Thuận Châu ngày ấy - bây giờ

Chúng tôi về Thuận Châu, nơi cách đây 65 năm, Bác Hồ cùng Đoàn công tác của Chính phủ lên thăm và nói chuyện với đồng bào các dân tộc Tây Bắc. Dù đã hơn 6 thập niên trôi qua, những lời Người căn dặn đồng bào năm xưa vẫn mãi khắc sâu trong trái tim các thế hệ người dân nơi đây.

Giọng nữ
Giáo dục truyền thống cách mạng cho học sinh tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, nằm trong khu Di tích lịch sử lưu niệm Kỳ đài Thuận Châu.
Ảnh: Nguyễn Thư

Trong không khí ấm áp của đại gia đình các dân tộc khu Tây Bắc, Bác đã ân cần nói chuyện với đồng bào và căn dặn “... Ngày nay, đồng bào, bộ đội và cán bộ lại càng phải cùng nhau đoàn kết phấn đấu để tiêu diệt cho hết giặc đói, giặc dốt, quét sạch bọn phá hoại, làm cho mọi người đều được no ấm, đều được biết chữ, làm cho mọi người đều được hưởng hạnh phúc, yên vui...”.

65 năm đã trôi qua, Thuận Châu là địa phương luôn khắc phục khó khăn đi đầu trong phong trào thi đua. Dù ở 6 xã vùng cao, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở núi cao; địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt, giao thông đi lại khó khăn, dân cư phân tán, mặt bằng dân trí không đồng đều, nhưng với sự hỗ trợ tích cực về mọi mặt của Trung ương, của tỉnh, huyện Thuận Châu đã năng động, thực hiện lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình, dự án, ưu tiên bố trí kinh phí hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao. Đồng thời, cân đối, bố trí thêm nguồn lực từ ngân sách huyện; vận động nhân dân đóng góp hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo trên địa bàn...

Chia sẻ với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Đắc Lực, Bí thư Huyện ủy, cho biết: Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện luôn đoàn kết, chung sức, đồng lòng xây dựng, củng cố hệ thống chính trị vững mạnh; tập trung phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Nhân dân từ vùng thấp đến vùng cao tích cực chuyển đổi cây trồng trên đất dốc; phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao và sản xuất hữu cơ, góp phần cùng huyện phấn đấu thoát nghèo vào năm 2025.

Hiện nay, huyện có gần 4.300 ha cây ăn quả các loại; sản lượng năm 2023 đạt trên 22.500 tấn. Có 10 mã số vùng trồng; trong đó, 2 mã vùng xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, EU, Úc, Đu Bai, Nhật Bản; 8 mã vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, với tổng diện tích 182 ha; có 11 chuỗi liên kết sản xuất, 8 sản phẩm OCOP. Chăn nuôi phát triển cả về số lượng, quy mô và cơ cấu đàn; bước đầu hình thành các mô hình trang trại, với trên 135.000 con gia súc, hơn 735.000 con gia cầm các loại. Nhân dân các xã vùng lòng hồ thủy điện Sơn La nuôi trên 650 lồng cá; sản lượng thủy sản nuôi và khai thác đạt 1.300 tấn/năm. Đời sống nhân dân được nâng lên, đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 22,77%.

Nói về các phong trào thi đua làm theo lời Bác, ông Nguyễn Văn Thuần, Bí thư Đảng ủy xã Chiềng Ly, khoe với chúng tôi: Nhân dân trong xã luôn hăng hái thi đua lao động sản xuất trên đồng ruộng, nương rẫy, trên mọi lĩnh vực công tác, để có cuộc sống ngày càng tốt hơn. Chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với chương trình giảm nghèo bền vững, tạo diện mạo mới cho xã và nâng cao đời sống nhân dân.

Bộ mặt đô thị, nông thôn mới của huyện có nhiều khởi sắc. Đường, điện, trường, trạm được đầu tư xây dựng, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; 72,9% số bản, tiểu khu có đường bê tông; 99% số hộ có điện lưới quốc gia; 100% dân số được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Huyện đã có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Sự nghiệp giáo dục, y tế được quan tâm; phong trào xây dựng đời sống văn hóa được đẩy mạnh. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn giữ vững, ổn định.

Đảng bộ và nhân dân Thuận Châu mãi khắc ghi lời Bác dạy, phấn đấu nhiều hơn nữa để mỗi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, để huyện hoàn thành thoát nghèo vào năm 2025 và trở thành huyện phát triển khá của tỉnh.

Hồng Luận
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới