Khẳng định vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng ở cơ sở

Khẳng định rõ vai trò lãnh đạo toàn diện, phát huy cao độ nội lực, củng cố khối đoàn kết nhân dân các dân tộc, tranh thủ tối đa các nguồn hỗ trợ, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân..., Đảng bộ xã Mường Do đã lãnh đạo nhân dân trong xã xây dựng vùng đất quê hương ngày càng ấm no, trù phú.

 

 

Nông dân bản Kiểng thu hoạch chè cổ thụ.

                 

Ngược thời gian hơn 1 thập niên về trước, Mường Do là một trong 6 xã vùng Mường của huyện Phù Yên luôn “nóng” tình trạng phá rừng, khai thác, vận chuyển và buôn bán lâm sản trái pháp luật; cũng chính bởi thế mà đời sống người dân hết sức bấp bênh, luôn đối mặt với nhiều khó khăn trên các lĩnh vực. Nhưng bây giờ, Mường Do đã đổi thay. Trên con đường vào xã, bắt đầu từ khu vực giáp ranh với xã Tân Lang, đã thấy màu xanh của những cánh rừng tái sinh, rừng trồng được khoanh nuôi, bảo vệ tốt, hiện hữu mọi nơi; xen vào đó là những ngôi nhà kiên cố vừa xây mới; nhiều đại lý, hàng quán với đủ loại mặt hàng thiết yếu, đáp ứng nhu cầu phục vụ đời sống và sản xuất của bà con; các công trình cơ sở hạ tầng của xã được đầu tư xây dựng đồng bộ... Chia sẻ với chúng tôi, đồng chí Phan Quý Dương, Bí thư Đảng ủy phấn khởi: Mường Do được như ngày hôm nay là nhờ sự quan tâm của tỉnh, huyện trên các lĩnh vực. Từ sự hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn của cấp trên trong nhiều năm đã thúc đẩy kinh tế - xã hội của xã phát triển nhanh. Thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế theo hướng bền vững, Đảng bộ xã xây dựng Nghị quyết phát triển kinh tế, đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phù hợp điều kiện thực tế địa phương; chỉ đạo UBND xã, các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa những loại cây trồng, vật nuôi giống mới năng suất cao vào sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi; mở rộng các loại hình dịch vụ; tạo điều kiện để người dân được tiếp cận với các nguồn vốn phát triển kinh tế... Mừng nhất là nhân dân đồng thuận, tin tưởng, cùng Đảng bộ, chính quyền hoàn thành tốt các chỉ tiêu đề ra.  

                 

Chuyển biến tích cực nhất của người dân ở đây là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Mấy năm gần đây, cụ thể hóa chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc của tỉnh, cơ cấu cây trồng trên địa bàn xã đã có những thay đổi, tổng diện tích cây lương thực có hạt 885 ha, sản lượng 3.438 tấn; đã trồng hơn 120 ha cây ăn quả (66 ha cây chanh leo được trồng theo hướng hữu cơ, mang về lợi nhuận từ 2,5 - 3 tỷ đồng/năm); tăng cường hợp tác, liên kết hình thành chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, để bảo tồn, gìn giữ 5 ha chè shan tuyết với khoảng 11.000 gốc chè cổ thụ, xã thành lập Tổ hợp tác sản xuất chè sạch, mang lại nguồn thu nhập rất đáng kể. Tổ chức bảo vệ tốt gần 6.500 ha rừng hiện có, 5 năm gần đây trồng mới 172 ha rừng kinh tế, nâng độ che phủ của rừng lên 71,4%. Chăn nuôi được quan tâm phát triển, đẩy mạnh đầu tư theo mô hình trang trại, ứng dụng khoa học kỹ thuật... tổng đàn gia súc hiện có hơn 4.000 con, đàn gia cầm trên 22 nghìn con. Mường Do cũng đặc biệt chú trọng thu hút các nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đến đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh (xã hiện có 2 HTX và hơn 50 hộ sản xuất, kinh doanh, là nguồn lực đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương). Được biết, tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm từ 44,9% năm 2016 xuống 20,6% năm 2019.

                 

Phát triển mạnh kinh tế luôn được gắn với duy trì và nâng cao dân trí, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân các dân tộc. Chất lượng giáo dục và đào tạo có nhiều tiến bộ, quy mô trường, lớp tiếp tục được củng cố và mở rộng, trang thiết bị được quan tâm đầu tư. Công tác xóa đói, giảm nghèo, chính sách an sinh xã hội được thực hiện hiệu quả, kịp thời, đúng chế độ, đúng đối tượng. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đặc biệt, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, Đảng ủy xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền, vận động nhân dân, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tham gia thực hiện xây dựng NTM theo phương châm “Nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ”; kết hợp các nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước với huy động nội lực trong nhân dân, huy động xã hội hóa để triển khai phù hợp với điều kiện của xã. Năm 2019, Mường Do đã đạt 10/19 tiêu chí nông thôn mới, phấn đấu hết năm 2020 đạt 12/19 tiêu chí.

                 

Dẫu còn không ít khó khăn, nhưng những gì Mường Do đạt được hôm nay thể hiện rõ sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền và nhân dân đã và đang phát huy truyền thống đoàn kết, nỗ lực xây dựng Mường Do phát triển nhanh, bền vững.

 

Việt Anh
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới