“Gắn khai thác với chế biến sâu, khai thác sử dụng tài nguyên khoáng sản hài hòa giữa bảo tồn và phát triển bền vững” là định hướng và mục tiêu của tỉnh Sơn La. Hàng năm, UBND tỉnh tổ chức ký cam kết giữa Chủ tịch UBND các huyện, thành phố với Chủ tịch UBND tỉnh; giữa chủ giấy phép khai thác khoáng sản với Chủ tịch UBND tỉnh về thực hiện các quy định của pháp luật khai thác khoáng sản, đất đai và bảo vệ môi trường...
Sơn La là địa phương có tài nguyên khoáng sản sử dụng làm vật liệu xây dựng thông thường (VLXDTT) tương đối đa dạng, trữ lượng lớn, sẵn có như: Đá vôi, đất san lấp, đá làm cát nhân tạo, cát lòng sông với 162 mỏ khoáng sản đã được tỉnh quy hoạch. Bên cạnh đó, 17 mỏ khoáng sản phân tán nhỏ lẻ (không phải VLXDTT) được Bộ Tài nguyên và Môi trường bàn giao UBND tỉnh quản lý, đã được cập nhật vào quy hoạch tỉnh.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Sơn La, cho biết: Năm 2023, Sở đã tham mưu UBND tỉnh triển khai, cụ thể hóa Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị và Quyết định số 334/QĐ-TTg ngày 1/4/2023 của Chính phủ về chiến lược địa chất khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Lập phương án thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản trong quy hoạch tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nhóm khoáng sản công nghiệp và đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kết luận số 842-KL/TU ngày 17/3/2023. Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường khoanh định khu vực có khoáng sản phân tán nhỏ lẻ đối với 6 khu vực; đề nghị điều tra đánh giá khoáng sản đối với 4 khu vực khoáng sản mới được phát hiện.
Với việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, đến tháng 2/2024, UBND tỉnh cấp 58 giấy phép thăm dò khoáng sản; 62 quyết định phê duyệt trữ lượng khoáng sản; 18 giấy phép khai thác khoáng sản; 95 quyết định đóng cửa mỏ khoáng sản; thu hồi 22 giấy phép khai thác khoáng sản; lập kế hoạch và thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 60 khu vực khoáng sản. Đặc biệt là việc phát triển, kêu gọi thu hút đầu tư cho phép khảo sát nghiên cứu, lập dự án nhà máy chế biến sâu nikel tại xã Bắc Phong, huyện Phù Yên, quy mô 300 ha, công suất 200.000 - 400.000 tấn quặng/năm đầu, mức đầu tư khoảng 890 triệu USD.
Ông Đinh Công Hưng, Phó Giám đốc Công ty cổ phần xây dựng Trường Giang, chia sẻ: Công ty được UBND tỉnh cấp phép hoạt động khai thác khoáng sản là đá vôi làm VLXDTT, gồm: 1 điểm mỏ tại huyện Sốp Cộp cấp giấy phép từ năm 2014, trữ lượng 30.000 m3 và 1 mỏ tại huyện Mai Sơn cấp phép năm 2017, trữ lượng 83.000 m3. Quá trình thăm dò, hình thành lập dự án và bước vào hoạt động khai thác, Công ty được các cơ quan chức năng hướng dẫn, thực hiện đầy đủ hồ sơ thủ tục pháp lý có liên quan. Hằng năm, ký cam kết với Chủ tịch UBND tỉnh và thực hiện đúng cam kết các quy định của pháp luật về khai thác khoáng sản, đất đai và bảo vệ môi trường.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc khi chưa có hệ thống lưu trữ cơ sở dữ liệu quản lý khoáng sản để kiểm soát trữ lượng, sản lượng khoáng sản khai thác hàng năm. Năm 2023, Sở TN&MT đã tổ chức kiểm tra 9 mỏ khoáng sản làm VLXDTT, giải quyết các tồn tại vi phạm quy định pháp luật về khoáng sản. Xử lý vi phạm 4 tổ chức, tổng tiền phạt 3,6 tỷ đồng; buộc nộp lại số tiền trên 2 tỷ đồng.
Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước lĩnh vực khoáng sản, tỉnh Sơn La tiếp tục thanh tra, kiểm tra các mỏ khoáng sản chấp hành quy định của pháp luật đối với tổng thể các lĩnh vực đầu tư, khoáng sản, môi trường, đất đai, vật liệu nổ... Dự kiến, hoàn thành kiểm tra trong quý II năm 2024. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với Cục Địa chất Việt Nam trong công tác điều tra, đánh giá tài nguyên khoáng sản; phối hợp với Cục Khoáng sản Việt Nam rà soát, khoanh định các khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ để bàn giao cho tỉnh quản lý. Nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ quản lý nhà nước về khoáng sản cấp tỉnh, huyện, xã.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!