Cuộc sống mới trên quê hương cách mạng Long Hẹ

Những ngày tháng 12, trong không khí Kỷ niệm 82 năm Ngày truyền thống Đảng bộ tỉnh Sơn La, chúng tôi về xã Long Hẹ (Thuận Châu), vùng đất giàu truyền thống cách mạng gắn liền với Khu căn cứ du kích Long Hẹ tiêu biểu của tỉnh, có nhiều chiến công, đóng góp cho công cuộc kháng chiến giành độc lập tự do của dân tộc.

 

Người dân xã Long Hẹ chăm sóc cây sơn tra.

 

Lật từng trang cuốn lịch sử Đảng bộ xã, đồng chí Sùng Chờ Nó, Bí thư Đảng ủy xã Long Hẹ, tự hào nói với chúng tôi: Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân Long Hẹ đã anh dũng đấu tranh chống giặc ngoại xâm, tiêu biểu là Đội du kích Long Hẹ. Đội du kích được thành lập năm 1949 gồm 30 người do ông Thào Khua Chỉnh và Thào Ngọc Lương phụ trách dưới sự chỉ đạo của Ban xung phong Trung Dũng. Đội đã tổ chức chống lại sự đàn áp của thực dân Pháp và tăng cường giúp đỡ nhân dân chống đi phu, đi lính, nộp sưu, nộp thuế. Ngoài ra, Đội đã tổ chức được nhiều trận chiến đấu, tiêu biểu là cuộc phục kích tại giếng nước đã tiêu diệt hai tên lính Pháp, làm cho bọn Pháp hoảng sợ. Đội du kích ngày càng trưởng thành, hăng hái luyện tập quân sự, kiên quyết chống lại địch và bọn tay sai để bảo vệ quê hương, giữ vững căn cứ kháng chiến, cùng với nhân dân các dân tộc Tây Bắc và nhân dân cả nước dồn sức người, sức của, góp phần vào chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng.

Thăm Khu căn cứ du kích Long Hẹ cách trung tâm xã khoảng 18km, giờ đây, tuyến đường đến Khu căn cứ được rải nhựa tạo thuận lợi cho người dân thông thương và đón du khách về thăm. Dấu tích còn lại của khu căn cứ là những bức tường xây bằng đá, máng bằng đá, hang trú ẩn của đội du kích và chiếc cối đá. Đồng chí Sùng Chờ Nó bảo: Chiếc cối đá trước đây đội du kích đã sử dụng giã lá rừng, diêm sinh và phân dơi để làm thuốc súng, giã lá độc thả xuống giếng để bọn lính đau bụng mà rút quân. Ghi nhận những đóng góp của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Long Hẹ trong công cuộc đấu tranh, giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, ngày 20/12/1998, Đảng và Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Di tích lịch sử khu căn cứ du kích Long Hẹ được UBND tỉnh công nhận xếp hạng ngày 24/3/2008.

Phát huy truyền thống quê hương Anh hùng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Long Hẹ luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện. Đảng ủy xã không ngừng nâng cao công tác xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị.

Đảng bộ xã có 18 chi bộ trực thuộc với 225 đảng viên. Trong phát triển kinh tế, Đảng bộ xã lãnh đạo chỉ đạo nhân dân tăng diện tích sơn tra, cây ăn quả và đẩy mạnh chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa... Hiện, bà con đã thâm canh 694 ha lúa nương, lúa hai vụ; 418 ha ngô, 326 ha sắn; trồng 16 ha nhãn, 15 ha xoài, 539 ha sơn tra. Tổng đàn trâu, bò toàn xã có 1.758 con; gần 1.500 con lợn, 730 con dê và hơn 18.300 con gia cầm, 39,5 ha ao cá; chăm sóc, bảo vệ tốt 6.278 ha rừng, tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 45%.

Bên cạnh đó, Long Hẹ còn khuyến khích nhân dân đầu tư, mở cửa hàng kinh doanh thương mại, bán hàng hóa, dịch vụ. Dù quy mô còn nhỏ, nhưng bước đầu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Chương trình xây dựng nông thôn mới ở đây được đẩy mạnh, đến nay xã đạt 10/19 tiêu chí nông thôn mới; 90,16% hộ dân đều được sử dụng điện lưới quốc gia; 95% hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh. Duy trì kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ dưới 5 tuổi. Trạm Y tế xã đạt chuẩn quốc gia, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân...

Năm nay 62 tuổi, gắn bó cả đời với vùng cao Long Hẹ, ông Vàng Dúa Di, Bí thư chi bộ bản Chà Mạy, kể: Trước đây, người dân trong bản sống di cư tự do, tảo hôn, trồng cây thuốc phiện; tồn tại nhiều hủ tục, như thách cưới 10-20 đồng bạc trắng hay người chết để trong nhà 4, 5 ngày, mỗi ngày mổ 1 con bò hoặc trâu để làm ma, rất tốn kém. Thực hiện cam kết “5 có, 5 không”, tôi nghĩ, mình phải tiên phong làm trước, thì mới tuyên truyền, vận động bà con làm theo được.

Thấy ông Di thực hiện việc cưới, việc tang trong gia đình vừa tiết kiệm, đảm bảo sức khỏe và bảo vệ môi trường, ngoài dòng họ Vàng của ông, còn có 3 dòng họ Thào, Sùng, Lầu trong bản đồng thuận làm theo. Người dân trong bản giờ không còn di cư tự do, yên tâm lao động sản xuất trên quê hương mình. Mừng nhất là tháng 4/2021, bản được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam lựa chọn triển khai thực hiện thí điểm thành lập Chi hội Nông dân nghề nghiệp, HTX dịch vụ nông nghiệp Chà Mạy, cách làm mới hiệu quả từ mô hình đang được bà con học tập và nhân rộng.

Với những kết quả đạt được là động lực để cán bộ, nhân dân trong xã tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, chung sức, đồng lòng thay đổi tư duy sản xuất theo hướng hàng hóa, đẩy nhanh thoát nghèo bền vững, đưa Long Hẹ phát triển.

Thủy Ngân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới