Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I từ năm 2021-2025, huyện Thuận Châu triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Vừa qua, cây cầu cứng vào bản Phé, xã Tông Cọ có tổng mức đầu tư hơn 2,5 tỷ đồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được khánh thành, đưa vào sử dụng, thuận lợi cho hơn 160 hộ dân, hơn 770 nhân khẩu của bản đi lại cả 4 mùa.
Ông Lường Văn Đoàn, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Phé, phấn khởi: Bà con trong bản ai cũng vui mừng, bởi niềm mong mỏi nhiều năm nay có cây cầu kiên cố đã thành hiện thực. Từ giờ, dân bản không lo bị cách ly mỗi khi vào mùa mưa lũ. Đi lại thuận lợi, nhất là việc tiêu thụ nông sản của bà con sẽ được ô tô vào tận bản mua với giá cao hơn. Ban quản lý bản sẽ tuyên truyền, vận động người dân tích cực lao - động, sản xuất và bảo vệ, quản lý, sử dụng hiệu quả công trình.
Là một trong những người sống lâu năm tại bản, ông Quàng Văn Nọi, gần 70 tuổi, nói: Trước đây, bà con muốn đến trung tâm xã phải đi qua cầu tạm làm bằng tre, rất nguy hiểm, nhất là vào mùa mưa lũ bị cuốn trôi không thể đi lại được, trẻ con phải nghỉ học. Giờ đây, có cây cầu mới bê tông vững chắc, là niềm mơ ước bấy lâu nay của bà con trong bản, chúng tôi rất vui và cảm ơn Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư cho cây cầu.
Nhân dân xã Phổng Lập cũng vừa đón niềm vui, khi công trình Nhà văn hóa xã có tổng diện tích sàn trên 220m², tổng mức đầu tư gần 2,6 tỷ đồng từ nguồn vốn thực hiện các dự án Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi khánh thành, đưa vào sử dụng. Ông Lỗ Trường Giang, Phó Chủ tịch UBND xã Phổng Lập, chia sẻ: Xã có 13 bản, gần 1.200 hộ với hơn 5.600 nhân khẩu. Có nhà văn hóa kiên cố, thuận lợi cho xã tổ chức họp, triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội và bà con có điểm giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, tăng cường tình đoàn kết nhân dân, góp phần từng bước hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới.
Từ năm 2022 đến nay, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, huyện Thuận Châu đầu tư 134 tỷ đồng đầu tư xây dựng 8 công trình giao thông nông thôn; 3 cây cầu vào bản; xây dựng mới, sửa chữa 11 nhà văn hóa xã, bản và 18 nhà lớp học, nhà bán trú và các công trình phụ trợ; 3 công trình thủy lợi và đầu tư xây dựng chợ trung tâm xã Mường Khiêng... Đến nay, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 26 công trình.
Ông Lê Hồng Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu, cho biết: Tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, UBND huyện lồng ghép, ưu tiên các nguồn lực đầu tư hạ tầng thiết yếu cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Huyện đã tập trung nguồn vốn đầu tư xây dựng dự án, công trình mà người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn có nhu cầu cấp thiết, như cứng hóa hệ thống đường giao thông nông thôn; hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp; nhà lớp học, nhà văn hóa xã, bản... Chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các xã có công trình xây dựng tăng cường tuyên truyền, vận động để bà con tự nguyện hiến đất xây dựng các công trình đảm bảo tiến độ. Đồng thời, phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội của xã, bản và nhân dân tập trung giám sát tiến độ, chất lượng công trình. Qua đó, góp phần nâng tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được bê tông hóa hoặc nhựa hóa đạt 100%; gần 80% số bản có đường giao thông đến bản được cứng hóa; trên 99% số hộ được sử dụng điện từ lưới điện quốc gia; 100% dân số nông thôn dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh...
Thời gian tới, huyện Thuận Châu chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần xây dựng kết cấu hạ tầng, kinh tế - xã hội phục vụ đời sống nhân dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các xã, bản đặc biệt khó khăn.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!