Với địa hình núi cao, dốc đứng, nguy cơ sạt lở đất luôn tiềm ẩn tại nhiều địa phương trong tỉnh. Từ đầu năm 2025 đến nay, mưa lớn kéo dài khiến đất bão hòa nước, càng làm gia tăng nguy cơ sạt lở, đe dọa tính mạng và tài sản của nhân dân. Trước thực trạng đó, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh chủ động triển khai các biện pháp cảnh báo, ứng phó, bảo vệ an toàn cho nhân dân.

Sạt lở đất tại Sơn La chủ yếu do ba nguyên nhân: Địa chất yếu, địa hình đồi núi phức tạp và tác động từ con người. Mưa lớn kéo dài càng làm gia tăng nguy cơ, đặc biệt ở những khu vực bị suy giảm thảm thực vật hoặc có hoạt động phá rừng, xây dựng thiếu kiểm soát.
Năm 2024, tỉnh ghi nhận hàng chục vụ sạt lở nghiêm trọng, khiến 8 người thiệt mạng, thiệt hại lớn về tài sản và hoa màu. Nhiều tuyến đèo, vùng núi cao thường xuyên bị sạt lở, gây ách tắc giao thông và cô lập khu dân cư, nhất là khi sự cố xảy ra vào đêm hoặc rạng sáng, khiến việc cứu hộ gặp khó khăn. Đáng chú ý, vụ sạt lở giữa tháng 8/2024 tại xã Tà Xùa với khoảng 50.000 m³ đất đá trượt dài hơn 150 m, làm tê liệt tỉnh lộ 112 trong 2 ngày và khiến 1 người tử vong.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, dù chưa xảy ra vụ sạt lở gây thiệt hại về người, nhưng nhiều khu dân cư ven đồi, sông, suối dốc vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao. Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Sơn La, độ bão hòa đất đã đạt 80%; mưa kéo dài làm biến đổi cấu trúc địa chất, xuất hiện các vết nứt lớn. Nguy cơ sạt lở vẫn cao ngay cả khi trời đã ngớt mưa, đòi hỏi nhân dân nâng cao cảnh giác, chủ động ứng phó.

Chị Nguyễn Thị Thanh Lam, dự báo viên Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Sơn La, cho biết: Trong thời điểm mưa nhiều hiện nay, đơn vị phát hành 4 bản tin cảnh báo/ngày về lượng mưa, khu vực mưa lớn và nguy cơ sạt lở. Qua bản đồ dự báo nguy cơ, các địa phương sẽ chủ động phương án ứng phó, di dời người, tài sản khỏi vùng nguy hiểm.
Để giảm thiểu thiệt hại do sạt lở đất, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh Sơn La chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo nguy cơ sạt lở. Đồng thời, phối hợp cơ quan chuyên môn khảo sát, khoanh vùng nguy hiểm, cắm biển cảnh báo, tổ chức di dời khẩn cấp các hộ dân khỏi vùng có nguy cơ cao.
Ứng phó với sạt lở đất, ngay từ đầu mùa mưa 2025, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh chỉ đạo ngành chức năng phối hợp với địa phương rà soát, kiểm tra các điểm có nguy cơ sạt lở, theo dõi vết nứt lớn, đánh giá nguy cơ sạt trượt, kịp thời di dời người dân đến nơi an toàn, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.

Ông Đỗ Văn Xiêm, Chủ tịch UBND xã Tà Xùa, cho biết: Xã Tà Xùa mới sáp nhập từ 3 xã cũ, địa hình đồi núi dốc, UBND xã đã chỉ đạo các bản rà soát, cắm biển cảnh báo tại các điểm có nguy cơ sạt trượt, theo dõi sát tình hình thời tiết, bố trí lực lượng túc trực 24/24 giờ trong những ngày mưa lớn, kịp thời hỗ trợ nhân dân.
Đa số tuyến giao thông trên địa bàn tỉnh là đường đèo dốc, nhất là các tuyến trọng yếu thường xuyên bị tắc do sạt lở đất đá. Nhiều xã chỉ có một tuyến đường, khi xảy ra sạt lở dễ bị cô lập. Vì vậy, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh chỉ đạo các địa phương bố trí phương tiện, nhân lực trực 24/24 giờ trong mùa mưa lũ, kịp thời khắc phục, đảm bảo giao thông thông suốt.

Theo dự báo, những tháng cuối năm 2025, Sơn La tiếp tục đối mặt với nhiều cơn bão, áp thấp nhiệt đới và mưa kéo dài, nguy cơ sạt lở đất cao. Vì vậy, phương châm “4 tại chỗ” được xác định là nền tảng giúp các địa phương ứng phó hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại.
Bà Lê Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, cho biết: Các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó thiên tai. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả, cần tăng cường phối hợp giữa cơ quan chuyên môn, chính quyền và nhân dân. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, áp dụng giải pháp kỹ thuật, quản lý nhằm giảm thiểu thiệt hại do sạt lở đất gây ra.
Bên cạnh đó, các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh việc trồng rừng phòng hộ, áp dụng mô hình “nông - lâm kết hợp” chống xói mòn, cải tạo đất; xây dựng bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét, sạt lở làm cơ sở cho các biện pháp phòng tránh hiệu quả.
Với sự chủ động từ khâu khảo sát, cảnh báo đến di dời, tái định cư, Sơn La đang từng bước nâng cao năng lực ứng phó thiên tai. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả bền vững, tỉnh cần tiếp tục tăng cường đầu tư công nghệ dự báo, bảo vệ môi trường, hạ tầng an toàn. Khi các giải pháp được triển khai đồng bộ, thiệt hại do sạt lở đất sẽ giảm thiểu.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!