Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, huyện Mộc Châu đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực góp phần phát triển văn hóa, xây dựng hình ảnh con người Mộc Châu văn minh, lịch sự, thân thiện, mến khách.
Trao đổi về vấn đề này, bà Phạm Thị Nhung, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mộc Châu, cho biết: Huyện ủy Mộc Châu tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức về xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện gắn với phong trào “Xây dựng nét đẹp văn hóa, con người Mộc Châu”. Đẩy mạnh công tác xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư gắn với thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xây dựng thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; đẩy lùi các hủ tục lạc hậu và các tệ nạn xã hội, ngăn chặn và đẩy lùi sự xuống cấp về đạo đức xã hội...
Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, huyện Mộc Châu thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, như: Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ năm học; chủ động đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xét, chọn cử cán bộ, giáo viên tham gia đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và học tập lý luận chính trị, đảm bảo nâng cao chất lượng đội ngũ. Trong 5 năm qua, có 68 cán bộ quản lý, giáo viên tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý giáo dục, 113 cán bộ quản lý, giáo viên được bồi dưỡng về trình độ lý luận chính trị; 913 lượt người được bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ...
Hằng năm huyện tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp, hội thi học sinh giỏi. Tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực cho hơn 1.100 giáo viên cấp tiểu học và THCS nhằm xây dựng căn cứ đánh giá chính xác, khách quan đội ngũ cán bộ, giáo viên; nâng cao trách nhiệm tự học tập và bồi dưỡng thường xuyên của đội ngũ giáo viên. Bên cạnh đó, huyện cũng dành nguồn ngân sách đầu tư cơ sở vật chất phục vụ việc dạy - học; xóa bỏ hoàn toàn phòng học tạm, mượn; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác dạy và học của cán bộ, giáo viên và học sinh.
Cùng với đó, Mộc Châu đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ gắn với giáo dục truyền thống tại các điểm di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn. Chú trọng vào đối tượng đoàn viên, thanh niên, thiếu nhi các đơn vị trường học; học viên các lớp tập huấn tại Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện. Đã có 251 đoàn với gần 15 nghìn lượt người đến tham quan tại các điểm di tích lịch sử - văn hóa, các công trình có ý nghĩa lịch sử, giá trị nhân văn, nghĩa trang liệt sĩ, đài tưởng niệm trên địa bàn huyện.
Triển khai phong trào “Xây dựng nét đẹp văn hóa, con người Mộc Châu”, UBND huyện đã xây dựng Bộ quy tắc ứng xử với những quy định về chuẩn mực ứng xử; ý thức tự giác tuân thủ các quy định của pháp luật, nội quy, quy tắc chung của cộng đồng. Hình thành thói quen, chuẩn mực, nét đẹp văn hóa con người Mộc Châu; hướng tới mỗi người dân Mộc Châu là một cộng tác viên, hướng dẫn viên, tuyên truyền viên du lịch thân thiện, mến khách.
Phong trào được cán bộ, nhân dân tích cực hưởng ứng đã tạo ấn tượng tốt đẹp với du khách về con người Mộc Châu thân thiện, mến khách; lượng khách đến Mộc Châu ngày càng tăng. Từ đầu năm đến nay, Mộc Châu đón trên 1.158.000 lượt khách du lịch, riêng kỳ nghỉ lễ năm nay, bình quân mỗi ngày đón trên 10.000 lượt khách du lịch. Đến Mộc Châu trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, chị Hoàng Phương Linh, du khách đến từ thành phố Hải Phòng, chia sẻ: Đến Mộc Châu có nhiều phong cảnh đẹp, nhiều nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc. Đặc biệt, tôi rất ấn tượng về con người Mộc Châu rất thân thiện, mến khách, chắc chắn tôi sẽ quay trở lại vùng đất này.
Nâng cao thể lực, giáo dục thể chất, tầm vóc con người Việt Nam, Mộc Châu thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, đến nay trên địa bàn huyện Mộc Châu, tỷ lệ người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên đạt 23,5%; tỷ lệ gia đình tập luyện TDTT đạt 17,5%; duy trì hoạt động của 59 CLB thể dục thể thao trên địa bàn huyện. Việc xây dựng hương ước, quy ước với những nội dung mới theo hướng văn minh, tiến bộ đã có tác động tích cực đến việc gìn giữ và phát triển nền văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán, tốt đẹp tại cộng đồng dân cư; xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế và giữ gìn bản sắc dân tộc. Năm 2023, toàn huyện có 83% số hộ; 78,3% số bản, tiểu khu đạt danh hiệu văn hóa.
Với phương châm “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”, hằng năm, huyện đều tổ chức Hội nghị vinh danh các gương điển hình trong các lĩnh vực. Qua 10 năm đã vinh danh được 132 lượt tập thể, 654 lượt cá nhân có nhiều thành tích tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước, đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của huyện; biểu dương 86 doanh nghiệp, hợp tác xã tiêu biểu, trên 1.000 hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tiêu biểu trong lĩnh vực nông nghiệp, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng, góp phần không nhỏ giáo dục đạo đức, lối sống qua phương pháp nêu gương.
Có thể thấy, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW tại huyện Mộc Châu có sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức cũng như hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân; nhiều nét mới, tích cực trong giá trị văn hóa và chuẩn mực đạo đức từng bước hình thành, đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao, văn hóa truyền thống tốt đẹp được giữ gìn, tạo ấn tượng tốt đẹp đối với du khách khi đến thăm Mộc Châu - điểm đến thiên nhiên khu vực hàng đầu thế giới.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!