Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã xác định phát triển nguồn nhân lực là một trong 3 khâu đột phá của nhiệm kỳ 2020-2025. Bổ sung các giải pháp, cân đối nguồn lực đảm bảo đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu, vị trí việc làm là một trong những nhiệm vụ được tỉnh ta quan tâm trong tình hình mới.
Thực hiện Đề án số 03-ĐA/TU ngày 30/12/2021 về xây dựng, tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2030, các cơ quan chức năng, các địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển nguồn nhân lực; chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực, tạo môi trường làm việc tốt để nhân tài phát huy năng lực, yên tâm công tác lâu dài.
Cùng với đó là Nghị quyết số 122/2019/NQ-HĐND ngày 6/12/2019 của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích bác sĩ, dược sĩ về công tác tại tỉnh, giai đoạn 2020 - 2025; chính sách khuyến khích học tập, hỗ trợ ban đầu cho học sinh, sinh viên, tạo môi trường làm việc năng động, sáng tạo; tạo điều kiện cho người tài, có cơ hội thăng tiến trong con đường nghề nghiệp.
Đặc biệt là Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 21/1/2021 và Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Cùng với tập trung các nguồn lực đầu tư cho giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, việc sắp xếp, tổ chức hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở và linh hoạt, đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động; phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao là nội dung quan trọng được tập trung triển khai.
Nâng cao công tác đào tạo nghề, các địa phương phối hợp với các trường đại học, cao đẳng, các nhà tuyển dụng nâng cao năng lực, đổi mới nội dung hướng nghiệp gắn với yêu cầu của thị trường lao động. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chủ động phối hợp với doanh nghiệp xây dựng chương trình đào tạo theo hướng hình thành các kỹ năng cần thiết cho lực lượng lao động trong tương lai. Phát triển đa dạng các hình thức đào tạo nghề phù hợp với điều kiện tự nhiên, tập quán dân cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Việc đào tạo nghề đã tạo ra những bước đột phá trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh, đặc biệt là lao động nông thôn đã tiếp cận được với kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, có định hướng phát triển nghề nghiệp, sản xuất theo hướng bền vững.
Huyện Bắc Yên có khoảng 41.000 người ở độ tuổi lao động. Những năm qua, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện đã kết nối với các trường đại học, cao đẳng, trung tâm dạy nghề và các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho thanh niên và người lao động tiếp cận, lựa chọn, tìm kiếm việc làm phù hợp. Từ năm 2023 đến nay, huyện phối hợp tổ chức 45 hội nghị tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu việc làm cho gần 1.000 lao động tại các xã, thị trấn; tổ chức 14 lớp đào tạo nghề thường xuyên dưới 3 tháng cho gần 300 lao động, là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; giúp hơn 3.000 lượt người tiếp cận các thông tin tuyển dụng lao động, học nghề.
Năm 2023, toàn tỉnh đào tạo được 19.965 lao động thuộc các cấp trình độ, trong đó, cấp đại học 932 người, cao đẳng 610 người, trung cấp 3.021 người, sơ cấp và đào tạo thường xuyên 4.938 lao động. Chuyển giao khoa học kỹ thuật công nghệ cho 2.895 người; có 7.569 lao động được đào tạo tại khu công nghiệp. Lũy kế từ năm 2020 đến nay, tỉnh tuyển sinh và đào tạo được hơn 59.970 lao động thuộc các cấp trình độ; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60,87%
Toàn tỉnh đã tập trung triển khai các hoạt động thông tin, truyền thông về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; tổ chức thành công ngày hội khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tỉnh Sơn La lần thứ nhất và tập huấn “Kiến thức về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo”; thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo kinh doanh trên địa bàn tỉnh, nhất là tinh thần khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên và thanh niên, góp phần phát triển nhân lực trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Đến nay, nguồn nhân lực khoa học công nghệ thuộc các tổ chức khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh có 1.378 người; trong đó, tiến sĩ 131 người; thạc sĩ 530 người; đại học 358 người; cao đẳng 58 người; trình độ khác 298 người.
Việc đáp ứng trình độ lao động, là điều kiện thuận lợi để cho các đơn vị, doanh nghiệp cải cách chế độ tiền lương theo yêu cầu phát triển kinh tế thị trường, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người lao động và người sử dụng lao động. Chính sách BHXH cho người lao động được mở rộng, đến nay, toàn tỉnh có 3.361 đơn vị tham gia BHXH bắt buộc; có 1.279.609 người tham gia BHXH, BHYT, BHTN.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh đến hết năm 2023 ước đạt 61%, tỷ lệ lao động được cấp văn bằng chứng chỉ đạt trên 26%. Việc thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề, góp phần trang bị kiến thức, nâng cao năng lực, trình độ khoa học kỹ thuật để người lao động, áp dụng vào sản xuất đạt hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống; cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, chuyển dịch cơ cấu lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!