Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng lưu ý Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh phối hợp cùng cấp ủy cấp huyện, xem xét bố trí công việc phù hợp, giải quyết chế độ, chính sách đối với những đồng chí trong diện dôi dư do việc sáp nhập...
Hội nghị được tổ chức trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. (Ảnh:TH) |
Sáng ngày 20/2 tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến góp ý dự thảo Hướng dẫn việc kiện toàn Mặt trận cấp huyện, xã sau khi sắp xếp, sát nhập các đơn vị hành chính giai đoạn 2019-2021.
Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Việc sắp xếp phải thực hiện đồng bộ với đơn vị hành chính cùng cấp
Tại hội nghị, đồng chí Vương Văn Nam, Trưởng ban Tổ chức - Cán bộ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã hướng dẫn các nội dung về việc kiện toàn Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện, cấp xã sau khi sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính giai đoạn 2019-2021. Theo hướng dẫn, việc sắp xếp, thành lập Ủy ban MTTQ cấp huyện, cấp xã mới phải được thực hiện đồng bộ với việc sắp xếp, sáp nhập của đơn vị hành chính cùng cấp. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ cấp trên trực tiếp hiệp ý, thống nhất với cấp ủy Đảng ở cấp thành lập Ủy ban MTTQ mới (trên cơ sở sáp nhập của các đơn vị cùng cấp) để quyết định thành lập Ủy ban MTTQ Việt Nam lâm thời. Lập và chỉ định danh sách Ủy viên Ủy ban và Ban Thường trực của Ủy ban MTTQ, đồng thời quyết định giải thể Ủy ban MTTQ Việt Nam các huyện, xã thuộc diện phải sáp nhật đơn vị hành chính.
Nhân sự, số lượng Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện, xã mới sau khi thành lập không vượt quá số lượng theo quy định tại Thông tri 28 TT-MTTW- BTT, với số lượng gồm các vị Ủy viên Ủy ban MTTQ của các đơn vị hành chính trước khi sáp nhập. Đối với các đơn vị đặc thù do các xã sáp nhập có nhiều thôn; huyện sáp nhập có nhiều đơn vị cấp xã thì được phép tăng thêm số lượng Ủy viên Ủy ban nhưng không vượt quá 30% so với quy định của Thông tri 28.
Theo hướng dẫn, sau khi sáp nhập, các tổ chức thành viên ở những đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã mới thì các tổ chức thành viên mới đó sẽ là thành viên của MTTQ Việt Nam và hiệp thương người đứng đầu của tổ chức thành viên đó tham gia Uỷ ban MTTQ cùng cấp. Còn đối với những tổ chức thành viên mà không sáp nhập sau khi sáp nhập đơn vị hành chính thì đương nhiên là thành viên của MTTQ Việt Nam cùng cấp.
Đối với cấp huyện được thực hiện theo Thông tri số 28/TT-MTTW-BTT và Quy định 212-QĐ/TW gồm Chủ tịch, từ 1 đến 2 Phó Chủ tịch và Ủy viên Thường trực. Cấp xã thực hiện theo Thông tri 28 gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và Ủy viên Thường trực. Số lượng, nhân sự cụ thể do Ban Thường vụ cấp tỉnh chỉ đạo cấp ủy địa phương phân công, sắp xếp, quyết định.
Đối với việc tổ chức Đại hội MTTQ cấp huyện, cấp xã ở các đơn vị hành chính mới, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ cấp trên trực tiếp thống nhất với cấp ủy Đảng của đơn vị hành chính mới chỉ đạo tổ chức Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam để hiệp thương cử Ủy ban và các chức danh trong Ban Thường trực Ủy ban MTTQ khóa mới theo hướng dẫn của Thông tri 28.
Xem xét bố trí công việc phù hợp, giải quyết chế độ, chính sách thỏa đáng
Tại Hội nghị, đại diện Ủy ban MTTQ các tỉnh, thành phố đã cùng thảo luận, chia sẻ những thuận lợi, khó khăn vướng mắc của địa phương từ đó có những kiến nghị cụ thể với Trung ương để thực hiện hiệu quả việc kiện toàn Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện, cấp xã sau khi sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính giai đoạn 2019-2021.
Chưa đồng tình với hướng dẫn “huyện sáp nhập có nhiều đơn vị cấp xã thì được phép tăng thêm số lượng Ủy viên Ủy ban nhưng không vượt quá 30% so với quy định của Thông tri 28”, Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam Nguyễn Phi Hùng cho rằng: Hướng dẫn này cần xem lại, không nhất thiết tăng cùng 1 lúc lên đến 30% tổng số ủy viên ủy ban. Bởi vì cấp xã hiện nay là 55 người. So với nhiệm kỳ trước đã tăng lên 10 người. “Tôi nghĩ không nhất thiết tăng lên 30% tổng số này mà chỉ giữ nguyên tỷ lệ 10% theo đúng quy định của điều lệ MTTQ Việt Nam là phù hợp. Nếu quy định hướng dẫn tăng lên 30% thì số lượng Ủy viên Ủy ban MTTQ cấp xã nhiều và nhiều khi chúng ta hoạt động không hiệu quả lắm” – ông Nguyễn Phi Hùng nói.
Tuy nhiên, là địa phương sáp nhập nhiều nhất cả nước với 1 đơn vị cấp huyện và 59 đơn vị hành chính cấp xã, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hòa Bình Nguyễn Thị Oanh đề nghị, số lượng tùy theo điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng địa phương đơn vị, không nên quy định cứng. Vì đối với Ủy viên, thành viên ủy ban các thôn xóm vẫn giữ nguyên, nếu có thay đổi cộng dồn theo số học thì chỉ giảm những tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, người đứng đầu các tổ chức thành viên là không còn 2-3 xã thì nhập lại 1 thì còn. Thực tế ở Hòa Bình có những xã nhập 4 xã. “Nếu chúng ta tăng 30% thì người uy tín vẫn ở xóm đó, trưởng đại diện ban dân cư không thay đổi. Quy định như vậy chưa phù hợp. Mặt trận với ý nghĩa đoàn kết tập hợp, mà nhập vào rồi, người đang đại diện khu dân cư khu vực không được tham gia vì số lượng quá thì tôi thấy chưa phù hợp”, bà Nguyễn Thị Oanh nói.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến góp ý về sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí cán bộ, công chức, viên chức; có chế độ chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động…. Cụ thể, đề cập đến vấn đề phụ cấp, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Phú Thọ Nguyễn Văn Ngọc chia sẻ, hiện Phú Thọ đã tiến hành sát nhập từ 277 xuống 225 xã, phường, thị trấn và 80 xã đã tiến hành thành lập Ủy ban MTTQ lâm thời. Tuy nhiên hiện nay, đối với các khu dân cư sát nhập, để chọn người đứng đầu và trưởng ban công tác Mặt trận ở khu dân cư nhiều nơi còn gặp khó khăn, việc sát nhập vào địa bàn rộng hơn, số lượng quản lý rộng hơn, nhiệm vụ tăng lên nhưng phụ cấp chức vụ chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Là địa phương có số lượng xã lớn nhất sau sáp nhập, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Lê Thị Huyền cho biết, để sáp nhập thành công, tỉnh đã chủ động hướng dẫn các đơn vị một cách chi tiết, cụ thể nên không gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện. Đáng chú ý, sau sáp nhập, Thanh Hóa giảm nhân sự đông nhưng do làm tốt chế độ chính sách đối với cán bộ nên không có xảy ra những vấn đề phức tạp. Cụ thể, ngoài chế độ chung của Trung ương thì Thanh Hóa có chế độ chính sách riêng hợp lý đối với cán bộ…
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng phát biểu kết luận Hội nghị. (Ảnh:TH) |
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu, các ý kiến sẽ được tiếp thu để đưa vào hướng dẫn. Đồng thời đề nghị Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các tỉnh, thành phố căn cứ hướng dẫn của Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, văn bản của cấp ủy cùng cấp và các văn bản liên quan đến việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và các quy định về công tác cán bộ của địa phương để xây dựng hướng dẫn chi tiết việc thành lập Ủy ban MTTQ Việt Nam của đơn vị hành chính mới. Đồng thời hướng dẫn thực hiện quy trình lựa chọn, đánh giá giới thiệu nhân sự để hiệp thương cử giữ các chức danh trong Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam của đơn vị hành chính mới.
Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cũng lưu ý Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh phối hợp cùng cấp ủy cấp huyện, xem xét bố trí công việc phù hợp, giải quyết chế độ, chính sách đối với những đồng chí trong diện dôi dư do việc sáp nhập và những đồng chí có nguyện vọng nghỉ chế độ trước tuổi theo quy định của Chính phủ, Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh và các quy định hiện hành. Chỉ đạo Ban Thường trực Ủy ban MTTQ cấp huyện, cấp xã thuộc đối tượng sáp nhập tiến hành các thủ tục thành lập Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện, cấp xã mới sau khi sáp nhập…/.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!