Đổi mới phương pháp lãnh đạo, thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn

Những năm qua, Chi bộ Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tiếp tục đổi mới, phát huy vai trò hạt nhân chính trị của chi bộ, cán bộ, đảng viên trong công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển chăn nuôi, thú ý và thủy sản hiệu quả, bền vững.

Chi bộ đã lựa chọn 3 nội dung có tính chất đột phá để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong năm 2022; trong đó, thực hiện tốt công tác phát triển chăn nuôi, thú y và thủy sản là trọng tâm, xuyên suốt. Ông Nguyễn Ngọc Toàn, Bí thư chi bộ, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y và thủy sản tỉnh, cho biết: Thực hiện các nội dung đột phá, Chi bộ đã lãnh đạo Chi cục đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT; UBND tỉnh xây dựng và triển khai thực hiện các đề án phát triển chăn nuôi, thủy sản bền vững trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Phối hợp, hỗ trợ triển khai Dự án “Can thiệp dựa vào chăn nuôi hướng tới sinh kế bình đẳng và bền vững ở vùng cao Tây Bắc Việt Nam”; Dự án “Chuyển đổi nông nghiệp sinh thái và hệ thống thực phẩm an toàn ở Việt Nam”. Đồng thời, phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản.

             

Thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản trên lòng hồ thủy điện Sơn La.

             

Trong công tác phòng, chống dịch bệnh, Chi cục đã phối hợp với các huyện, thành phố chỉ đạo các trung tâm dịch vụ nông nghiệp, các xã tập huấn tuyên truyền, phổ biến kiến thức và phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi cho người dân; thực hiện các biện pháp cấp bách khoanh vùng, điều tra dịch tễ, kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển động vật hạn chế lây lan rộng, thiệt hại cho hộ chăn nuôi. Nhanh chóng đưa ra những giải pháp hữu hiệu, mang tính lâu dài, tham mưu, hướng dẫn các huyện, thành phố chủ động triển khai tiêm phòng cho vật nuôi. Nhờ đó, đàn vật nuôi trong tỉnh được bảo vệ tốt và ngày càng phát triển với tổng đàn trâu hơn 123.000 con, đàn bò gần 340.000 con, gần 30.000 con bò sữa, trên 640.000 con lợn và trên 7,3 triệu con gia cầm.

             

Cùng với đó, Chi cục còn hỗ trợ một số doanh nghiệp, HTX liên kết sản xuất chăn nuôi theo chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp, HTX với hộ dân, gồm 6 chuỗi lợn, 2 chuỗi gia cầm gia công cho Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam; duy trì và phát triển 37 chuỗi cung ứng thịt, thủy sản mật ong an toàn cung cấp cho người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, như: 4 chuỗi thịt lợn an toàn, sản lượng thịt cung cấp ra thị trường hơn 4.600 tấn/năm; 1 chuỗi thịt gà an toàn, số lượng 6.000 con, sản lượng 9 tấn/năm... bước đầu hình thành các vùng chuyên canh nông sản thực phẩm an toàn cung cấp cho người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

             

Khai thác tiềm năng, lợi thế trên 20.000 ha mặt nước lòng hồ thủy điện Hòa Bình và Sơn La, cùng hệ thống sông, suối, ao, hồ, Chi cục đã tham mưu cho tỉnh ban hành đề án phát triển thủy sản bền vững trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Hiện toàn tỉnh có gần 2.800 ha nuôi thủy sản, gần 9.500 lồng cá; sản lượng ước đạt 8.550 tấn. Để bảo vệ và phát huy nguồn lợi thủy sản, trong năm 2021, toàn tỉnh đã thả gần 200.000 con cá giống các loại vào hồ thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Sông Mã và các lưu vực tự nhiên. Tổ chức nhiều lớp tập huấn cho người dân về kỹ thuật nuôi thủy sản và tuyên truyền Luật Thủy sản, các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản...

             

Bám sát các chỉ thị, nghị quyết và nhiệm vụ chính trị của ngành, Chi bộ Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tiếp tục đổi mới phương pháp lãnh đạo; đề cao trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu và mỗi cán bộ đảng viên để nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ. Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên. Lãnh đạo công tác đào tạo hoàn thiện mạng lưới thú y ở cơ sở, đảm bảo mỗi xã có một nhân viên thú y. Tập trung giúp Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về lĩnh vực chăn nuôi, thú y, về nuôi trồng thủy sản, góp phần thúc đẩy chăn nuôi, thủy sản ngày càng phát triển bền vững, từng bước trở thành lĩnh vực thế mạnh trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp của tỉnh.

Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới