Những chuyển biến từ thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở

Trong những năm qua, việc xây dựng và tổ chức thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở trên địa bàn tỉnh đã được các cấp ủy đảng tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện đồng bộ, nghiêm túc, sáng tạo. Qua đó, nhân dân được bàn và quyết định những công việc quan trọng, thiết thực, gắn liền với lợi ích của mình, xây dựng và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của tỉnh.

Một buổi đối thoại giữa lãnh đạo huyện Sốp Cộp với nhân dân bản Ten Lán, xã Sam Kha về công tác bảo vệ rừng.

Ảnh: TS

Trong quá trình thực hiện, Ban Thường vụ tỉnh uỷ đã chỉ đạo thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC từ tỉnh đến cơ sở, do đồng chí Phó Bí thư Thường trực cấp uỷ làm Trưởng ban, tham mưu giúp cấp uỷ tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả QCDC ở cơ sở. Đồng thời, đẩy mạnh lãnh đạo thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị khóa VIII về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở; Kết luận số 120-KL/TW ngày 7/1/2016 của Bộ Chính trị khóa XI về “Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở”; quán triệt cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện QCDC ở cơ sở. Tập trung giải quyết các vụ việc, vụ án tồn đọng, dư luận xã hội quan tâm; củng cố các tổ chức đảng; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội. Quan tâm sửa đổi, bổ sung các quy chế, quy định, quy trình công tác theo hướng mở rộng dân chủ, công khai minh bạch; tăng cường đối thoại với nhân dân, lắng nghe nhân dân, giải quyết kịp thời những ý kiến, kiến nghị chính đáng của nhân dân... Từ việc đẩy mạnh thực hiện QCDC đã góp phần thúc đẩy thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng đã đề ra. Trong đó, kinh tế tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Toàn tỉnh hiện có trên 70.120 ha cây ăn quả và cây sơn tra; duy trì 68 chuỗi cung ứng, tiêu thụ nông sản, thủy sản an toàn. Đến nay, đã có 27 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 187/204 xã có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa; 94,5% số hộ được sử dụng điện sinh hoạt; 54,3% số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh...

Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước thực hiện nghiêm việc niêm yết công khai các thủ tục hành chính và lịch tiếp dân, bố trí cán bộ tiếp dân và quan tâm giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2008 tại các cơ quan hành chính nhà nước. Các doanh nghiệp công khai cho người lao động được biết những việc người lao động được tham gia ý kiến, được quyết định và giám sát, kiểm tra... Hằng năm, tổ chức hội nghị công chức, viên chức, hội người lao động, đại hội đồng cổ đông, đại hội thành viên thường niên đúng quy định; đảm bảo chế độ, chính sách đối với người lao động. Công tác cải cách hành chính cấp xã ngày càng được cải thiện và từng bước đi vào nền nếp, phục vụ tốt nhân dân. Hiện 204/204 xã, phường, thị trấn thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”; chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) ngày càng được nâng cao (năm 2018, tỉnh ta xếp thứ nhất trong 63 tỉnh, thành phố).

Trong thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền địa phương trong tỉnh tiếp tục gắn thực hiện QCDC với nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị và việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị và các văn bản quy định của Trung ương về thực hiện QCDC. Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc thực hiện QCDC ở cơ sở. Phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, chủ chốt các cấp trong việc trực tiếp chỉ đạo xây dựng và thực hiện QCDC. Tăng cường công tác giám sát và phản biện xã hội, tạo sức mạnh đoàn kết trong cộng đồng dân cư, tích cực tham gia giám sát đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ở cơ sở, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm, phẩm chất và năng lực của cán bộ, công chức để thực hiện các quy chế, quy định, quy trình công khai, dân chủ ở cơ sở. Tập trung chỉ đạo, nâng cao chất lượng thực hiện QCDC và ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân, xây dựng xã hội đồng thuận, đoàn kết... Qua đó, tăng thêm niềm tin của nhân dân đối với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh.

Mai Thị Loan (Ban Dân vận tỉnh ủy)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới