Tạo việc làm cho lao động nông thôn

Những năm qua, huyện Sốp Cộp đã tích cực hỗ trợ đào tạo, tập huấn cho người dân phát triển các mô hình kinh tế; kết nối giới thiệu lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững ở địa phương.

Anh Tòng Văn Dinh (người bên trong), bản Tông Hùm, xã Mường Và, huyện Sốp Cộp sửa chữa xe máy cho khách hàng.

Huyện Sốp Cộp có trên 29.000 người trong độ tuổi lao động. Hàng năm, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã tuyên truyền, phổ biến chương trình giải quyết việc làm tới người dân; rà soát nhu cầu học nghề và nguyện vọng của lao động, nhất là lao động người dân tộc thiểu số ở các xã vùng cao, vùng biên giới. Theo dõi, thống kê tình trạng việc làm, thu nhập của lao động nông thôn sau đào tạo nghề để có kế hoạch giải quyết việc làm cho lao động phù hợp. Từ năm 2018 đến nay, huyện đã tổ chức 11 lớp đào tạo nghề, tập huấn các lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp cho gần 500 lao động địa phương.

Bên cạnh đó, huyện phối hợp tổ chức hội nghị giới thiệu nhu cầu việc làm, chế độ chính sách cho người lao động tại các công ty, khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh cho người lao động. Đồng thời, tổ chức ngày hội việc làm và tư vấn hướng nghiệp 1 lần/năm, cung cấp thông tin về thị trường lao động cho những người có nhu cầu việc làm, học nghề. Trên địa bàn huyện có trên 3.000 lao động đi làm việc ngoài tỉnh và xuất khẩu lao động; trong đó, hơn 2.900 lao động làm việc tại các công ty, doanh nghiệp, khu công nghiệp ở các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh, Hưng Yên, Bắc Giang, Bình Dương... Qua khảo sát, phần lớn số lao động này có thu nhập từ 7-12 triệu đồng/người/tháng; lao động ở nước ngoài thu nhập từ 25-40 triệu đồng/người/tháng.

Xã Sốp Cộp có trên 120 lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp ngoài tỉnh. Ông Tòng Văn Thủy, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Hàng năm, nguồn tiền mà lao động đi làm xa gửi về cho người thân đã đóng góp đáng kể vào nâng cao thu nhập bình quân chung của địa phương. Đồng thời, từ nguồn tiền này đã được các hộ dân sử dụng để xây dựng nhà ở, đầu tư phát triển kinh tế gia đình.

Bên cạnh đó, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã triển khai thực hiện tốt chính sách cho vay hỗ trợ tạo việc làm và mở rộng việc làm cho lao động nông thôn. Từ năm 2015 đến nay, đã cho hơn 2.000 lượt hộ vay, với tổng số vốn lũy kế trên 100 tỷ đồng. Từ nguồn vốn vay, nhiều hộ gia đình đầu tư nuôi gia súc nhốt chuồng; trồng mới cây ăn quả, cải tạo vườn tạp; buôn bán tạp hóa, sửa chữa xe máy, nhiều gia đình đã vươn lên thoát nghèo.

Năm 2015, gia đình ông Tòng Văn Ương, bản Phải, xã Púng Bánh, được vay 50 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư chăn nuôi trâu, bò và trồng cây ăn quả. Ông Ương cho biết: Số tiền này tôi sử dụng làm chuồng kiên cố và mua 4 con trâu giống; mua giống cây trồng 2 ha xoài ghép, cà phê; 4 ha cây thông. Mỗi năm xuất bán từ 4-5 con trâu, bò giống và trên 8 tấn quả các loại. Tháng 2/2022, gia đình tôi đã trả hết nợ ngân hàng; năm nay, gia đình đã được công nhận thoát nghèo.

Người lao động xã Mường Và, huyện Sốp Cộp có thu hoạch ổn định từ mô hình trồng cam.

Còn anh Tòng Văn Dinh, bản Tông Hùm, xã Mường Và, chia sẻ: Tôi tham gia lớp học nghề sửa chữa xe máy tại Trung tâm Dịch vụ việc làm. Năm 2017, tôi mở cửa hàng sửa chữa, bảo dưỡng xe máy tại bản, thu nhập 6-7 triệu đồng/tháng, hết năm 2019, gia đình thoát nghèo.

Tiếp tục giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, huyện Sốp Cộp tăng cường phối hợp với các trung tâm, đơn vị trên địa bàn tỉnh tổ chức đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động; tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, hội thảo đầu bờ trong sản xuất nông nghiệp cho nông dân. Đồng thời, kết nối với các đơn vị tuyển dụng, giúp người lao động có việc làm và thu nhập ổn định.

Trường Sơn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Trường THPT Mai Sơn ôn luyện cho học sinh thi tốt nghiệp

    Trường THPT Mai Sơn ôn luyện cho học sinh thi tốt nghiệp

    Khoa Giáo -
    Năm học 2024-2025, Trường THPT Mai Sơn, huyện Mai Sơn, có 500 học sinh lớp 12 tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT. Để học sinh đạt kết quả tốt, nhà trường đã tập trung ôn luyện, kết hợp thi thử, phân loại học sinh và xây dựng phương án bồi dưỡng phù hợp, giúp học sinh nắm vững kiến thức, tự tin bước vào kỳ thi.
  • 'Chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho trẻ em

    Chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho trẻ em

    Sức khỏe -
    Với mục tiêu mỗi năm toàn tỉnh giảm 1,3% số trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi, giảm 1% số trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, ngành Y tế đã phối hợp với các đơn vị, địa phương tạo điều kiện cho bà mẹ, trẻ em được tiếp cận những dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu; quan tâm cải thiện dinh dưỡng phụ nữ mang thai và trẻ em tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
  • '“Hát đưa dâu - đón rể ngày nay của dân tộc Thái vùng Sốp Cộp - Sơn La”

    “Hát đưa dâu - đón rể ngày nay của dân tộc Thái vùng Sốp Cộp - Sơn La”

    Văn hóa - Xã hội -
    Cuốn sách “Hát đưa dâu - đón rể ngày nay của dân tộc Thái vùng Sốp Cộp - Sơn La” là một công trình nghiên cứu sâu sắc về nghi lễ hôn nhân truyền thống của người Thái tại huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La. Giúp bạn đọc hiểu rõ về các bài hát, nghi thức và phong tục trong đám cưới, phản ánh sự giao thoa giữa văn hóa cổ truyền và đời sống hiện đại của đồng bào dân tộc Thái. Thư viện tỉnh giới thiệu cuốn sách do Nghệ nhân ưu tú Lò Minh Ón sưu tầm, biên soạn và sáng tác, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Sơn La phát hành năm 2017.
  • 'Tạo động lực phát triển kinh tế du lịch

    Tạo động lực phát triển kinh tế du lịch

    Du lịch -
    Cao nguyên Mộc Châu vừa có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu trong lành, vừa có nhiều nét đặc sắc của cộng đồng 12 dân tộc anh em. Đánh thức tiềm năng, lợi thế này, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đang chung tay khai thác giá trị văn hóa mang lại lợi ích kép cho phát triển kinh tế du lịch và văn hóa địa phương.
  • 'Tổng Bí thư Tô Lâm viếng đồng chí Khamtay Siphandone

    Tổng Bí thư Tô Lâm viếng đồng chí Khamtay Siphandone

    Thời sự - Chính trị -
    Ngày 3-4, được tin đồng chí Đại tướng Khamtay Siphandone, nguyên Chủ tịch Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Thủ tướng nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào từ trần, Tổng Bí thư Tô Lâm đã dẫn đầu đoàn lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước Việt Nam sang viếng đồng chí Khamtay Siphandone.
  • 'An nguy quốc gia là vấn đề căn cơ, hệ trọng

    An nguy quốc gia là vấn đề căn cơ, hệ trọng

    Ngay sau khi Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành kết luận chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính theo hướng không tổ chức đơn vị cấp huyện và giao Quân ủy Trung ương nghiên cứu, xây dựng kế hoạch thực hiện chủ trương này trong Quân đội, Bộ Quốc phòng đã khẩn trương tiến hành các bước hoàn thiện. Thế nhưng, xung quanh vấn đề rất quan trọng này, vẫn có những nhận thức chưa đúng của một số người. Trong khi đó, có những cá nhân thiếu hiểu biết và không có tính xây dựng, có những bài viết bịa đặt, châm chọc, bóp méo việc này trên mạng xã hội.
  • 'Đồng hành xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số

    Đồng hành xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số

    VNPT Sơn La -
    Bám sát chỉ tiêu, định hướng của tỉnh, VNPT Sơn La đã nghiên cứu, triển khai nhiều dịch vụ, giải pháp công nghệ, ứng dụng chuyển đổi số phù hợp trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, cung cấp các giải pháp, hệ thống công nghệ thông tin phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số của tỉnh.