Sốp Cộp bảo vệ và phát triển rừng

Với mục tiêu bảo vệ gần 70.000 ha rừng hiện còn, tạo sinh kế cho người dân từ nghề rừng, huyện Sốp Cộp đã tập trung chỉ đạo và triển khai thực hiện hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, gắn lợi ích của cộng đồng với khoanh nuôi tái sinh và phát triển rừng, tạo được sự ủng hộ, tích cực tham gia của nhân dân trên địa bàn.

Lực lượng kiểm lâm huyện Sốp Cộp kiểm tra diện tích rừng trồng tại xã Dồm Cang.

Cùng cán bộ Hạt Kiểm lâm và Ban quản lý rừng đặc dụng - phòng hộ Sốp Cộp kiểm tra công tác bảo vệ, PCCCR và trồng rừng tại bản Huổi Yên, xã Dồm Cang. Đây là một điểm sáng trong công tác bảo vệ rừng và trồng rừng sản xuất của huyện Sốp Cộp. Sau vụ mùa, nhà nào cũng có mấy chục bao thóc trong nhà, đủ ăn đến vụ xuân và còn dư để bán. Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Tòng Văn Thuận phấn khởi nói: Bản có 36 hộ đồng bào dân tộc Thái, từ nhiều năm nay, bà con ổn định sản xuất 6 ha ruộng nước và 30 ha cà phê, sắn, đủ lương thực tại chỗ, nên không còn tình trạng phá rừng làm nương. Đặc biệt, triển khai chính sách hỗ trợ phát triển lâm nghiệp bền vững, hơn 220 ha đất trống trước đây đã được thay thế bằng rừng sản xuất.

Hạt Kiểm lâm huyện đã tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện và chính quyền các xã đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách về phát triển lâm nghiệp đến cơ sở; tổ chức ký cam kết thực hiện trách nhiệm bảo vệ và PCCCR, quản lý lâm sản giữa Chủ tịch UBND các xã với trưởng bản. Ban hành nội quy, quy định, biển báo, biển cấm, biển cảnh báo về công tác bảo vệ rừng và PCCCR. Trong năm, đã tổ chức 79 cuộc họp tuyên truyền tại các bản, với tổng số 4.850 lượt người tham gia.

Ông Đào Văn Tưởng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Sốp Cộp, thông tin: Hạt chỉ đạo kiểm lâm địa bàn phối hợp với các chủ rừng thường xuyên cập nhật, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp, để tổng hợp, tham mưu cho chính quyền địa phương đề xuất xây dựng, bổ sung cơ chế, chính sách quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR và hỗ trợ phát triển lâm nghiệp bền vững. Năm 2023, tỷ lệ che phủ rừng của huyện đạt 47,4%.

Bên cạnh đó, từ năm 2021 đến nay, thực hiện phương án “Quản lý rừng bền vững khu rừng đặc dụng - phòng hộ Sốp Cộp giai đoạn 2021-2030”, toàn bộ 13.095 ha rừng đặc dụng - phòng hộ trên địa bàn đã được giao khoán cho 45 cộng đồng bản và các đơn vị LLVT bảo vệ từ nguồn hỗ trợ của nhà nước và chi trả dịch vụ môi trường rừng. Qua đó, đã nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền các xã, cộng đồng các bản và người dân, nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng, đất rừng quy hoạch cho lâm nghiệp, những hành vi xâm hại tài nguyên rừng được phát hiện và xử lý kịp thời.

Ông Tòng Trường Sơn, Giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng - phòng hộ Sốp Cộp, cho biết: Hằng năm, các cộng đồng bản đều được chi trả kịp thời tiền nhận khoán bảo vệ rừng và tiền dịch vụ môi trường rừng. Đây là nguồn kinh phí hết sức quan trọng, giúp cho việc duy trì, củng cố các tổ, đội bảo vệ PCCCR hiệu quả. Đặc biệt là huy động lực lượng tại chỗ tuần tra, thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hành vi phá rừng, lấn chiếm rừng, khai thác lâm sản trái phép, tham gia chữa cháy rừng, mua cây giống trồng rừng sản xuất và giúp cho cộng đồng bản đầu tư xây dựng các công trình công cộng phục vụ đời sống và sản xuất của nhân dân theo chương trình xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, công tác PCCCR được huyện quan tâm chỉ đạo, bước vào mùa khô hanh, toàn huyện đã kiện toàn và củng cố 122 tổ đội quần chúng bảo vệ rừng, PCCCR cấp bản, 4 tổ đội bảo vệ rừng và PCCCR của Ban quản lý rừng đặc dụng - phòng hộ Sốp Cộp và đồn biên phòng Nậm Lạnh, Mường Lạn, Mường Lèo, với trên 2.000 người tham gia và duy trì 1 tiểu đội tự vệ khối cơ quan của huyện sẵn sàng tham gia PCCCR.

Cùng với tiếp tục phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền quy định của pháp luật về quản lý bảo vệ rừng, Hạt Kiểm lâm huyện và Ban quản lý rừng đặc dụng - phòng hộ Sốp Cộp đã chủ động tham mưu cho UBND huyện củng cố Ban Chỉ huy các vấn đề cấp bách trong công tác bảo vệ rừng và PCCCR của huyện; ban hành kế hoạch, phương án PCCCR mùa khô năm 2023-2024. Đồng thời, hướng dẫn các chủ rừng xây dựng và triển khai phương án PCCCR theo phương châm “4 tại chỗ”; chuẩn bị nguồn lực xây dựng các công trình PCCCR; tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát, cảnh báo nguy cơ, sẵn sàng phương án huy động lực lượng tại chỗ khi có tình huống cháy rừng xảy ra.

Bài, ảnh: Ngọc Thuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới