Tăng cường quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm

Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 17- CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XIII) về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Sông Mã kiểm tra công tác ATTP tại Trường PTDT nội trú THCS &THPT Sông Mã.
Ảnh: Trần Hiền

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 24.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Trong đó, 15.087 cơ sở kinh doanh thực phẩm; còn lại là cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể và thức ăn đường phố. Trong năm 2023, Ban Chỉ đạo về an toàn thực phẩm tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành thành viên, các huyện, thành phố tăng cường công tác truyền thông, giáo dục về an toàn thực phẩm (ATTP). Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị, xã hội trong các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức về ATTP tới các đoàn viên, hội viên và nhân dân; duy trì và nhân rộng các mô hình điểm về sản xuất, kinh doanh giỏi, đảm bảo ATTP trong nhân dân.

Vận động nhân dân phát hiện, tố giác đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật lĩnh vực ATTP để kịp thời xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật. Trong năm, toàn tỉnh đã tổ chức 3.185 buổi nói chuyện về ATTP cho 51.622 lượt người; 31 hội thảo, hội nghị, với 2.393 lượt người tham dự, nâng cao nhận thức của nhân dân về an toàn thực phẩm.

Ông Trần Mạnh Đức, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, cho biết: Chi cục đã tham mưu kế hoạch triển khai công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm về ATTP, công tác giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh, nhất là trong các dịp lễ, tết, Tháng hành động vì ATTP và mùa mưa lũ... Ban hành các văn bản hướng dẫn Ban Chỉ đạo về ATTP các huyện, thành phố, các xã, phường triển khai hoạt động quản lý ATTP. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện các cuộc kiểm tra, giám sát bảo đảm ATTP tại các sự kiện có tổ chức ăn uống đông người; kiểm tra, giám sát thu hồi và xử lý thực phẩm kém chất lượng...

Công tác phối hợp liên ngành trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, giám sát được tăng cường, tạo sự chuyển biến rõ nét trong xử lý các vi phạm pháp luật về ATTP, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại địa phương. Năm 2023, toàn tỉnh đã kiểm tra và hậu kiểm tra đối với 5.280 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố. Qua kiểm tra, đã phát hiện 720 cơ sở vi phạm, phạt hành chính trên 2 tỷ đồng, giá trị hàng hóa tịch thu tiêu hủy trị giá hơn 266 triệu đồng.

Bác sĩ Khuất Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mộc Châu, thông tin: Là địa bàn trọng điểm về du lịch và tổ chức nhiều sự kiện, lượng du khách đến tham quan, trải nghiệm khá lớn. Trung tâm Y tế huyện đã phối hợp với các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, giám sát ATTP tại các cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về ATTP theo quy định của pháp luật, tránh sự chồng chéo hoặc bỏ sót đối tượng kiểm tra, nâng cao hiệu lực quản lý, nhất là trong các dịp ngày lễ, tết. Trong năm 2023, đoàn kiểm tra liên ngành huyện và cấp xã đã kiểm tra 393 cơ sở, phát hiện và xử phạt 13 cơ sở, tổng số tiền xử phạt trên 70 triệu đồng. Đồng thời, thẩm định cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP cho 183 hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn huyện (cấp mới 117 cơ sở và cấp lại 66 cơ sở).

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tuyên truyền, quảng bá nông sản an toàn thông qua các hội nghị, hội thảo, phiên chợ, hội chợ được tổ chức trong tỉnh, ngoài tỉnh. Hiện nay, toàn tỉnh có 159 doanh nghiệp, HTX được cấp giấy xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn gồm 23 chuỗi rau an toàn, 98 chuỗi quả an toàn, 1 chuỗi cà phê, 7 chuỗi chè, 3 chuỗi thịt lợn an toàn, 20 chuỗi thủy sản, 2 chuỗi thịt gà, 5 chuỗi mật ong.

Các tổ chức đoàn thể tích cực vận động hội viên, đoàn viên không sử dụng chất cấm trong trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, bảo quản nông thủy sản; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”; thực hiện “sản xuất rau sạch, rau an toàn”, “không giết mổ gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, không an toàn”; xây dựng mô hình nhóm liên kết sản xuất kinh doanh thực phẩm sạch, an toàn, VietGAP; gắn thực hiện công tác ATTP với cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”…

Tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về ATTP, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp trong toàn tỉnh nâng cao năng lực của hệ thống quản lý nhà nước và thực thi pháp luật. Tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về ATTP. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, nhằm nâng cao kiến thức, thực hành ATTP và ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng, người quản lý, lãnh đạo, tạo môi trường thực phẩm chất lượng, an toàn. Tiếp tục xây dựng mô hình điểm và duy trì và nhân rộng các mô hình điểm điển hình về ATTP tại các địa phương.

Hồng Luận
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới