Trong 6 tháng đầu năm, huyện Yên Châu chịu ảnh hưởng của các đợt thiên tai, mưa đá, gió lốc, làm 29 nhà ở dân cư bị tốc mái; ngập úng, đỗ gẫy gần 100ha hoa màu, cây ăn quả; sạt lở một số tuyến đường liên xã, nội bản...; tổng giá trị thiệt hại do thiên tai gần 650 triệu đồng. Nâng cao năng lực ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”, huyện Yên Châu đang triển khai nhiều giải pháp chủ động phòng, chống thiên tai.
Ông Cao Xuân Dũng, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Châu, cho biết: Ngay từ đầu năm, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện đã thực hiện nghiêm chế độ trực, tổng hợp báo cáo thông tin định kỳ, đột xuất; tham gia các cuộc diễn tập, tập huấn về công tác PCTT&TKCN. Qua đánh giá thực tế, huyện xác định những khu vực trọng yếu dễ bị tác động bởi thiên tai để chủ động phương án phòng, chống. Trong đó, xác định mưa đá, gió lốc thường xảy ra ở các xã Phiêng Khoài, Chiềng On, Chiềng Tương; lũ quét dọc lưu vực suối Vạt, suối Sập ở xã Lóng Phiêng, Sặp Vạt, Tú Nang; sạt lở, đá lăn tại các xã Mường Lựm, Chiềng Hặc...
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện chỉ đạo các xã, cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang xây dựng phương án phòng, chống thiên tai, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư tại chỗ; lấy phương châm phòng là chính và có kế hoạch khắc phục thiệt hại, ổn định sản xuất và đời sống nhân dân sau thiên tai. Bên cạnh đó, huyện tăng cường kiểm tra hiện trạng các công trình thủy lợi, cầu cống, kịp thời phát hiện sự cố hư hỏng, để nâng cấp, sửa chữa. Quản lý, đầu tư, duy tu, đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo chất lượng xây dựng các dự án, công trình trọng điểm về phòng, chống lũ, bão, sạt lở. Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ các dự án phòng, chống thiên tai; rà soát, di chuyển dân ra khỏi các điểm có nguy cơ sạt lở cao; quản lý tốt các trang thiết bị phòng, chống thiên tai; vận động nhân dân chằng néo đảm bảo an toàn nhà cửa, lớp học, nhà văn hóa xã, bản, các công trình công cộng...
Ông Hà Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Hặc, thông tin: Sau các đợt mưa lớn, tại Trường THCS Chiềng Hặc xuất hiện nứt, lún, nguy cơ sạt lở cao. Vì vậy, xã đã báo cáo, đề xuất với huyện sớm có phương án xử lý, đầu tư xây dựng kè chống sạt lở. Đồng thời, phân công thành viên Ban chỉ huy PCTT&TKCN xã phối hợp với nhà trường thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết; tuyên truyền, cảnh báo nhân dân và học sinh nâng cao cảnh giác, không đến gần khu vực có nguy cơ sạt lở.
Hiện nay, Dự án kè chống sạt lở Trường THCS Chiềng Hặc đã được UBND huyện Yên Châu phê duyệt, với tổng mức đầu tư gần 1 tỷ đồng từ nguồn quỹ phòng chống thiên tai. Công trình có chiều dài gần 100m, đang được các đơn vị đẩy nhanh thi công, đảm bảo tiến độ hoàn thành trong năm học tới.
Còn tại xã Lóng Phiêng, bản Tô Quỳnh được sáp nhập từ bản Tô Buông và bản Quỳnh Châu có 187 hộ dân sinh sống; trong đó, tại khu vực bản Tô Buông cũ, nhiều năm qua, mỗi khi mưa lũ thường xuyên xảy ra sạt lở đất đá ảnh hưởng tới đời sống của nhân dân. Kịp thời xử lý, UBND huyện đã triển khai việc sắp xếp di chuyển dân cư đến nơi ở mới. Điểm tái định cư Tô Buông được bố trí trên diện tích 17.000m2, thực hiện xây dựng gồm các hạng mục: san nền, đường giao thông vào điểm tái định cư; đường nội bộ, thanh thải lòng suối, nước, điện sinh hoạt... tổng kinh phí 9,8 tỷ đồng. Công trình đã hoàn thành, 26 hộ dân trong vùng có nguy cơ sạt lở được chuyển về nơi ở mới an toàn.
Ông Vì Văn Uôn, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Tô Quỳnh, xã Lóng Phiêng chia sẻ: Sau rất nhiều năm lo âu, thấp thỏm khi mùa mưa bão về, bản đã được chính quyền quan tâm tạo điều kiện cho các hộ di chuyển đến nơi ở mới, bà con yên tâm phát triển sản xuất.
Bám sát tình hình tại các khu vực dân cư, thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống thiên tai, huyện Yên Châu phấn đấu hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra, ổn định đời sống nhân dân.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!