Nguy cơ ô nhiễm nước ngầm do hoạt động xả, thải chất thải chăn nuôi, chế biến nông sản chưa qua xử lý, hoặc xử lý chưa đạt chuẩn ra môi trường, việc lạm dụng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ cỏ, ý thức người dân trong việc xả rác... đã và đang trở thành vấn đề đáng báo động. Những năm qua, tỉnh ta đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, huyện, thành phố thực hiện đồng bộ các giải pháp, quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước.
Thực trạng nguồn nước
Sơn La là tỉnh có tiềm năng về tài nguyên nước với 35 suối lớn, 2 sông Đà dài 280 km với 32 phụ lưu và sông Mã dài 90 km với 17 phụ lưu. Mật độ sông suối 1,3 km/km2 nhưng phân bố không đều, sông, suối có độ dốc lớn, nhiều thác ghềnh do địa hình núi cao, chia cắt sâu.
Nguồn nước dưới đất trên địa bàn tỉnh được cho là khá phong phú nhưng phân bố không đồng đều. Theo quy hoạch, tài nguyên nước mặt của tỉnh hằng năm vào khoảng 19 tỷ m3 chủ yếu từ nguồn nước mưa tích trữ vào hai hệ thống sông chính là sông Đà và sông Mã; trữ lượng nước dưới đất khoảng trên 3 triệu m3/ngày đêm.
Những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, cùng với nhu cầu sử dụng nước cho các ngành kinh tế ngày càng gia tăng, dẫn đến thiếu nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt tại một số địa bàn. Công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh nói chung, tài nguyên nước dưới đất nói riêng gặp nhiều khó khăn, do chưa có hệ thống thông tin chi tiết, đồng bộ phản ánh đầy đủ về các nguồn nước có khả năng đáp ứng nhu cầu hiện tại và tương lai.
Trao đổi về nội dung này, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết: Quy hoạch khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước đã làm rõ các khu vực có nguy cơ thiếu nước và đề xuất giải pháp quy hoạch phù hợp với tiềm năng các nguồn nước; tỷ lệ phân bổ chia sẻ nguồn nước mặt, nước dưới đất cho các mục đích dùng nước được tính toán cho các kịch bản phù hợp. Vì vậy, việc điều tra bổ sung các thông tin chi tiết và cập nhật về tài nguyên nước của tỉnh, trước mắt thực hiện đối với nguồn nước dưới đất, đánh giá chi tiết các nguồn nước dưới đất có khả năng khai thác phục vụ nhu cầu thiết yếu tại các khu vực trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội là rất cần thiết và quan trọng.
Giải pháp bảo vệ nước ngầm
Ngày 24/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 432/QĐ-TTg. Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2372/QĐ-UBND ngày 28/9/2021 về việc ban hành kế hoạch điều tra cơ bản tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đối với các nguồn nước nội tỉnh. Hiện tại, Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai điều tra, đánh giá tổng hợp tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1:50.000 đến 1:25.000 đối với các nguồn nước nội tỉnh và lập, ban hành danh mục nguồn nước nội tỉnh.
Tiếp đó, ngày 6/6/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La đã ban hành Quyết định số 1003/QĐ-UBND về việc cho phép lập đề cương và dự toán nhiệm vụ: “Điều tra, đánh giá tổng hợp tài nguyên nước dưới đất tương ứng với các mức độ bản đồ tỷ lệ 1:50.000 đến 1:25.000 đối với các nguồn nước nội tỉnh thuộc kế hoạch điều tra cơ bản tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đối với các nguồn nước nội tỉnh trên địa bàn tỉnh Sơn La”. Mục tiêu điều tra, đánh giá tổng hợp tài nguyên nước dưới đất, tìm kiếm, phát hiện nguồn nước dưới đất nội tỉnh làm cơ sở cho việc quản lý, khai thác và bảo vệ nguồn nước, nhằm đáp ứng nhu cầu dùng nước của địa phương.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thông tin: Công tác bảo vệ tài nguyên nước được quan tâm. Trong giai đoạn 2022-2023, Sở TN&MT đã tham mưu cho UBND tỉnh lập quy hoạch tài nguyên nước. Tổ chức cấp phép thăm dò, khai thác tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh; đã khoanh định bảo vệ hành lang nguồn nước, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước là cơ sở để định hướng khai thác, sử dụng tài nguyên nước tiết kiệm, hiệu quả. Thực hiện quản lý các công trình thủy lợi, thủy điện vận hành theo quy trình vận hành hồ chứa đã được phê duyệt và quản lý việc cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước.
Đến nay, UBND tỉnh đã cấp 136 giấy phép tài nguyên nước; phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước cho 72 tổ chức, cá nhân. Thực hiện quản lý, giám sát việc cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt đối với 57 công trình thủy điện đang vận hành trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, bước đầu đã điều tra, tìm kiếm trên địa bàn tỉnh Sơn La có 7 lỗ khoan, gồm: Huyện Vân Hồ có 2 lỗ khoan tại bản Mến, xã Tô Múa, có tổng lưu lượng điều tra, đánh giá 360m3/ngày đêm; huyện Yên Châu có 2 lỗ khoan tại Trường tiểu học - Trung học cơ sở Mường Lựm và bản Luông, xã Mường Lựm, với tổng lưu lượng điều tra, đánh giá 240m3/ngày đêm; tại huyện Sông Mã, có 3 lỗ khoan ở các bản Pàn, bản Nà Tòng, bản Hiểm Lằn, xã Nậm Ty, với tổng lưu lượng điều tra, đánh giá 500m3/ngày đêm. Các lỗ khoan sau khi được bàn giao đều được UBND cấp xã, cấp huyện quan tâm, bảo vệ. Đến thời điểm hiện tại, các lỗ khoan đều được đóng nắp theo nguyên trạng bàn giao, chưa có đơn vị đưa vào khai thác, sử dụng.
Chủ động phòng ngừa, ứng phó, ngăn chặn hành vi gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước, các huyện, thành phố đã thiết lập vùng bảo hộ vệ sinh và hành lang bảo vệ nguồn nước làm căn cứ xây dựng quy định về sản xuất, kinh doanh, chế biến gắn với bảo vệ môi trường, nguồn nước.
Ông Nguyễn Thế Phương, Phó Chủ tịch UBND Thành phố, thông tin: UBND Thành phố đã chỉ đạo các xã, phường rà soát, lập danh sách thống kê làm cơ sở sở để kiểm tra, theo dõi, giám sát hoạt động của các cơ sở sơ chế, chế biến nông sản. Yêu cầu và tổ chức cho tất cả các cơ sở trong danh sách ký cam kết với Chủ tịch UBND cấp xã về thực hiện đúng các quy định về bảo vệ môi trường; tuyên truyền, vận động các hộ thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn; sử dụng phân bón hữu cơ thay thế vô cơ... Bằng cách làm này, từ năm 2021 trở lại đây trên địa bàn Thành phố không xảy ra tình trạng tạm dừng cấp nước sinh hoạt do tình trạng ô nhiễm nguồn nước như những năm trước.
Với nhiều giải pháp được triển khai từ công tác tuyên truyền, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, rà soát, đánh giá hiện trạng nguồn nước, xây dựng kế hoạch sử dụng khoa học, tỉnh Sơn La đã và đang tích cực vào cuộc bảo vệ nguồn nước mặt cũng như nước dưới đất cho tương lai.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!