Sơn La tập trung cao độ chống hạn

Nắng nóng liên tục trong thời gian dài, khiến nhiều công trình thủy lợi trên địa bàn toàn tỉnh khô cạn, mực nước ở các sông suối xuống thấp, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và sản xuất của người dân. Nhiều vùng trọng điểm cây công nghiệp, cây ăn quả đối diện với nguy cơ mất mùa, nông dân lo lắng như ngồi trên đống lửa.

Giọng nữ

Lao đao vì hạn hán

Những ngày cao điểm nắng nóng, đã làm cho hàng loạt ao hồ, sông suối cạn khô và các công trình thủy lợi đang ở mực nước chết. Tại bản Đông Hưng, xã Muổi Nọi, huyện Thuận Châu, 56 ha cà phê và cây ăn quả mận, mơ của 154 hộ dân đang đối mặt với tình trạng "khô", "khát" trầm trọng. 

Diện tích cà phê bản Đông Hưng bị khô lá, chết héo do nắng nóng.

Ông Phạm Văn Tiện, Trưởng bản Đông Hưng cho biết: Gần 3 tháng nay, nước sinh hoạt không có, vài hộ đã bỏ tiền khoan giếng nhưng cũng không có nước, người dân phải mua nước giá 70.000 -80.000 đồng/khối về dùng.

Nguồn nước sinh hoạt của người dân bản Đông Hưng đã cạn kiệt 3 tháng nay.

Dẫn chúng tôi ra thăm vùng trồng cà phê của bản, những cây cà phê héo khô, rụng hết lá và hoa chỉ còn trơ trụi cành, ông Tiện ngậm ngùi: Diện tích cà phê này bị cháy do sương muối năm 2019, mất bao công đốn gốc, chăm sóc, mới thu hoạch được 2 năm nay. Hiện nay, nắng nóng, không có nước tưới khiến cây cháy khô, chúng tôi xót lắm, nhưng chỉ biết trông chờ trời đổ mưa mới cứu được cây.

Hạn hán khiến hoa cà phê rụng.

Bà Phạm Thị Tâm, nhà ở cuối bản, cho biết: Không có nước sinh hoạt, gia đình tôi 4 người, phải mua nước về dùng; nước tắm giặt, rửa bát xong không dám bỏ đi, mà gom lại tận dụng để tưới cây, cho gà vịt uống. Nhiều gia đình chăn nuôi đã phải giảm quy mô, hoặc bỏ hẳn do chi phí mua nước cao quá.

Các bể chứa nước của người dân cạn trơ đáy.

Ông Cầm Văn Thỏa, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Thuận Châu, cho biết: Qua rà soát, đến nay, huyện Thuận Châu có 141 ha lúa khả năng bị hạn, trong đó, 93 ha bị hạn hẳn không có nguồn bơm. Khoảng 75 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung khả năng thiếu nước; trong đó, một số công trình không đủ cấp nước theo thiết kế được duyệt, một số công trình hết hẳn nguồn nước cấp. Đối với các loại cây trồng khác, huyện đang chỉ đạo các cơ quan, đơn vị UBND các xã tổng hợp, rà soát.

Tương tự huyện Thuận Châu, nắng nóng khiến nguồn nước tưới cho cây trồng tại nhiều địa phương khan hiếm. Hầu hết, các khe suối tự nhiên, ao hồ tự đào của người dân đã trơ đáy.

Bản Thạy Lốm 6/1, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, có 22,7 ha lúa, nguồn nước tưới chủ yếu lấy từ đập bản Kéo. Nhưng, nắng hạn kéo dài, đập không còn nước phân bổ cho các ruộng, khiến nhiều ruộng lúa nứt nẻ. Ông Hoàng Văn Nhọt bùi ngùi: Gia đình tôi có 1.700 m2 ruộng cấy lúa nước, thuê từ đất 5% của xã. Vụ năm nay, sau khi gieo cấy được khoảng nửa tháng, xảy ra đợt nắng nóng kéo dài. Nếu nắng nóng thêm 10 ngày nữa, thì cây lúa chết khô hết.

Nhiều ruộng lúa tại xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn nứt nẻ do hạn hán.

Ông Giào Văn Pản, Trưởng bản Thạy Lốm 6/1, lo lắng: Hơn chục ngày nay, tôi vất vả bám ruộng, bám đồng không kể ngày đêm, nỗ lực chống hạn, cứu lúa. Tuy nhiên, năm nay do nắng nóng gay gắt kéo dài, mực nước ở các mương xuống thấp, nước ở đầu nguồn không còn, gây khó khăn cho việc dẫn nước vào ruộng. Làm nông nghiệp bao năm nay, chưa bao giờ thấy nắng nóng gay gắt như năm nay. Nếu tình trạng này kéo dài, nguy cơ mất mùa rất cao.

Khô hạn còn khốc liệt

Mực nước hồ Lái Bay, huyện Thuận Châu chỉ còn 10% dung tích thiết kế.

Tỉnh Sơn La có 2.697 công trình thuỷ lợi, trong đó 110 hồ chứa, 1.149 đập xây, 190 cống, cửa lấy nước, 3 công trình tiêu thoát lũ, 105 mương dẫn nước, 6 trạm bơm nhỏ, 94 đập rọ thép, 1.035 phai tạm, 5 công trình tưới cho cây trồng cạn. Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nguồn nước tại các sông, suối đang suy giảm mạnh, lượng nước trong các hồ chứa thủy lợi chỉ còn khoảng 30% dung tích trữ.

Tình trạng hạn hán, thiếu nước đang xảy ra trên diện rộng, tại hầu hết các huyện, thành phố trong tỉnh. Đáng chú ý, hồ thủy lợi Lái Bay, một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của huyện Thuận Châu, ghi nhận mực nước thấp hơn cao trình mực nước dâng bình thường 9 m, ước tính dung tích nước còn khoảng 10% so với dung tích thiết kế; một số công trình hết hẳn nguồn nước cấp, gây bất lợi cho sản xuất nông nghiệp.

Ông Nguyễn Xuân Hùng, Chi cục phó Chi cục Thủy lợi, cho biết: Đầu năm 2024, ngành Nông nghiệp đã thực hiện tổng kiểm kê nguồn nước cung cấp cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Khoanh vùng cụ thể các diện tích có nguy cơ bị hạn, đưa ra phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Đồng thời, yêu cầu các địa phương phối hợp dự trữ nước tối đa, phục vụ chống hạn.

Đoàn công tác của tỉnh kiểm tra thiệt hại do nắng nóng trên cây cà phê.

Qua rà soát sơ bộ, đến nay, toàn tỉnh có trên 1.245 ha lúa nước bị ảnh hưởng, trong đó, diện tích bị hạn không có nguồn bơm gần 400 ha; diện tích phải chuyển đổi gần 50 ha. Đối với việc cấp nước sinh hoạt nông thôn, tình trạng thiếu nước đang có dấu hiệu xuất hiện, khoảng 112 công trình không đủ nước cấp so với công suất thiết kế. Dự báo, nguồn nước mặt và nước ngầm suy giảm gay gắt hơn, thiếu nước phục vụ sinh hoạt sẽ trầm trọng hơn trong thời gian tháng 4 đến tháng 6/2024.

Đối với cây ăn quả, qua kiểm tra, đánh giá thực tế, tỷ lệ cây ra hoa, đậu quả rất thấp so với niên vụ năm 2023 và trung bình nhiều năm. Sản lượng cây ăn quả năm 2024 dự kiến giảm 15% so với năm 2023, trong đó giảm mạnh nhất là nhãn, giảm trên 40%, mận khoảng 20%, xoài trên 5%...

Nỗ lực tìm giải pháp khắc phục

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra tình hình khô hạn tại huyện Thuận Châu.

Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Bắc, do ảnh hưởng El Nino, dự kiến số ngày nắng nóng trong năm 2024 xuất hiện nhiều hơn, cường độ gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm. Ứng phó với hạn hán, ngày 1/4/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kết luận số 1072-KL/TU về tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống, ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước trên địa bàn tỉnh Sơn La năm 2024.

Đồng chí Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Thực hiện Kết luận số 1072-KL/TU, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương chủ động triển khai phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, thiếu nước phù hợp với diễn biến thực tế từng thời điểm, từng khu vực. Ưu tiên nước sinh hoạt, nước uống cho gia súc, tưới cho cây trồng lâu năm có giá trị kinh tế cao khi hạn hán xảy ra. Đồng thời, hướng dẫn nhân dân tổ chức sản xuất, đối với diện tích khô hạn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang các loại cây trồng có thời gian sinh trưởng ngắn, sử dụng ít nước... Với diện tích không có khả năng cấp nước, chấp nhận bỏ lại, không canh tác, giảm thiểu thiệt hại cho nông dân.

Công trình hồ Lăng Luông, xã Phổng Lăng đang được đẩy nhanh tiến độ thi công.

Tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi lắp đặt các trạm bơm dầu dã chiến tại vị trí các cống lấy nước để bơm nước từ dung tích chết của các hồ, ao, sông, suối. Sửa chữa các công trình thủy lợi bị hư hỏng do mưa lũ; khơi thông cống đầu mối, mương, khơi thông dòng chảy và đắp đập tạm để trữ nước. Đối với công trình đang thi công, đôn đốc các chủ đầu tư chủ trì xây dựng tiến độ thi công phù hợp, có biện pháp tập trung lực lượng kỹ thuật hoàn thành công trình đúng tiến độ đưa vào sử dụng, phục vụ cho vụ sản xuất đông xuân 2023-2024. 

Dự báo nắng nóng gay gắt tiếp tục diễn ra, tỉnh Sơn La đang huy động tối đa mọi nguồn lực, thực hiện các giải pháp chống hạn. Bên cạnh các giải pháp trước mắt, việc tính đến các giải pháp đồng bộ hơn cho công tác phòng chống hạn hán là rất cần thiết.

Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới