Ưu tiên nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới

Sơn La có hơn 274 km đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Hủa Phăn và Luông Pha Bang (nước CHDCND Lào). Trong đó, có 17 xã biên giới thuộc 6 huyện, gồm: Sốp Cộp, Sông Mã, Mai Sơn, Yên Châu, Mộc Châu và Vân Hồ. Những năm qua, tỉnh ta ban hành nhiều chủ trương, chính sách, ưu tiên nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm địa bàn biên giới phát triển, ổn định và bền vững.

Cán bộ Đồn Biên phòng Chiềng On, huyện Yên Châu tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân.

Thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 10/10/2017 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội các xã biên giới đất liền kết hợp với tăng cường và củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương tập trung đầu tư các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, kết hợp quốc phòng, an ninh; củng cố, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh; quy hoạch, sắp xếp, bố trí các điểm dân cư, đầu tư cơ sở hạ tầng khu vực biên giới.

Huyện Yên Châu có 4 xã, 17 bản giáp với huyện Xiềng Khọ và Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn (nước CHDCND Lào). Ông Lù Văn Cường, Chủ tịch UBND huyện Yên Châu, cho biết: Trong công tác đối ngoại, huyện chủ động đề xuất, kiến nghị với cấp có thẩm quyền tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất các xã, bản, cụm bản biên giới giáp ranh với huyện Xiềng Khọ. Đến nay, huyện đã đề xuất hỗ trợ trên 3 tỷ đồng xây dựng công trình Phòng Lao động phúc lợi xã hội và Chữ thập đỏ huyện Xiềng Khọ, Trạm Y tế cụm bản Phiêng Sa. Phối hợp tổ chức chợ phiên Lao Khô 1 định kỳ mỗi tháng một lần, tạo điều kiện nhân dân hai bên biên giới thăm thân, trao đổi mua bán hàng hóa. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích nhân dân các bản biên giới chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, liên kết với các doanh nghiệp, HTX trong việc tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ, hình thành các chợ đầu mối tại trung tâm các xã, tạo điều kiện cho nhân dân hai bên biên giới giao thương, trao đổi hàng hóa.

Còn tại huyện Sông Mã, thực hiện kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội các xã biên giới kết hợp với tăng cường và củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại, huyện hỗ trợ các xã biên giới xây dựng các mô hình kinh tế nâng cao thu nhập cho nhân dân, như mô hình trồng nhãn chất lượng cao, trồng dứa queen, nuôi gà đẻ trứng... Huyện còn lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư công xây dựng các công trình thiết yếu, như giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, điện...

Ông Nguyễn Tiến Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện, thông tin: Giai đoạn 2017-2023, trên địa bàn các xã biên giới đã triển khai 112 dự án, tổng mức đầu tư trên 395 tỷ đồng. Trong đó, 90 dự án hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng; 22 dự án đang thi công. Ngoài ra, huyện và các đồn biên phòng hỗ trợ trên 300 triệu đồng phục vụ việc tuần tra song phương, mua sắm trang thiết bị cho các cụm bản giáp ranh huyện Mường Ét, tỉnh Hủa Phăn (nước CHDCND Lào).

Năm 2023, tỉnh Sơn La đã xây dựng danh mục ưu tiên đầu tư nâng cấp các tuyến đường trọng điểm kết nối đến khu vực cửa khẩu, như quốc lộ 43, quốc lộ 4G, tỉnh lộ 102, 103, 105; cấp giấy phép liên vận Việt - Lào cho các phương tiện trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục triển khai dự án xây dựng cửa khẩu phụ Nậm Lạnh, huyện Sốp Cộp; xây dựng Trạm kiểm soát, nhà ở cho cán bộ chiến sĩ lối mở Keo Muông và hoàn thiện dự án xây dựng cửa khẩu phụ Nà Cài, huyện Yên Châu.

Việc xuất, nhập khẩu hàng hóa, nông sản qua cửa khẩu biên giới được duy trì và mở rộng. Năm 2023, giá trị xuất, nhập khẩu hàng hóa giữa tỉnh Sơn La với các tỉnh nước bạn Lào đạt trên 982 nghìn USD; trong đó, giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt 718,85 nghìn USD, tăng 81,35% so với năm 2022, hàng hóa xuất khẩu chủ yếu là nông sản, vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng, thức ăn chăn nuôi, phân bón...

Với sự nỗ lực và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và nhân dân, tình hình trên tuyến biên giới của tỉnh luôn ổn định, chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia được giữ vững. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 2-4%/năm; 100% xã biên giới đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; có 3/17 xã biên giới đạt chuẩn nông thôn mới; 100% xã khu vực biên giới đạt tối thiểu 10 tiêu chí/xã; 10/12 bản biên giới được đưa ra khỏi diện đặc biệt phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Xây dựng tuyến biên giới ổn định, góp phần tạo môi trường thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội, củng cố mối quan hệ đoàn kết hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa Sơn La và các tỉnh nước bạn Lào.

Bài, ảnh: Thanh Huyền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới