầu tư mua phân bón, cây con giống; hay mô hình “chuyển đổi cơ cấu cây trồng” của hội viên phụ nữ chi hội bản Huổi Dương, Xuân Quế, tiểu khu 32, các hội viên phụ nữ các bản đã chuyển đổi 30 ha cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây dâu tây, thu nhập bình quân từ 400-500 triệu đồng/ha.
Nét nổi bật trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” là nhiều cấp ủy cơ sở đã chỉ đạo đăng ký các mô hình bám sát các nội dung phong trào, đổi mới phương pháp vận động quần chúng, góp phần tích cực đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Năm 2021, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân, huyện Mai Sơn đã đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo trong phòng, chống dịch Covid-19”.
Nhiều mô hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả được nhân rộng trong toàn huyện, như: Chi bộ Trung tâm Y tế huyện với mô hình “Vận động nhân dân thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19”; Chi bộ Trạm Y tế Chiềng Nơi với mô hình “Vận động nhân dân thực hiện tốt chương trình y tế dự phòng, đặc biệt trong công tác phòng ngừa dịch bệnh Covid-19”; Trường THPT Chu Văn Thịnh với mô hình “Tình nguyện dạy bù đắp kiến thức cho học sinh”; Trường THPT Mai Sơn với mô hình “Nâng cao ý thức trách nhiệm và các biện pháp phòng chống dịch Covid-19”...
Thực hiện phong trào thi đua gắn với vận dụng sáng tạo mô hình “Dân vận khéo” phù hợp thực tế địa phương đã góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương, cơ sở; tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc; xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể vững mạnh, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!