Yên Châu tạo việc làm cho lao động địa phương

Góp phần phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương, huyện Yên Châu đã triển khai nhiều giải pháp hiệu quả cung cấp thông tin, tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động phù hợp với năng lực, sở trường, giúp lao động có thu nhập ổn định.

Ngày hội tư vấn việc làm tại huyện Yên Châu.

Hằng năm, huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã, thị trấn rà soát lao động trong độ tuổi chưa có việc làm, nhu cầu học nghề và nguyện vọng của lao động. Tạo thuận lợi để lao động nông thôn tham gia các chương trình đào tạo phù hợp với sở trường, trình độ học vấn. Theo dõi, thống kê tình trạng việc làm của lao động do cơ sở đào tạo sau học nghề để có phương án giải quyết việc làm. Tăng cường liên kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, huy động các doanh nghiệp cùng tham gia dạy nghề; chú trọng dạy nghề theo hợp đồng đào tạo hoặc đặt hàng của doanh nghiệp. Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp tự đào tạo nghề cho người lao động và hợp tác sau đào tạo.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Yên Châu, thông tin: Hiện nay, trên địa bàn huyện có 48.500 người trong độ tuổi lao động. Qua khảo sát nhu cầu tuyển dụng lao động trên địa bàn của các doanh nghiệp là 1.000 người và khoảng 20.000 người tại các khu công nghiệp ở các tỉnh. Năm 2023, Phòng phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền, giới thiệu thông tin thị trường lao động trên địa bàn các xã, thị trấn. Phối hợp với Công ty TNHH may MEGALOCK TECH tại Bắc Ninh khảo sát thị trường lao động ở 14 xã trên địa bàn huyện, với trên 1.200 người tham gia.

Năm 2023, huyện Yên Châu đã phối hợp tổ chức ngày hội việc làm, tư vấn, giới thiệu việc làm, thu hút 20 doanh nghiệp, nhà tuyển dụng, cơ sở đào tạo trong và ngoài tỉnh và trên 1.000 người lao động, đoàn viên, thanh niên của 15 xã, thị trấn và học sinh cuối cấp THPT, THCS trong huyện tham gia. Các đơn vị, doanh nghiệp đã giới thiệu về nhu cầu tuyển dụng lao động, vị trí tuyển dụng, chế độ chính sách của doanh nghiệp... Đồng thời, định hướng ngành nghề phù hợp với năng lực, sở trường của người lao động; tư vấn, giới thiệu, hướng dẫn làm hồ sơ, thủ tục để xuất khẩu lao động sang các nước: Nhật Bản; Hàn Quốc, châu Âu... Trên cơ sở tư vấn, kết nối thị trường lao động, đến nay, huyện có 18 người đi xuất khẩu lao động; 2.764 lao động được tuyển dụng đi làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, góp phần giải quyết việc làm, ổn định thu nhập cho lao động.

Anh Vì Văn Thành, xã Lóng Phiêng, thông tin: Tôi học ngành công nghệ thông tin tại Trường đại học Giao thông Vận tải. Năm 2018, tốt nghiệp nhưng không tìm được việc làm. Đầu năm 2019, tôi tham gia hội nghị tư vấn của Trung tâm Dịch vụ việc làm tổ chức tại huyện, được giới thiệu và kết nối đi làm việc ngoài tỉnh. Sau khi hoàn thiện hồ sơ, tôi làm việc tại Công ty chế biến linh kiện điện tử trong Khu công nghiệp ở thành phố Hải Phòng, với mức thu nhập 10 triệu đồng/tháng.

Bên cạnh đó, huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các đơn vị liên kết đào tạo 10 lớp nấu ăn, tin học văn phòng, điện dân dụng, công tác xã hội, trồng trọt và bảo vệ thực vật cho hàng trăm lao động địa phương. 21 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, với 547 học viên theo các chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức 10 lớp tập huấn cho 238 lượt nhân dân về kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi tại các xã Sặp Vạt, Phiêng Khoài, Tú Nang, Chiềng Pằn.

Hiện nay, huyện Yên Châu tiếp tục tổ chức rà soát, đánh giá nguồn nhân lực trên địa bàn để xây dựng kế hoạch đào tạo, giải quyết việc làm cho lao động địa phương; phấn đấu năm 2024, kết nối việc làm thành công cho gần 2.000 lao động, trong đó trên 50% số người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo ở vùng khó khăn.

Bài, ảnh: Nguyễn Thư
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới