Xanh thêm những cánh rừng

Đón xuân Giáp Thìn, bản Lùn, xã Mường Sang, huyện Mộc Châu có thêm niềm vui, nhà văn hóa bản được xây dựng khang trang, cây cầu dân sinh bê tông vững chắc qua suối ra khu sản xuất và nối với quốc lộ 37, trong đó một phần kinh phí xây dựng được trích từ tiền dịch vụ môi trường rừng.

Rừng xanh bản Púm.

Chia sẻ ngày đầu xuân mới, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Lùn Vì Văn Hạnh không giấu được niềm vui: Nhiều năm qua, bản Lùn luôn được đánh giá là cơ sở làm tốt công tác bảo vệ rừng và sử dụng hiệu quả tiền dịch vụ môi trường rừng, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân. Ở bản Lùn, bây giờ không còn đất trống, đồi trọc, toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp đã được phủ xanh bởi 1.662 ha rừng tự nhiên và rừng sản xuất, trung bình mỗi năm bản được chi trả từ 300-350 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng, số tiền này được phục vụ công tác bảo vệ rừng và đầu tư xây dựng các công trình nông thôn mới.

 Đến hết năm 2023, toàn tỉnh có gần 667.000 ha rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Với việc bảo vệ tốt diện tích rừng hiện còn, đã phát huy tối đa khả năng phòng hộ đầu nguồn của rừng và bảo vệ môi trường sinh thái. Ông Nguyễn Huy Tuấn, Chi cục trưởng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh, cho biết: Trong năm, toàn tỉnh đã trồng mới 2.533 ha rừng phòng hộ - đặc dụng và rừng sản xuất, những diện tích đất trống, đồi trọc đang từng bước được phủ xanh. Cùng với đó, chất lượng rừng được nâng lên, người dân có thêm thu nhập từ trồng các loại cây dược liệu, chăn nuôi dưới tán rừng.

Điều khẳng định rằng, những cánh rừng thêm xanh có sự nỗ lực của lực lượng kiểm lâm toàn tỉnh ngày đêm thầm lặng bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và triển khai các biện pháp lâm sinh, từng bước nâng cao chất lượng, làm giàu rừng. Công tác xây dựng và quản lý quy hoạch 3 loại rừng được điều chỉnh kịp thời, đồng bộ. Công tác phát triển vốn rừng được triển khai theo định hướng các chương trình phát triển kinh tế nông, lâm, nghiệp của tỉnh. Hệ thống tổ chức bộ máy, các quy định của pháp luật và cơ chế, chính sách về phát triển lâm nghiệp từng bước được hoàn thiện, gắn với giảm nghèo đã góp phần quan trọng vào việc phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững và phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong tỉnh.

Ở bản Púm, xã Pá Ma Pha Khinh, huyện Quỳnh Nhai sau di dân TĐC thủy điện Sơn La, đời sống bà con gặp nhiều khó khăn, nhưng với sự hỗ trợ của nhà nước và nỗ lực của nhân dân, đến nay 98 hộ trong bản không còn hộ nghèo. Bí thư chi bộ, Trưởng bản Lò Văn Thành chia sẻ: Cùng với khai thác hiệu quả đất sản xuất, bản tập trung bảo vệ tốt hơn 600 ha rừng đặc dụng - phòng hộ. Nhờ đó, hơn chục năm qua, trung bình mỗi năm bản nhận được hơn 300 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng.

Còn đối với bản Huổi Yên, xã Dồm Cang, huyện Sốp Cộp, bà con lại thực hiện phát triển kinh tế rừng bằng việc trồng rừng sản xuất. Bản có 36 hộ, trồng hơn 220 ha rừng thông từ 1 đến gần 10 năm tuổi. Theo tính toán của Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Tòng Văn Thuận, mỗi ha rừng trồng được nhà nước hỗ trợ hơn 5 triệu đồng cây giống, công chăm sóc những năm đầu, sau hơn 10 năm được khai thác sẽ cho thu nhập gần 100 triệu đồng/ha.

Nhờ bảo vệ tốt diện tích rừng, năm 2023, các chủ rừng trong tỉnh được chi trả gần 243 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng. Đây là nguồn tài chính phục vụ trực tiếp công tác bảo vệ và phát triển rừng; duy trì, củng cố các tổ, đội bảo vệ PCCCR tại cơ sở, huy động lực lượng tại chỗ tham gia tuần tra, thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hành vi phá rừng, lấn chiếm rừng, khai thác lâm sản trái phép và đặc biệt có kinh phí cho các bản đầu tư xây dựng các công trình dân sinh phục phục vụ đời sống của nhân dân.

Một mùa xuân mới đang về, với những cánh rừng xanh ngút ngàn, bồi đắp thêm niền tin và hy vọng về cuộc sống ấm no hơn. Điều đó, thêm khẳng định chủ trương, chính sách về phát triển lâm nghiệp bền vững của Đảng, Nhà nước đã đi vào cuộc sống, giúp đồng bào các dân tộc có thu nhập từ nghề rừng.

Ngọc Thuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới